Thị phi và mâu thuẫn nơi công sở là vấn đề không nhỏ của mọi công ty, mà việc giải quyết luôn mất nhiều thời gian và nguồn lực. Nguyên nhân không phải do văn hóa doanh nghiệp như mọi người vẫn tưởng, mà nó là do “cái tôi” của từng người.
Đứng trước những vấn đề xảy ra trong doanh nghiệp, nhân viên lẽ ra cần tìm giải pháp để giải quyết vấn đề thì họ lại thường mất thời gian làm những việc tiêu cực như than vãn, đổ lỗi. Với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên trong mỗi công ty, đây là chi phí hao tổn không nhỏ. Nhà nghiên cứu về những tình huống thị phi nơi công sở Cy Wakeman gọi đây là những “phí tổn cảm xúc” và việc dành thời gian cho những chuyện thị phi giống như đầu tư vào “một mã cổ phiếu liên tục mất giá”.
Theo Cy Wakeman, tâm trí mỗi người là những lăng kính có khả năng bẻ cong thực tại, biến thực tại thành một câu chuyện thỏa mãn mong ước và cái tôi cá nhân. Vì vậy mà trong mọi trường hợp, chúng ta đều tìm cách nghĩ tốt hơn về chính mình và bào chữa cho sự kém cỏi, thụ động của bản thân.
Để giúp các nhà lãnh đạo giảm trừ “phí tổn cảm xúc”, nhà tâm lý học trị liệ nổi tiếng này đề xuất phương pháp nhìn vào bên trong chính mình (nội quan), theo đó, bạn không nên quá tin những gì bạn nghĩ, ngưng phán xét, mở rộng tấm lòng, khai thông tâm trí với mục đích giúp mỗi người có thể tự vượt qua bản ngã và nhìn thấy được sự thật khách quan. Phương pháp này không chỉ giúp nhân viên bớt tạo ra thị phi hay vướng vào các mâu thuẫn nơi công sở, nó còn rất hữu ích cho nhà lãnh đạo để họ biết cách giúp các nhân viên của mình tự đánh giá bản thân và vượt qua cái tôi để phát triển. Phương pháp này bắt đầu bằng việc nhà lãnh đạo gợi ý nhân viên tự suy nghĩ về vấn đề của mình bằng một loạt những câu hỏi như “Anh/Chị đang cố gắng thực hiện được điều gì?”, “Anh/ Chị lo lắng chuyện gì sẽ cản bước mình?”, “Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ đó?”,…
Vô ngã là một tác phẩm của Cy Wakeman, đã đúc kết rất nhiều câu chuyện, kinh nghiệm, công cụ và phương pháp giúp cho việc quản trị trở nên hiệu quả hơn, phá vỡ hàng loạt quan niệm sai lầm mà các nhà lãnh đạo thường nhầm tưởng về tinh thần trách nhiệm, quản lý sự thay đổi, triết lý gắn kết nhân viên truyền thống.
Trong cuốn sách, tác giả còn giới thiệu đến mọi người công cụ SBAR – đây là công cụ giúp nhân viên nhận định được tình hình khách quan, xử lý câu chuyện của bản ngã trước khi tìm đến sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo. SBAR bao gồm việc phân tích vấn đề trên một trang giấy theo bốn khía cạnh: Tình hình hiện tại (Situation), Bối cảnh (Background), Đánh giá (Assesment), Khuyến nghị (Recommendation).