Buổi sáng ngồi uống cà phê ở một quán quen gần khu chợ nhỏ, nhìn qua bên kia đường chợt thấy lạ. Hai ba căn nhà tiền chế, vách ván, mái tôn hiện ra trước mặt, che khuất cả gian nhà chính bên trong.
Mới mấy tuần không ghé lại mà nhiều đổi thay đến vậy sao? Câu hỏi gợi lên một nỗi buồn! Giàn cột đặt trên những chân quỳ xòe ra đẹp đẽ của căn nhà xưa này quen thuộc với tôi biết bao. Ngôi nhà với mái ngói rêu phong xây theo hình bánh ú trong thành phố này có còn được mấy nhà? Cách kiến trúc một gian, hai chái vừa mang nét truyền thống của nhà nông thôn lại vừa chịu ảnh hưởng của kiểu nhà Tây cách đây hàng trăm năm lúc trước còn thấy nhan nhản nay đã gần như mất hẳn qua những cuộc bể dâu cùng với những đổi mới phát triển của đô thị.
Dĩ nhiên rải rác chỗ này chỗ kia trong thành phố vẫn còn những căn nhà xưa. Những căn nhà mà chỉ cần nhìn là ta cảm thấy bồi hồi thổn thức như thấy lại một thời đã qua của ông bà, cha mẹ thân yêu. Nhưng căn nhà trước mặt tôi thì lâu nay vẫn vậy. Lọt thỏm trong con đường nhỏ cạnh khu chợ, lọt thỏm bên mấy nhà lầu cao ngất cạnh đó, ngôi nhà vẫn đứng đó, sạch đẹp, tinh tươm với cái sân nhỏ, hàng cột tròn nâng đỡ ba gian thâm thấp, mở rộng các cửa cho nắng sáng ùa vào soi rọi từng vẻ uy nghiêm cổ kính một thời…
Nâng ly uống một ngụm cà phê, nghe cái đắng đót nồng nàn của hương vị đầu ngày tan dần trong miệng mà man mác, bâng khuâng chút kỷ niệm xưa. Nhắm mắt lại, hình ảnh cô giáo cũ của tôi, vị chủ nhân ngôi nhà đang bị dãy hàng quán trước cửa che lấp đó lại hiện ra, rõ ràng như mới hôm qua. Cô tôi là con nhà điền chủ ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”, lấy chồng cũng “môn đăng hộ đối” nên từ quê tản cư ra đây xây căn nhà lớn này.
Trong khi ông chồng nằm nhà, tiêu pha tiền của có sẵn rồi đèo thêm vợ bé vợ mọn cho đến khi tiền của suy kiệt thì cô một mình gồng gánh gia đình, xin vào dạy nữ công cho trường nữ tiểu học tỉnh lỵ bởi cô rất khéo léo chuyện bánh trái, thêu thùa. Trong trí nhớ tôi cô thật đẹp, thật dịu dàng trong chiếc áo dài màu xanh ngọc hay xanh ve chai, hai màu ưa thích của cô, mái tóc rất dày được bới thành một búi to tròn gọn ghẽ, trên vành tai là đôi bông cẩm thạch xanh biếc phù hợp với đôi vòng ngọc thạch lên nước xanh bóng, trong vắt trên cổ tay trắng mịn, quý phái.
Mãi đến giờ, cô giáo dạy nữ công những năm tiểu học vẫn là người đẹp nhất, sang nhất tôi không thể quên. Hơn nữa, vì cô là bạn với mẹ tôi nên con bé học trò vẫn thường được theo mẹ đến nhà cô chơi, ngôi nhà mà trong tâm trí tôi hồi đó đã như một lâu đài nguy nga, tráng lệ với nhiều gian phòng, nhiều món đồ quý giá trưng bày khắp các gian, với chiếc tủ thờ cẩn xà cừ thật lớn ở giữa nhà…
Còn nhớ những ngày lễ Hai Bà Trưng năm xưa, trường nữ tiểu học tỉnh lỵ của mẹ tôi hay tổ chức triển lãm và đấu xảo những món ăn ngon, những sản phẩm thêu thùa may vá thật khéo của mấy cô giáo trong trường. Lễ hội thường kéo dài hai ba ngày, dân chúng tự do ra vào vừa xem triển lãm, vừa thưởng thức một số món ăn ngon bày bán quanh sân trường. Trong ký ức tôi, ấn tượng nhất vẫn là món cháo bồi do cô tôi nấu với chạo tôm, thịt viên và nhiều thứ nữa mà cô học trò nhỏ không biết hết, chỉ nhớ là ngon cực kỳ. Món cháo ấy sau này thỉnh thoảng tôi cũng có ăn nhưng không thể nào tìm lại chút hương vị xưa.
Cô tôi mất đã lâu, mấy đứa con được thừa hưởng căn nhà xưa. Bao năm nay, qua lại chỗ này tôi vẫn thấy ấm lòng. Không ngờ… Ông chủ quán cà phê cho biết phía trước nhà cho mướn cất tạm một căn rửa xe, một căn bán thức ăn là để giải quyết khó khăn cho hai người con cô trong nhà. Việc ra vào trong nhà giờ chỉ nhờ một cửa ngách nhỏ, còn lại bị bịt kín hết, chỉ thấy phần mái ngói hình bánh ú nhô lên đó thôi.
Những điều vừa nghe khiến ngụm cà phê dường như đắng chát trong miệng và buổi sáng của tôi đọng lại bao nỗi hoài cảm trước cuộc đời vô thường. Lại nhớ hôm rồi theo bạn qua chơi bên đất cù lao, nơi còn lại vài ngôi nhà cổ từ rất nhiều nhà cổ trước đây bởi khi vua Gia Long bôn tẩu đã có nhiều bề tôi ở lại, sinh cơ lập nghiệp đất này. Nghe ông cán bộ xã nói trước đây có gần hai chục căn, giờ chỉ năm sáu căn còn giữ nét xưa thôi.
Đa phần nhà cổ chúng tôi ghé qua là nhà rường hoặc nhà cất thời Pháp thuộc giống như nhà cô tôi và qua thời gian đều được sửa chữa, tu bổ ít nhiều. Vì vậy cả bọn mừng như bắt được vàng khi tìm được một căn nhà song tiện, dài hơn mười thước mặt tiền, cửa cái trổ bên hông nhà đúng theo cách kiến trúc của loại nhà này. Bên ngoài nhà là một khu vườn nhỏ với những cây dừa mọc thẳng hàng, tàu lá rũ xuống, đong đưa trong gió. Điều lý thú hơn là còn bộ ván ngựa bằng gõ dày hai tấc lên nước láng bóng giữa nhà và bà chủ nhà, dân miệt vườn mà nói tiếng Tây như gió bởi trước đây bà đã từng đi học và làm việc trên tỉnh.
Cái đáng quý vẫn là nhờ vào mấy mẫu ruộng cho thuê lấy lúa, gia đình bà sống rất ổn nên mọi thứ trong nhà đều được giữ nguyên như hàng trăm năm trước đây. Hàng song tiện bằng cây thao lao vẫn còn y cũ giống như hai vợ chồng chủ nhân, tóc bạc trắng, người nào cũng ngót nghét 80 tuổi mà lòng hiếu khách vẫn tươi như mớ rau vườn mới hái…
Ôi những ngôi nhà cổ bên đường, sao xao xuyến lòng người là vậy! Và tôi, buổi sáng nay sao lòng cứ mênh mang một nỗi hoài cổ đầy ngậm ngùi, nhớ tiếc khôn nguôi…