Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu hàng hóa “Made in China” dường như bị đóng băng tại Liên minh châu Âu, trong khi các thị trường đang phát triển phải đối mặt với tình trạng sút giảm nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Sự việc còn trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ giảm thu mua trái phiếu chính phủ khiến việc cung cấp tín dụng trên bình diện quốc tế càng trở nên khó khăn hơn, do đó giới đầu tư nước ngoài càng tỏ ra cẩn trọng hơn. Xuất khẩu hàng Trung Quốc tới khu vực Đông Nam Á đạt mức thấp kỷ lục trong vòng 17 tháng qua. Bất chấp xuất khẩu sa sút, phần còn lại của cỗ máy kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Nhập khẩu trong quý III leo thang, đặc biệt ở những mặt hàng nguyên liệu thô nhằm phục vụ cho các ngành công nghiệp xuất khẩu cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chỉ để phục vụ xuất khẩu. Tín dụng được nới lỏng hơn bao giờ hết với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư bất động sản. Nhập khẩu dầu thô và quặng sắt ghi nhận mức kỷ lục mới trong tháng 9 trong khi nhập khẩu đồng thau tăng 18% – mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua.
Trung Quốc ngày một lệ thuộc ít hơn về xuất khẩu
Suốt mấy thập niên qua, mô hình kinh tế Trung Quốc tương đối đơn giản: sử dụng nhân công giá rẻ để kích cầu xuất khẩu, tái đầu tư phần lớn lợi nhuận vào cơ sở hạ tầng và nhà máy cần thiết để tạo ra nhiều hàng hóa xuất khẩu hơn. Chính sách ấy tỏ ra hiệu quả trong nhiều năm, nhưng cũng để lộ hai khuyết điểm mà sớm muộn gì Bắc Kinh cũng phải đối diện. Thứ nhất, tiền công lao động sẽ ngày càng tăng, khiến giá nhân công nước này không còn là lợi thế cạnh tranh. Tám năm qua, lương công nhân khu vực thành thị đã tăng gấp ba lần trong khi nguồn cung nhân công từ tỉnh lẻ đến các thành phố lớn đang giảm tốc. Tổ chức tư vấn Boston Consulting Group dự báo sẽ có tình trạng các doanh nghiệp trở về Mỹ hay châu Âu thuê nhân công trong bối cảnh chi phí lương, năng lượng và vận tải của Trung Quốc ngày càng cao. Điểm yếu thứ hai chính là tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc bé và gặp nhiều thử thách khi nền kinh tế tập trung vào bất động sản. Hiện giới quan sát quốc tế vẫn đang tìm hiểu liệu xuất khẩu tại Trung Quốc giảm sút là một xu hướng ngắn hạn, do nhu cầu của các thị trường đang phát triển không cao, hay mang tính dài hạn, do giới đầu tư di chuyển nhà máy và cơ sở sản xuất đến nước khác. Nếu là nguyên nhân thứ hai, Bắc Kinh sẽ phải chịu một áp lực lớn chưa từng thấy. Đấy không chỉ là những thành phố đầy những khu dân cư mới xây chưa có người ở hay hàng loạt cơ sở hạ tầng mọc lên như nấm kể từ 2008 sẽ bị bỏ trống, mà là những hệ quả của sự đầu tư hoang phí và những tư duy phát triển ngắn hạn. Một nghiên cứu đưa ra từ Quỹ Tiền tệ Thế giới năm 2012 cho thấy mức độ đầu tư quá đà tại Trung Quốc tương đương khoảng 10 – 20% GDP nước này mỗi năm.
Lâm Kiên theo Reuters