Mở đầu cho năm mới 2014 tại gallery 8 (số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 4 đến hết tháng 1-2014) là triển lãm tranh trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Huy Khôi.
Đã hơn 100 năm kể từ Wassily Kandinsky, tranh trừu tượng từ một “trường phái” khó hiểu nhất, mang tích cách tân nhất đã trở thành một “thể loại” phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất. Từ triển lãm tranh trừu tượng mang tính toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh năm 1992, thể loại này cũng đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của hội họa nước ta mà thành phố chúng ta là trung tâm mạnh nhất. Ở trung tâm ấy Nguyễn Huy Khôi là một họa sĩ trừu tượng kiên trì, thuần khiết và riêng biệt.
Loại tranh này khởi thủy còn được gọi là “tranh không hình”, “hội họa cụ thể”, “hội họa thuần túy”… bởi nó không là gì khác ngoài hội họa, không mô tả cái gì, không đại diện, mô phỏng cho cái gì, không minh họa cho ý tưởng nào và không trình bày với ta một câu chuyện nào. Nó là hội họa tự nó! Các yếu tố biểu đạt thị giác như khối trụ, hình tam giác, nét thẳng, cong hay gẫy gập, màu nâu, hồng, vàng hay lam, sắc đen trắng bất định… và kết cấu của chúng đều rất trực tiếp; là tất cả những gì tác giả trao tận mắt người xem.
“…Ở thời mà mây ngàn còn cúc cung tận tụy thì biển bốc cao cao ta xem thấy khí độ hồng hoang của nó. Êm vào quan san mà tưởng đi xem tầm gửi suốt ngàn sương gió giăng như màng nhện. Có tới thì đừng hỏi. Góc nào cũng nên nếm thử”. Đó là trích đoạn những câu “thơ tự động” (từng là một trường phái thơ cách tân cùng thời với tranh trừu tượng) trong tâm tưởng khi vẽ và tác giả tức thì viết/vẽ chúng lên thành tranh. Đó là nguyên lý sáng tác của tranh trừu tượng biểu hiện. Ngụ tình là chính. Ở các tranh trừu tượng, ngụ ý là chính ta thấy các màu, mảng, khối và cấu trúc chung cũng như mỗi chi tiết, góc cạnh, sự chồng lấp, đan cài, đưa đẩy, đối chọi hay hòa hợp nhau được cân nhắc hơn, trầm tư và quyết đoán hơn.
Nhìn “bức tranh” bầu trời xanh vương mấy gợn mây hoặc một đêm đen tuyền có thể lòng ta tự khắc sinh tình, sinh ý – “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu) và “Lòng thiếp buồn như một tấm nhung” (Hàn Mặc Tử).
Họa sĩ mời ta đến một cuộc bàn tròn hội họa để độc thoại. Xin hãy đi vào tâm tư của chính mình khi xem tranh của tôi!… Đừng hỏi… hãy nếm trải nó.
Loạt tranh trừu tượng trên giấy dó là hình thức trừu tượng biểu hiện, tương hợp với nhu cầu biểu hiện tâm trạng tức thời. Là dạng hội họa vô định hình, đó là những tập hợp thiên về nhịp điệu của hình – nét – màu – mảng, tạo nên ngôn ngữ tự thân mà không nhằm gợi ý đến những đối tượng thực tại nào cả. Xem một loạt tranh một cách tổng quan để thấy nó có vẻ như là một mạng lưới các xung động cảm xúc. Nó vừa có vẻ trật tự của cấu trúc, vừa có vẻ hỗn loạn buông thả. Nó có năng lượng từ dòng liên tưởng nội tâm.
Loạt tranh chất liệu acrylic thiên về trừu tượng tượng trưng hơn. Những mảng màu mang dáng vẻ chất liệu hơi giống fresco (tranh tường), tuy vẫn thiên về sự vận động ngôn ngữ tự thân nhưng đôi khi cũng có mang tính ám thị về nhân ảnh, mang sắc thái phô diễn, căng thẳng; giống như là những tâm trạng thời đại, những trạng thái stress…
- Họa sĩ Nguyễn Huy Khôi