Ngày 27-3, Đại học Yale ở bang Connecticut, Mỹ, đã thông báo quyết định buộc thôi học đối với một nữ sinh viên sau khi phụ huynh của em thừa nhận hối lộ 1,2 triệu USD để “chạy” cho con vào trường đại học danh giá này. Đây là trường hợp đầu tiên bị buộc thôi học trong vụ bê bối “chạy trường” liên quan đến nhiều đại học danh tiếng ở Mỹ như Standord, Yale, Georgetown, Texas…mới bị phanh phui hồi đầu tháng này.
Trong một thông báo đăng tải trên website của trường, Đại học Yale cho biết thời điểm lần đầu tiên trường biết về việc “chạy trường” là vào giữa tháng 11/2018 khi Văn phòng Tổng chưởng lý Mỹ tại Boston yêu cầu trường cung cấp thông tin về Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội bóng đá nữ của trường là Rudy Meredith.
Theo Đại học Yale, HLV Meredith, đã rời khỏi trường này trước đó, đã đưa ra tiến cử giả mạo về năng lực thể thao của hai thí sinh. Một trong hai thí sinh này đã được nhập học tại Yale hồi tháng 1-2018 sau khi gia đình hối lộ 1,2 triệu USD. Ngoài ra, HLV này cũng đã nhận 400.000 USD từ một người môi giới liên quan tới đường dây “chạy” vào trường đại học này.
Đại học Yale tuyên bố đã tiến hành điều tra các cáo buộc và quyết định cho thôi học sinh viên này. Theo luật riêng tư liên bang và chính sách của Đại học Yale, danh tính của sinh viên này được giữ kín. Đại học Yale hiện đang tiến hành điều tra để phát hiện xem liệu có sự dính líu của người khác nữa hay không và sẽ thuê cố vấn để đưa ra những thay đổi nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Theo kế hoạch, ngày 28/3, HLV Meredith sẽ ra hầu tòa tại một tòa án liên bang ở Boston với hai cáo buộc gian lận.
Các HLV thể thao thuộc các trường đại học công và tư danh giá khác, trong đó có UCLA, Đại học Nam Califorina và Georgetown …, cũng dính líu vào vụ gian lận này.
Cho đến nay, khoảng 50 người đã bị truy tố trong vụ bê bối chạy vào các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, trong đó có các HLV thể thao, đưa ra tiến cử giả để giúp các thí sinh được nhận vào trường; các nhà quản lý trường đại học làm gian lận về điểm; 33 phụ huynh bị cáo buộc chi khoảng 6,5 triệu USD để “chạy trường” cho con.
Theo các nhà điều tra, nghi phạm chính của vụ bê bối, đồng thời cầm đầu đường dây “chạy suất” vào đại học trị giá 25 triệu USD này là William Rick Singer, 58 tuổi, người đứng đầu tổ chức từ thiện Key Worldwide Foundation và là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty đào tạo và hướng nghiệp Edge College & Career Network. Các công tố viên cho biết nhiều bậc phụ huynh đã trả khoản tiền lên tới 6 triệu USD cho một công ty do Singer điều hành để đối tượng này tìm cách giúp đỡ con em họ trong bài thi đầu vào các trường đại học hoặc hối lộ các huấn luyện viên để giúp giành suất học bổng dành vận động viên ở những trường này. Singer cho biết đã “giúp” 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua “cửa phụ”.
- Xem thêm: Top 10 trường đại học tốt nhất thế giới
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin cảnh sát nước này vừa triệt phá một đường dây chạy suất vào các trường đại học hàng đầu ở “xứ cờ hoa”. Chiến dịch mang tên “Varsity Blues” đã xác nhận 50 nghi phạm bao gồm các CEO, nhiều ngôi sao nổi tiếng ở Hollywood, các nhà thiết kế thời trang, các luật sư cao cấp và giáo sư đại học… tại Mỹ. Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. William Singer đang phải đối mặt với mức án tối đa là 65 năm nếu bị kết án, cho rằng bản thân “hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ việc”.
Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này.