Theo nhìn nhận của ông Xuyên, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, trong nền kinh tế thường xảy ra xu thế tốc độ tăng trưởng bị hâm nóng quá mức, áp lực từ nhiều phía buộc chính phủ phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nhờ đó GDP có thể sẽ tăng lên nhưng chính sự quá nhiệt của nền kinh tế lại dẫn đến lạm phát. Một tồn tại khác trong tiến trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc là các cơ quan, thể chế, bao gồm chính quyền các địa phương không tuân theo các “khuôn khổ mềm”, vẫn cứ chi tiêu thoải mái và góp phần gây quá nhiệt cho nền kinh tế.
Ông Châu Tiểu Xuyên tại Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF) 2012
Trong giai đoạn 2008-2009, khi chính phủ Trung Quốc bơm tiền cứu nền kinh tế ra khỏi nguy cơ suy thoái, chỉ số tiêu dùng CPI có lúc đã tăng lên mức cao kỷ lục 6,5% (tháng 7-2011). Chính sách thắt chặt tiền tệ được đề ra lúc ấy (bao gồm yêu cầu tỷ lệ dự trữ tại các ngân hàng thương mại trong nước phải tăng đến mức kỷ lục 21,5%; PBOC tìm mọi cách khóa chặt tình trạng dư thừa tiền mặt trên thị trường) đã gây ra hiện tượng đầu cơ tích trữ, khiến giá cả nhu yếu phẩm leo thang. Sau hai năm PBOC cố gắng giữ cho tỷ lệ lạm phát không vượt quá 4%, trong tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc đã giảm nhẹ, còn 1,7% so với 1,9% trong tháng trước đó. Trong chính sách tiền tệ hiện tại, PBOC đã quyết định cắt giảm lãi suất trong tháng 6 và 7-2012, cũng như hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống ba lần so với năm 2011 nhằm phóng thích khoản tiền vay 1,2 ngàn tỉ nhân dân tệ (tương đương 190 tỉ USD) như một phần trong chương trình tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Có điều, thay vì bơm tiền mặt ngắn hạn vào thị trường tiền tệ nhằm giải tỏa cơn khát tín dụng như ba năm trước, PBOC tiến hành các phương pháp chọn lọc rất cẩn trọng vì chính phủ Trung Quốc quyết ngăn chặn không cho tình trạng đầu cơ địa ốc và rủi ro lạm phát lặp lại.
Khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hay Ngân hàng Trung ương châu Âu, PBOC không hoạt động độc lập và rất cần chính phủ Bắc Kinh bật đèn xanh đối với mọi quyết định chủ chốt về lãi suất lẫn tiền tệ, song trong giai đoạn cách tân chính trị lẫn kinh tế hiện nay, giới phân tích tin rằng PBOC đang ngày một gia tăng tầm ảnh hưởng của mình lên mọi chính sách của chính phủ.
Lâm Kiên theo Reuters