“Mười năm trước, các trường đại học trong nước hoàn toàn có thể giải quyết bài toán về khoa học – công nghệ của doanh nghiệp. Nhưng năm năm trở lại đây, trường đại học đã không thể đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng cao của doanh nghiệp”. Đó là nhận định của ông Huỳnh Bảo Tuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ đào tạo quản lý doanh nghiệp (thuộc Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) tại buổi hội thảo theo chủ đề Đổi mới sáng tạo và lợi thế cạnh tranh thời kỳ mới do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hôm 19-5.
Cũng theo ông Huỳnh Bảo Tuân, những nhận định cho rằng doanh nghiệp trong nước chưa coi trọng về khoa học – công nghệ trong quá trình phát triển là chưa chính xác. Thực tế là nhiều doanh nghiệp rất muốn cập nhật công nghệ mới nhưng lại thiếu lòng tin đối với kết quả nghiên cứu ở các trường đại học. Có thể thấy rằng phần lớn công nghệ mà các trường đại học có sẵn là do nhà khoa học tự đề xuất và xin kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nhà nước, kết quả thu được sau khi báo cáo lại bị “xếp xó” vì rất ít công trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngay cả Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, dù rất muốn tham gia giải quyết công nghệ cho các công ty nhưng dường như không đủ “dũng khí” để nhận các hợp đồng lớn, nên chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy. Vì vậy, một số doanh nghiệp lớn phải đi mua công nghệ của nước ngoài về trang bị cho mình, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ kinh phí mua công nghệ thì cũng không đủ niềm tin vào công nghệ trong nước.
Nghiên cứu và phát triển (R&D) vốn là bước đi có tính chất nền tảng để phát triển kinh tế và luôn phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Các trường đại học có thể làm tốt phần việc “nghiên cứu”, nhưng nếu không có sự hỗ trợ, đầu tư từ doanh nghiệp thì khó thực hiện tiếp phần “phát triển”. Trên thực tế, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 15 năm nghiên cứu về công nghệ Nano, có sáu tiến sĩ chuyên về công nghệ này triển khai nhiều đề tài lớn nhỏ nhưng vẫn chưa thể đưa sản phẩm ra thị trường.
Gần đây, nhà trường cố gắng thương mại hóa một số kết quả về công nghệ này thì trong vòng nửa năm đã phải chi phí đến khoảng 1 tỉ đồng – mức chi quá lớn đối với một trường chỉ có nguồn thu chính từ học phí của sinh viên. Đó là lý do vì sao chỉ mới có khoảng 5% hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp thành công.
Tại hội thảo, ông Tuân kêu gọi sự “hợp tác cộng sinh”, thay vì đặt hàng cho trường, nay cả doanh nghiệp cũng phải tham gia, chia sẻ và hỗ trợ để sớm ứng dụng được công nghệ mới, tránh tình trạng nghiên cứu ứng dụng kéo dài đến năm, mười năm, đến khi chính thức đạt yêu cầu thì công nghệ đã trở nên lạc hậu.
Ông Tuân nói: “Trong bối cảnh mới, chúng ta phải tạo ra cơ chế hợp tác mới giữa trường đại học và doanh nghiệp theo phương châm cùng làm, cùng đầu tư, cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro dưới mô hình cổ phần, cùng đầu tư, cùng có lợi, cùng phát triển”. Sắp tới, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh mô hình này, tập trung vào một số lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế như chế biến thực phẩm, lương thực, dược liệu… Hy vọng nỗ lực này sẽ đưa doanh nghiệp và trường đại học đến gần nhau hơn trong việc giải quyết bài toán ứng dụng công nghệ mới.