Bảng khảo cứu này cho thấy hàng chục triệu người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng giống như nô lệ, đa số ở châu Á.
Nhà khảo cứu Kevin Bales, cho biết hình thức nô lệ thông thường nhất ngày nay thể hiện dưới hai hình thức. Một là loại nô lệ cha truyền con nối ở Nam Á, nơi các gia đình sinh ra đã là nô lệ và chết đi cũng là nô lệ, nơi một gia đình thuộc quyền sở hữu của một gia đình khác và cứ thế đời nọ qua đời kia. Tất cả những gì mình biết chỉ là nô lệ. Mình trông đợi sẽ bị đánh đập; sẽ bị cưỡng hiếp; không có cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống của một người nô lệ… Hình thức thứ hai là một người đi di cư với hy vọng có một đời sống kinh tế tốt đẹp hơn. Một người đi tìm cách để cải thiện đời sống của mình hay của gia đình và con cái. Và do đó họ đi tìm một nơi chốn an toàn, họ đi tìm một nơi có công ăn việc làm, và có những kẻ tội phạm lợi dụng lòng ước muốn được an toàn và được tuyển dụng và dụ dỗ họ vào những tình huống bên ngoài quê hương của họ, nơi mà sau đó họ sẽ lâm vào cảnh làm nô lệ.
Người nghèo Ấn Độ kiếm sống trên đường phố
Mauritania đứng đầu danh sách với tỷ lệ cao nhất về nô lệ thời hiện đại. Quốc gia Tây Phi này có một lịch sử lâu dài về nô lệ từ đời này qua đời khác dựa trên sắc tộc. Bảng chỉ số ước tính là Mauritania có tới 160 ngàn nô lệ – trong khối dân chỉ có 3,8 triệu người. Chính phủ Mauritania đã nhiều lần tìm cách mà không thành công trong việc xóa bỏ tập tục này – gần đây nhất là vào năm 2007.
Ấn Ðộ bị ước tính theo bảng danh sách là có con số cao nhất về nô lệ hiện đại. Quốc gia 1,2 tỉ dân này được cho là bao gồm con số to lớn 14 triệu người sống trong cảnh giống như nô lệ, gồm lao động cưỡng bách, hôn nhân cưỡng bách, lạm dụng trẻ em và làm nô lệ để trả nợ.
Tổ chức này nhận thấy rằng châu Á là nơi sinh cư của khoảng 72% nô lệ trên thế giới. Trung Quốc và Pakistan đứng hạng thứ nhì và thứ ba sau Ấn Ðộ. Trung Quốc được cho là có khoảng 2,9 triệu nô lệ. Pakistan với dân số khoảng 13% dân số Trung Quốc, có con số đáng sợ là 2,1 triệu nô lệ.
Các nước với mức độ cao về nô lệ đều có chung các điểm là phát triển yếu kém, tham nhũng, nghèo khó và xung đột chiến tranh. Ngoài ra, các nhà khảo cứu nhận định rằng trên khắp thế giới, phụ nữ chịu tác động khác thường bởi tình trạng nô lệ, một phần vì tình trạng hôn nhân cưỡng bách và hôn nhân trẻ em tràn lan.
T.V