Nhiều năm qua, Singapore cùng Hongkong được đánh giá là hai thị trường khách sạn đông đúc và hào nhoáng nhất thế giới. Trong năm 2011, cả hai hội đồng du lịch của hai nơi này công bố tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn đều vượt mức 85%, cao hơn rất nhiều so với những điểm nóng du lịch quốc tế khác, bao gồm London và New York. Đợt bùng nổ ngành dịch vụ tài chính mới cùng với việc khai trương hai sòng bài trong năm 2010 đã giúp ngành khách sạn Singapore hồi phục mạnh mẽ sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi mà tỷ lệ đặt phòng giảm chỉ còn 76% trong năm 2009.
Raffles Hotel – khách sạn cao cấp bậc nhất Singapore
Thế nhưng giờ đây sự hồi phục ấy đang bị chặn lại. Sang năm 2013, tỷ lệ đặt phòng tại Hongkong sẽ nhỉnh hơn Singapore, một phần do đặc khu kinh tế này có ít khách sạn mới khai trương hơn so với đảo quốc Sư tử. Công ty STR Global chuyên cung cấp dữ liệu về ngành khách sạn nhận định rằng nếu tình hình ảm đạm hiện tại ở Singapore kéo dài sang năm sau thì tất nhiên tỷ lệ phòng trống sẽ tăng mạnh và lợi nhuận sụt giảm nhiều hơn vì có khá nhiều khách sạn chuẩn bị khai trương trong năm 2012. Theo nhà dịch vụ thẩm định tài chính CBRE, trong giai đoạn 2011-2014, nguồn cung phòng thuê của nhóm khách sạn bốn và năm sao tại Singapore được dự báo tăng thêm 17,4%, còn ở Hongkong chỉ ở mức 13,5%. Các khách sạn cao cấp sẽ gánh chịu nhiều tổn thất hơn nhóm khách sạn hạng trung bởi nhóm khách đi công tác chứ không phải nhóm khách du lịch sẽ tác động chính đến nguồn cầu tại đây. Tỷ lệ đặt phòng hạng sang ở Singapore hồi tháng 9 vừa qua chỉ ở mức 81% so với 86% của nhóm phòng hạng trung. Tập đoàn Far East Hospitality, hiện đang điều hành 11 khách sạn và căn hộ cao cấp tại Singapore cho biết sự bất ổn của kinh tế phương Tây cùng sự đi xuống trong hoạt động vùng đã dẫn đến việc cắt giảm chi phí sinh hoạt của những người nước ngoài làm việc tại đảo quốc Sư tử, còn hầu hết các khách hàng đi công tác đều chọn đặt phòng với giá thấp hơn trước đây. Tương tự, Tập đoàn CDL, sở hữu nhiều khách sạn bốn và năm sao cũng cho hay kết quả kinh doanh của họ giảm mạnh hơn so với dự báo, doanh thu từ mỗi phòng giảm từ 177 USD hồi quý II xuống còn 170 USD trong quý III. Đồng cảnh ngộ còn có các tập đoàn tên tuổi khác như Hotel Properties Ltd (sở hữu Four Seasons và Hilton) và Overseas Union Enterprise Ltd (sở hữu Marina Orchard).
B. Trịnh theo Reuters