Trong cơ thể chúng ta, vùng cổ và đầu là hai nơi hay bị nhức nhất. Triệu chứng nhức đầu thường gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân, đồng thời cũng làm cho bác sĩ phải… nhức đầu trong việc xác định nguyên nhân.
Nguyên nhân nhức đầu thì thiên hình vạn trạng, dù vậy, có thể tạm quy về hai nguyên nhân chính là nguyên phát và thứ phát.
Nhức đầu nguyên phát có hai loại thường gặp là nhức đầu do căng thẳng và migrain.
Nhức đầu do căng thẳng thường do hiện tượng căng cơ vùng vai, cổ, xương hàm và đầu, dẫn đến cảm giác nặng nề và đau âm ỉ các vùng liên quan. Khi chúng ta làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng hay uống rượu nhiều thì dễ bị loại nhức đầu này.
- Xem thêm: Xua tan cơn đau đầu buổi sáng
Migrain nôm na là những cơn nhức một nửa bên đầu, đập theo mạch, kèm theo buồn ói và ói, thấy đốm sáng. Nguyên nhân là do các mạch máu não bị co giãn bất thường. Thường thì phụ nữ và giới trẻ hay bị chứng này, nhất là phụ nữ trong thời gian sắp có kinh hoặc khi uống thuốc ngừa thai.
Nhức đấu thứ phát thường do một chấn thương hay một bệnh lý gây ra, do đó cần phải được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh tổn thương về sau.
Theo Hội Đau đầu quốc tế (The International Headache Society), có tám nguyên nhân gây nhức đầu thứ phát, bao gồm chấn thương đầu cổ, bệnh lý mạch máu não (tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não), bệnh lý não (u não, động kinh), nhiễm trùng (viêm màng não, viêm phổi, cảm cúm, nhiễm ký sinh trùng), thuốc (thuốc giãn vành), cao huyết áp, bệnh lý khác (tai mũi họng, mắt, răng, cổ…) và bệnh tâm thần.
Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng, cho làm xét nghiệm máu, chụp cắt lớp (CT) sọ não, làm một số xét nghiệm chuyên biệt và chụp cộng hưởng từ (MRI) não nếu thấy cần thiết.
Dưới đây là những tình huống đau đầu mà chúng ta có thể tạm thời xử trí tại nhà khi bị nhức đầu. Sau một ngày tự điều trị mà tình trạng đau đầu không thuyên giảm thì cần đến gặp bác sĩ.
Nếu nhức đầu và có thêm những triệu chứng sốt, rêm người hoặc bị sổ mũi thì có lẽ bạn đang bị cảm cúm. Trong trường hợp này nên uống nhiều nước, tốt nhất là nước chanh, nước cam và uống thuốc hạ sốt.
Khi bị nhức hai bên thái dương, vùng sau gáy sau khi thần kinh bị căng thẳng hay ngồi làm việc lâu trước màn hình vi tính thì nên uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, massage và đắp khăn lạnh lên vùng bị đau hay tắm bằng nước ấm.
- Xem thêm: Tránh nhức đầu sau khi uống rượu
Bị nhức đầu sau khi đọc sách, xem tivi hay sử dụng vi tính thì hãy đi kiểm tra thị lực và chịu khó đeo kính nếu được hướng dẫn.
Trường hợp bị nhức đầu, xây xẩm mặt mày sau khi bỏ một bữa ăn thì có thể bị hạ đường huyết. Nên uống ngay một ly nước đường và phải quay lại chế độ ăn uống đúng giờ.
Nếu có thêm triệu chứng xót ruột, ăn không tiêu, khó chịu phía sau lưng thì có thể bị viêm dạ dày. Nên thử dùng thuốc tráng bao tử và tránh các thức ăn chua, cay.
Còn trong các trường hợp sau, cần phải đến bệnh viện khám ngay:
- Bị té hoặc va chạm mạnh vào đầu, kèm ói mửa, chảy máu mũi hay máu tai (dấu hiệu chấn thương sọ não).
- Nhức đầu dữ dội, sốt kèm ói mửa, bị cứng vùng gáy, mắt mờ (triệu chứng viêm màng não).
- Có thêm triệu chứng yếu và tê chân tay (dấu hiệu tai biến mạch máu não).
- Nhức quanh mắt kèm theo đau cổ, chóng mặt, mờ mắt, chảy mũi đặc và xanh (triệu chứng viêm xoang).
- Bị nhức nửa đầu kèm theo cảm giác giật từng hồi, buồn ói, chóa mắt (triệu chứng migrain).
Tóm lại, nên đến gặp bác sĩ khi cảm thấy triệu chứng nhức đầu lần này khác so với những lần trước, khi đầu bị va chạm mạnh, đau đầu khởi phát đột ngột và tăng lên lúc ho hay cúi người xuống. Có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác như ói liên tục, sốt cao hơn 39oC, co giật, yếu nửa người, thay đổi thị lực, tiếng nói, bị rối loạn hành vi và khi dùng các thuốc giảm đau quen thuộc không thấy có tác dụng.