Suốt cả chuyến đi, Dimitrios không mở miệng nói lấy một câu. Anh kẹp cái túi hành lý giữa hai chân và ngủ với đôi mắt hãy còn đang mở. Vợ con Dimitrios vẫn đang ở quê nhà. Dimitrios hứa với họ rằng chỉ một tháng thôi là anh sẽ trở về. Bên cạnh Dimitrios là Nakis, người cũng đang ngủ gà ngủ gật. Nakis vẫn chưa kết hôn, dù đã hai mươi lăm cái xuân xanh.
Anh bỏ lại ba chị em gái cùng cha mẹ già ở Kastoria (Hy Lạp). Có tổng cộng tám người ngồi sau chiếc xe tải này. Vẫn còn ba chiếc xe tải nữa trong cùng chuyến di cư. Cả bốn cùng vượt qua biên giới nhưng sau đó lại bị lạc mất nhau. Trên xe không có đứa trẻ nào cả. Trước đó hai tuần, họ đã nói lời tạm biệt với chúng, những đứa con của mình, và để đám nhóc quay lại hồ Prespa (hồ nước ngọt lớn ở Châu Âu).
Phải trải hành trình dài, tất cả đều bẩn thỉu, đầy chấy rận và ướt đẫm mồ hôi. Thức ăn chẳng còn miếng nào, nên họ đành chia nhau mấy điếu thuốc. Ban đêm, mọi người cố ngủ còn ban ngày, họ ngắm các cánh đồng. Đất đai có vẻ tốt. Ngô thì mọc cao còn nho lại vô cùng tươi tốt.
Hai ngày vừa rồi, mưa liền tù tì. Trời vãi nước không biết mệt trên tấm bạt căng qua thùng xe. Tính ra thì tấm bạt ấy cũng chẳng ngăn mưa gió được bao nhiêu. Quần áo ai nấy cũng đều ướt sũng. Nakis lộn trái cái áo khoác, tỉ mẩn bắt rận trên những nếp gấp. Ông Mihalis thì vừa nhìn vô định vừa lắc lư cái đầu như thể cộng hưởng nhịp điệu đánh đưa của chiếc xe.
Sau cơn mưa là nóng bức và ngột ngạt. Quần áo vừa ướt đẫm nước đã vội khô cong. Người nào người nấy phờ phạc, nằm vạ vật. Đang được đưa đến đâu thì chính họ cũng không biết. Ánh mặt trời gay gắt chiếu rọi vào một bên, ranh mãnh lắt léo sau mỗi khúc cua. Vừa đói vừa thiếu ngủ khiến cho những khuôn mặt đã hốc hác lại càng thêm thảm hại.
Khoảng giữa trưa, chiếc xe tới quảng trường của một thị trấn nhỏ. Trước mắt họ là những biển hiệu lạ lùng, những con chữ không thể đọc hiểu. Dưới đường, các ông chủ tiệm bán thịt cao to, còn phụ nữ thì cứ hao hao giống nhau làm sao đấy, dù họ rõ ràng là những người khác nhau. Cả thị trấn nghi ngại nhìn chiếc xe tải lạ. Cũng phải thôi, bởi nó đã là chiếc thứ ba đậu ở quảng trường này trong ngày hôm nay. Sau tấm bạt, những cái xác kiệt quệ nhổm dậy. Vẫn chưa có ai gọi bảo họ xuống.
Mãi rồi cũng có một gã mặc áo khoác màu xanh lá cây xuất hiện. Gã lớn tiếng trao đổi gì đó với gã lái xe. Có vẻ như cả gã vừa đến lẫn tài xế đều không giỏi tiếng Nga cho lắm. Họ cứ vừa nói vừa hét vừa khua khoắng chân tay loạn xạ. Ngã ngũ rồi, hai gã mới đi vòng ra phía sau xe tải, vẫy tay, “Được rồi, đã tới nơi, xuống đi nào!”
Cả đám bước xuống, đứng chờ với túi hành lý đặt bên cạnh. Gã mặc áo xanh bước đi còn họ do dự bám theo sau. Băng qua quảng trường, qua những đôi mắt ái ngại nhìn xuống từ cửa sổ, họ dừng lại ở một khoảng sân rải sỏi. Thấy có người lạ, con chó phía sau cất tiếng sủa dữ dội. Nó cứ gâu gấu liên tục cho đến khi có một cậu bé thò ra quát mắng. Song dẫu không dám sủa nữa, nó vẫn tiếp tục gầm gừ. Với con chó, sự có mặt của những người lạ lẫm trong cái sân vốn là sân trường của trẻ em này thật sự rất đáng cảnh giác. Mà cho dù là với con người thì cũng vậy thôi. Toàn bộ thị trấn im lìm như đã chết. Các cư dân lộ rõ vẻ bất an, cứ như thể trước mắt họ là một lũ người sói.
“Hôm nay là thứ mấy vậy?”, Joannis đột ngột cất tiếng hỏi.
“Thứ Tư. Trưa thứ Tư”, Marku trả lời. Anh chàng vốn nói luôn miệng, vậy mà lúc này cũng lặng lẽ, đôi lông mày nhíu lại như thể sắp dính vào nhau. Marku nhẩm ngày, nhẩm biên giới rồi mấp máy môi, lại tiếp tục đếm đã qua mấy cánh đồng ngô, còn lại bao nhiêu điếu thuốc. Trong đầu anh cũng đang tính luôn số anh em họ hàng, cả những người đã mất từ khi còn bé.
“Đã là trưa thứ Tư rồi”, Marku buồn bã lặp lại.
Nakis định chạy ra cổng. Anh muốn kiểm tra xem chiếc xe tải có còn đó không, nhưng người đàn ông mặc áo khoác xanh vội vã la lên, gọi anh quay trở về chỗ cũ. Họ để túi đồ lại trong sân, cùng đi vào một phòng tập thể dục. Trên sàn, đầy những người Hy Lạp nằm la liệt. Hầu hết đều lạ lẫm. Mihalis bất chợt nhận ra người đàn ông có bộ râu màu xám là đồng hương. Ông già này tên là Zeys. Dù ông đã già, nhưng ở đây vẫn có người còn già hơn. Zeys đến từ sáng. Ông bảo vẫn chưa được giặt giũ, nhưng đã được cho nước uống. Cả Zeys cũng không chắc là sẽ ở lại chỗ này hay đi tiếp. Nghe vậy, mấy người mới đến bèn ngó nghiêng, kiếm một chỗ để ngủ qua đêm. Song ngay lúc ấy, một gã mắt ti hí lại bước vào, cất tiếng Hungary.
Chẳng ai hiểu gã nói gì. Họ chỉ nghe loáng thoáng cái gì đó mà bốn mươi, mặt to thua lỗ. Nhưng dù không hiểu, những con người đang đói nẫu vẫn nhìn ra được sự cáu kỉnh. Gã mắt hí lảm nhảm thêm một lúc lâu rồi mới ra hiệu cho những người mới đến đứng lên, xếp thành một hàng. Từ nhiều vị trí khác nhau, họ đứng dậy. Có lẽ tất cả cũng đều chung một suy nghĩ là tốt rồi, bây giờ thì mình sẽ được uống nước.
Gã dẫn họ đi qua một sảnh đổ bê tông dài, trên tường có vẽ những nữ sinh mặc váy đang nhảy múa và các nông dân vui vẻ làm việc trên cánh đồng. Những chiếc bàn được xếp nối tiếp nhau thành một hàng dài nhưng trống trơn, chẳng có gì trên mặt gỗ cả.
Họ ngồi xuống ghế và cởi mũ.
Vẫn chưa có gì được mang ra. Họ tiếp tục đợi, tay giữ mũ, mắt hướng về phía nhà bếp. Có lần họ thấy một phụ nữ mặc tạp đề trắng hốt hoảng nhìn ra từ sau tấm kính mờ. Nhưng chỉ thế thôi, cô ấy không bước ra ngoài. Ba mươi phút đã trôi qua mà vẫn chưa có cốc nước nào, Marku bèn đứng dậy, định đi về phía cánh cửa. Trông Marku chẳng có vẻ gì là bực dọc nhưng Dimitrios vẫn vội vàng giữ tay anh lại, nhìn thẳng vào mắt. Marku ngồi xuống, lại cùng mọi người dán con ngươi vào cánh cửa.
Lát sau, một phụ nữ mặt tàn nhang xuất hiện, đặt những chiếc bình nhựa có đựng thứ nước gì đó màu đỏ dọc theo bàn. Xong việc, cô ta lui vào bếp. Mihalis lè lưỡi liếm thử một ít và nói gì đó. Tiếng rì rầm lập tức truyền đi, “Không phải là rượu vang đâu”.
Rồi thì cốc được mang ra. Họ lúng túng rót chia nhau, uống thứ nước trái cây có đường lạ lẫm. Nó không gắt và có vị rõ kỳ quặc nhưng vẫn phần nào giảm bớt cơn khát cháy trong cổ họng. Họ lấy thêm nước từ vòi nước trên bồn rửa gắn trên bức tường. Mười lăm phút dài dặc nữa lại trôi qua. Một phụ nữ đội khăn trùm đầu bước ra, đặt những cái đĩa nhựa dọc theo hàng bàn. Cô không hề ngước mặt lên, cũng chẳng nói với ai một câu. Nếu không đủ chỗ, cô đặt luôn dao kéo lên trên khăn ăn. Sau cô, người phụ nữ mặt tàn nhang lại bước ra, nhưng lần này thì đi cùng với một bà đầu bếp luống tuổi và mập mạp khác. Họ trộn trộn gì đó trong chiếc nồi nhôm to tổ chảng. Có hai cái nồi như thế được đặt ở hai đầu của hàng bàn.
Những người di cư bắt đầu nhốn nháo, chờ được phục vụ. Nhưng hai phụ nữ nọ không chia đồ ăn cho họ mà quay về cánh cửa bếp, đứng nhìn. Đợi một lúc, Nakis đứng dậy, nhòm vào bên trong cái nồi.
“Là mì”.
Hai người ở hai đầu bàn bắt đầu lấy mì, trao đĩa cho những người lớn tuổi hơn trước rồi mới đến người trẻ.
Họ đang tính lấy thêm một lượt nữa thì người phụ nữ đội khăn trùm đầu lại đi ra, trên mỗi tay là một cái bát. Cô ta đặt nó xuống ở hai đầu bàn rồi lại bỏ đi. Trong bát có đầy vụn gì đó màu xám. Họ không biết nó được dùng để làm gì.
Một số bắt đầu ăn mì suông, còn phần đông vẫn chờ được phục vụ thêm thịt. Nakis nhìn chằm chằm vào cái bát, nhón một ít bằng mấy đầu ngón tay rồi nếm thử.
“Là tro thì phải”.
“Nhớ là sau đó phải rửa tay cho sạch đi đấy”, Marku nhắc.
Ở đầu bàn phía kia, Dimitrios cúi đầu xuống, hít thử.
“Bẩn quá đi”, anh nặng giọng.
Đúng lúc Joannis định ăn đại mì không thì cả cô tàn nhang lẫn cô trùm đầu nóng nảy bước ra. Khuôn mặt cô tàn nhang đỏ bừng, còn cô đội khăn thì cao giọng nói liến thoắng cái gì đó. Cô ta cứ chỉ vào cái bát rồi lặp đi lặp lại một từ, sau đó làm một cử chỉ tay như thể muốn đuổi hết mọi người đi. Càng nghe, họ càng không hiểu và bối rối, nhìn nhau lo lắng. Người phụ nữ lắc đầu. Trước khi họ kịp lấy tay che đĩa mì của mình, cô đã nhúp mớ vụn màu xám nom hệt như tro trong cái bát, rắc đầy lên trên. Cả cô nàng mặt tàn nhang cũng làm y như vậy. Chẳng mấy chốc, các đĩa mì đã bị phủ kín. Rắc hết lượt rồi, họ lại bỏ đi vào bếp. Cả dãy bàn chết lặng. Sau vài giây, Dimitrios chợt lên tiếng.
“Họ làm bẩn hết cả rồi!”.
“Toàn là đất cả đấy, không ăn được nữa đâu”, tiếng xì xầm lại lan dọc hàng bàn.
Marku tức giận cắm cái nĩa xuống mặt bàn, còn những người khác thì ngỡ ngàng. Họ nhìn đĩa mì với đôi mắt chứa đựng toàn bộ sự thất vọng.
“Họ không muốn cho chúng ta ở đây”, Joannis kết luận. “Chỉ vì chúng ta không hiểu họ nói gì mà thôi. Nên họ mới cố ý làm bẩn thức ăn của chúng ta”.
Dimitrios đã đói đến mức có thể ngấu nghiến luôn cả chỗ mì lẫn bụi bẩn trước mặt, nhưng vẫn còn lòng tự trọng. Anh cố kìm chế cơn cồn cào, chờ xem mọi người hành xử ra làm sao.
“Chúng ta nên đứng dậy và rời khỏi đây thôi”, Nakis đập tay lên bàn.
Nhưng đề nghị này không được tán thành cho lắm. Tất cả bọn họ đều đã không có gì bỏ bụng cả mấy ngày nay rồi.
Cuối cùng, ông Zeys đứng dậy, bê đĩa mì của mình lên. Với dáng vẻ trang nghiêm và đầu ngẩng cao, ông đi tới chỗ bức tường. Mọi người cứ ngỡ ông sẽ đổ đĩa mì đi hoặc là đem trả cho đám đàn bà trong bếp, nhưng tất cả đều không phải. Ông tiến thẳng đến chỗ bồn rửa. Xòe bàn tay to lớn chắn lại các sợi mì trên đĩa, ông xả nước. Chẳng mấy chốc, đám tro xám đã bị trôi sạch, chỉ còn mớ mì ướt sũng. Bắt chước Zeys, những người còn lại lần lượt bê đĩa của mình tới. Đám phụ nữ trong bếp chết sững nhưng không ai dám bước ra.
- Xem thêm: Bến chờ
Họ ăn những sợi mì vừa mới tự tay rửa, sau đó lại bàn thảo. Khi mà cái dạ dày đã bớt gào thét cũng là lúc nỗi cay đắng tràn dâng. Tất cả đứng dậy, im lặng quay trở lại phòng thể dục. Lúc mà gã mặc áo khoác xanh quay lại, họ đã xếp thành hàng, mặt mũi đầy vẻ phẫn nộ. Bà đầu bếp béo ú tất tả lao ra, kéo tay gã vào trong, chỉ cho gã thấy chiếc bồn rửa trong phòng ăn.
Trong lòng bồn rửa vẫn ngổn ngang những sợi mì, còn ống thoát nước thì hoàn toàn tắc nghẽn bởi vụn hạt anh túc (có thể được dùng như gia vị đối với nhiều loại món ăn) ngọt dính mỡ.