Từ ngày 10 đến 25-8-2013, nước Anh trở thành một gallery lớn nhất thế giới khi mà cuộc triển lãm độc nhất vô nhị có tên “Mỹ thuật ở mọi nơi” (Art Everywhere) diễn ra ở nhiều thành phố khắp xứ sở xương mù.
Đó là một dự án nghệ thuật cộng đồng được Quỹ Nghệ thuật (Art Fund), Bảo tàng Tate, ngành công nghiệp in poster và đặc biệt là doanh nhân Richard Reed – người sáng lập Công ty thực phẩm và nước giải khát dành cho thiếu nhi Innocent Drinks – phối hợp tổ chức.
Công chúng tham gia chọn tác phẩm triển lãm
Trước đó, từ ngày 24-6-2013, công chúng Anh đã được mời tham gia làm giám tuyển cho triển lãm bằng cách chọn những tác phẩm mỹ thuật ở nước Anh (được sáng tác từ thế kỷ XVI cho đến nay) mà họ yêu thích nhất thông qua một danh sách do ban tổ chức đưa ra trên trang web arteverywhere.org.uk. Trong vòng một tuần, họ sẽ nhấn “like” những tác phẩm mình muốn được trưng bày trong triển lãm và “share” trên Facebook của mình. Từ ý kiến của công chúng, 57 tác phẩm được yêu thích nhất được làm 22.000 bản sao dưới dạng poster nhiều kích cỡ để trưng bày trong hai tuần liền trên các
pa-nô quảng cáo tại các cao ốc văn phòng, trên các tuyến đường chính, trong các trạm xe điện ngầm, các nhà chờ xe buýt, các khu mua sắm, ki-ốt điện thoại công cộng… khắp đất nước Anh. Chưa hết, có khoảng 2.000 xe buýt và 1.000 taxi ở London cũng được gắn các poster này. Toàn bộ các không gian và mặt bằng trưng bày dịp này đều được chủ nhân tự nguyện dành riêng cho triển lãm. Với những ai sử dụng điện thoại thông minh, họ dễ dàng download những tác phẩm cùng thông tin liên quan để có thể hiểu thêm về triển lãm cũng như những gì mình đang được xem nơi công cộng.
Trong số tác phẩm được chọn, chỉ có một tác phẩm điêu khắc của Anish Kapoor, một tác phẩm sắp đặt của Cornelia Parker và trong danh sách mười tác phẩm đứng đầu danh sách này hầu hết cũng là tranh: 1. Phu nhân Shalott (tranh của John William Waterhouse), 2. Nàng Ophelia (John Everett Millais), 3. Chiếc đầu VI (Francis Bacon), 4. Nhiễm khí độc (John Singer Sargent), 5. Tự họa (Lucian Freud), 6. Trận chiến táo bạo (William Turner), 7. Năm chiếc thuyền ở vịnh Mount (Alfred Wallis), 8. Đến sân xem bóng đá (Laurence Stephen Lowry), 9.Dạ khúc trên cầu cổ Battersea (James Whistler), 10. Giá lạnh tối tăm (sắp đặt của Cornelia Parker). Bên cạnh đó là tác phẩm của những tên tuổi lớn từ cổ điển tới đương đại như Nicholas Hilliard, Hans Holbein the Younger, William Hogarth, Thomas Gainsborough, William Holman Hunt, Peter Doig, Damien Hirst, David Hockney, Paul Nash, Bridget Riley, Patrick Caulfield…
Theo ước tính của ban tổ chức dự án, qua triển lãm, cứ mười người Anh sẽ có đến chín người nhìn thấy một tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng, bất kể họ có muốn hay không.
Đóng góp cho “gallery lớn nhất thế giới”
Mặt khác, công chúng còn có thể trở thành nhà bảo trợ cho Art Everywhere thông qua một quỹ tự nguyện đóng góp trên website arteverywhere.org.uk. Với khoản đóng góp cá nhân tối thiểu 3 bảng Anh (khoảng gần 100.000 đồng Việt Nam) để dùng mua giấy và mực in họ sẽ nhận được một poster, còn với khoản đóng góp 15 bảng Anh trở lên họ sẽ được chọn một chiếc áo pull hay túi xách (số lượng hạn chế) với chữ in của hai họa sĩ Bob và Roberta Smith.
Dự án mỹ thuật khổng lồ này nhận được sựủng hộ của các tên tuổi lớn trong làng mỹ thuật Anh đương đại, trong đó có Damien Hirst, người đã hết lời ca ngợi Art Everywhere: “Mỹ thuật là của mọi người, và mọi người khi đã chọn tác phẩm (mình yêu thích) sẽ nhận được lợi ích từ đó. Dự án nghệ thuật này thật đáng kinh ngạc, thật dân chủ và nó cho công chúng tiếng nói, cơ hội để bình chọn những gì mà họ muốn được nhìn thấy trên đường phố”.
Doanh nhân Richard Reed chính là người có sáng kiến tổ chức dự án Art Everywhere. Sự đam mê dành cho mỹ thuật đã thôi thúc ông thực hiện mơước làm một cuộc triển lãm lớn dành cho công chúng khắp đất nước Anh. Và dưới dạng những bảng quảng cáo, theo Reed, các tác phẩm càng dễ dàng đến gần hơn với công chúng. Đó cũng là cách làm từ thế kỷ XIX của nhà danh họa Pháp Toulouse Lautrec khi ông vẽ poster để quảng bá cho sân khấu múa lừng danh Moulin Rouge của Paris hoa lệ. Reed bày tỏ: “Đây là một hoạt động mang lại niềm vui cho công chúng không cần đến chương trình nghị sự gì hết ngoài việc làm tràn ngập đường phố chúng ta bằng tác phẩm mỹ thuật, đồng thời còn tán dương các tài năng sáng tạo và những di sản nghệ thuật của đất nước kỳ diệu này”.
Nicholas Serota, giám đốc Bảo tàng danh tiếng Tate cho biết: “Bảo tàng Tate có trách nhiệm đến với công chúng khắp nước Anh, vượt khỏi phạm vi các phòng trưng bày ởLondon,Liverpoolvà St Ives. Chúng tôi thật hài lòng khi được cộng tác với dự án Art Everywhere trong một cuộc biểu dương mỹ thuật Anh, qua đó sẽ đem những hình ảnh đầy cảm hứng đến với đường phố của chúng ta, khuyến khích sự đối thoại cùng sự tranh luận về những đặc thù của nước Anh cũng như những phẩm chất của mỹ thuật Anh”. Stephen Deuchar, giám đốc của Art Fund thì hào hứng: “Trong đời mình, tôi đã gắn với một số cuộc triển lãm mỹ thuật, nhưng chưa bao giờ tổ chức triển lãm tại một khu mua sắm cả”.
Với tư cách là nhà bảo trợ thông tin cho triển lãm, nhật báo The Guardian trong số ra ngày 10-8 đã ấn hành một vựng tập 24 trang phát không cho độc giả.
- Lê Bản