Triển vọng cải cách thể chế cũng như kinh tế tại Indonesia dưới thời tân Tổng thống Joko Widodo ngày càng trở nên mờ mịt do nhiều thách thức và khó khăn đang đặt ra hiện nay. Ứng cử viên bị đánh bại Prabowo Subianto bắt đầu kích hoạt các mối quan hệ của mình nhằm xây dựng một liên minh đa số tại Quốc hội với mục đích cản trở Widodo ngay sau khi ông này tuyên thệ nhậm chức ngày 20-10.
Chắc chắn, Widodo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm đầu tiên nắm quyền. Những cạnh tranh gay gắt về ảnh hưởng và lợi ích trên chính trường có thể đẩy tham vọng cải cách của Widodo vào ngõ cụt, khiến cử tri xứ Vạn đảo không tránh khỏi một cảm giác thất vọng ban đầu. Chiến thắng của Widodo hồi tháng 7-2014 để trở thành tổng thống thứ bảy của Indonesia, đánh dấu một bước tiến vững chắc hướng tới nền dân chủ đang chín muồi tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo đánh giá của dư luận, sở dĩ Widodo có thể vươn lên giành chiến thắng là nhờ cương lĩnh tranh cử mang đậm chất dân túy, vì người nghèo mà ông theo đuổi. Trong suốt quá trình tranh cử, Widodo không ngớt nói về những cam kết cải thiện phúc lợi xã hội cho người nghèo và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu.
Thường được dân chúng gọi bằng cái tên Jokowi, tân tổng thống Indonesia sinh ra tại một khu nhà ổ chuột bên bờ sông thành phố Surakarta, thuộc miền Trung đảo Java. Mặc dù mới tham gia chính trường nhưng ông đã bất ngờ đánh bại cựu trung tướng lực lượng đặc nhiệm Subianto – một chính trị gia lão luyện và là đại diện cho phái quân nhân đầy ảnh hưởng. Chiến thắng của Widodo cũng đồng nghĩa với việc “cái vòi bạch tuộc” của một số gia tộc có thế lực trong nền kinh tế hay chính trường Indonesia từ trước tới nay vẫn “bám” chặt lấy hệ thống chính trị có thể sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, tình hình tại Quốc hội hoàn toàn khác. Đầu tháng 10 vừa qua, Quốc hội Indonesia đã nhóm họp phiên đầu tiên với đa số các nghị sĩ thuộc “phe cánh” ủng hộ Subianto. Đó là một thử thách đầy cam go mà Widodo sẽ phải đối mặt nếu muốn thúc đẩy kế hoạch cải cách đầy tham vọng của mình.
Đánh tập hậu
Lo lắng tột độ sau khi Widodo giành chiến thắng, giờ đây, các thành viên của nhóm chóp bu quyền lực vốn chi phối hoàn toàn chính trường Indonesia trong suốt thời gian qua bắt đầu tính đến phương án “đánh tập hậu” nhằm bảo vệ vị thế của họ. Và hẳn nhiên, người chỉ huy chiến dịch “đánh tập hậu” này không phải ai khác ngoài Subianto. Vị cựu trung tướng lực lượng đặc nhiệm này chưa từng thừa nhận thất bại và luôn nghĩ rằng ông đã bị lừa. Vì thế, Subianto đang ráo riết tập hợp lực lượng và “bài binh bố trận” để sớm tung ra những “đòn phủ đầu” nhằm vào tân tổng thống. Với lợi thế có được ở Quốc hội và sự hậu thuẫn từ giới chóp bu kinh tế – chính trị, Subianto không giấu giếm ý định gây khó khăn cho Widodo ngay những ngày đầu tiên nắm quyền. Sau đó, chiến dịch “đánh tập hậu” sẽ được gia tăng về cường độ trên tất cả các mặt trận nhằm vào tân tổng thống.
Dù thất cử tổng thống, nhưng Subianto vẫn duy trì được sựủng hộ mạnh mẽ của liên minh Đỏ – Trắng gồm bảy đảng tại Quốc hội Indonesia. Liên minh do đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) đứng đầu này đã đứng sau hậu thuẫn cho ứng cử viên Subianto trong suốt quá trình tranh cử vừa qua. Thông thường, sựủng hộ dành cho một ứng cử viên sẽ tự động tan vỡ nhanh chóng sau khi người này thất bại tại cuộc bầu cử. Tuy nhiên, với Subianto, mọi việc lại hoàn toàn khác. Liên minh này không những không tan vỡ sau bầu cử, mà còn được củng cố vững chắc hơn để thực sự trở thành một mối đe dọa tại Quốc hội. Dư luận đặt câu hỏi tại sao Subianto lại có thể duy trì được sự hậu thuẫn này một cách lâu dài như vậy? Đơn giản là bản thân ông đã mang lại lợi ích cho nhiều thành viên thuộc bảy đảng tham gia liên minh Đỏ – Trắng. Và họ vẫn nhận thấy trước mắt còn có lợi khi tiếp tục hậu thuẫn cho chính trị gia này. Phe đối lập hiện nắm 353 ghế trong tổng số 560 ghế của Quốc hội mới. Các nghị sĩ thuộc liên minh Đỏ – Trắng cũng chiếm gần như trọn vẹn những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Quốc hội.
Tham vọng của phe đối lập đã rõ: ngăn cản kế hoạch cải cách của tân Tổng thống Widodo nhằm bảo vệ lợi ích và ảnh hưởng của họ đối với chính trường – xã hội Indonesia. Dư luận không khỏi hoài nghi về nguy cơ nền dân chủ Indonesia sẽ thụt lùi trong cuộc chiến cạnh tranh giữa các phe phái. Cuối tháng 9-2014, phe đối lập cũng đã hối thúc Quốc hội khóa trước bỏ phiếu thông qua một đạo luật nhằm bãi bỏ hình thức bầu cử trực tiếp tại địa phương. Thay vào đó, các chức vụ như tỉnh trưởng, thị trưởng hay người đứng đầu các huyện sẽ được bầu gián tiếp thông qua hội đồng địa phương. Điều này sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các đảng phái trong việc gây dựng ảnh hưởng đối với chính quyền địa phương. Đây cũng là nguy cơ ngăn cản nỗ lực cải cách chính trị theo hướng phân quyền về các địa phương. Sau thắng lợi ban đầu, giờ đây, liên minh Đỏ – Trắng đang tính đến phương án sửa đổi Hiến pháp nhằm chấm dứt hình thức bầu trực tiếp tổng thống.
Lê Quân