Theo tiến sĩ Natalie J. Goldring thuộc Trường Đại học Georgetown (Mỹ), sự leo thang xung đột quân sự tại Trung Đông, trong đó có cuộc dội bom trên lãnh thổ Yemen do Ả Rập Saudi và các đồng minh tiến hành suốt một tháng dài, đã kích hoạt cuộc chạy đua giữa Nga và Mỹ nhằm bán vũ khí cho các nước trong vùng. Theo nhật báo Mỹ New York Times, các loại vũ khí do Mỹ bán ra đã đổ thêm dầu vào lò lửa chiến tranh do các nước Ả Rập phát động. Việc làm của Mỹ sẽ là cái cớ để nước Nga tham gia vào cuộc chạy đua để lấy lại thế cân bằng. Mỹ đang có ưu thế tại các nước Ả Rập Saudi, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), còn Nga bán vũ khí chủ yếu cho Iran và Syria. Trong cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt tại Yemen với sự tham dự của liên minh Ả Rập gồm Ả Rập Saudi, Qatar, Bahrain, UAE, Jordan và Ai Cập, vũ khí được trang bị chủ yếu là của Mỹ. Các chiến đấu cơ sử dụng trên chiến trường này phần lớn là các loại F-15s và F-16s. Còn theo tờ London Economists, ông hoàng Al-Waleed bin Talal, một tỉ phú trong hoàng gia Ả Rập, đang có kế hoạch mua tặng 100 chiếc xe Bentley siêu sang cho những phi công tham gia vào các cuộc oanh tạc bên trong lãnh thổ Yemen. Về phần mình, tuần qua, Nga tuyên bố bỏ cuộc cấm vận Iran kéo dài năm năm và sẽ bán cho nước này các tên lửa phòng không S-300 nhằm trang bị cho nhóm nổi loạn Houthi đang bị khối Ả Rập tấn công. Tờ Wall Street Journal cho rằng chiến dịch không kích của khối Ả Rập sẽ biến Yemen thành một bãi chiến trường rộng lớn giữa dòng Hồi giáo Shiite thân Iran và dòng Sunni thân Ả Rập. Có những thông tin cho biết chính quyền Nga đang chào hàng Iran các tên lửa đất đối không và một hệ thống di động có thể tấn công cả tên lửa và máy bay của đối phương. Trong quá khứ, hầu như kho vũ khí của Syria xuất phát từ Nga, theo tinh thần Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ký cách nay hàng thập niên.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố các dữ liệu cho thấy Mỹ vẫn đang là nước dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí. Những năm 2010-2014, họ bán được 31% tổng số vũ khí quy ước trên thị trường thế giới, trong khi Nga xếp sau với 27%. Các nước còn lại không nước nào xuất khẩu quá 5% vũ khí trong thời kỳ này. Tờ New York Times tiết lộ là một viên chức ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ báo với Quốc hội nước này rằng họ đang trông chờ đơn hàng từ những nước Ả Rập đặt mua tên lửa, bom và nhiều vũ khí khác để bổ sung vào kho vũ khí đã cạn kiệt. Qatar định thay chiến đấu cơ Mirage của Pháp bằng máy bay F-15 của Mỹ; đặc biệt loại máy bay rất hiện đại F-35 của Mỹ đang là đích ngắm của nhiều quốc gia ở Trung Đông. Pháp cũng đang cố gắng thương thảo việc bán loại chiến đấu cơ Rafale hiện đại nhất của họ cho UAE. Một điều đáng nói là trong khi những cuộc thảo luận mua bán như thế vẫn tiếp diễn thì nhiều nước đang họp tại Vienna (Áo) để khai triển chương trình thực hiện Hiệp định Buôn bán Vũ khí, với nội dung chính là kêu gọi các nước cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định bán vũ khí, do những tác động của việc này lên quyền con người và các vấn đề nhân đạo khác. Hiệp định vẫn thực thi, nhưng những cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra tại Trung Đông vẫn tiếp tục mang lại những đơn hàng béo bở cho hai cường quốc Mỹ-Nga.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)