Uống trà chẳng những có lợi cho sức khỏe mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống qua giá trị văn hoá của nó. Những tín đồ “trà” tại các nước phương Đông uống trà không phải để giải khát mà là để tận hưởng chất lượng cuộc sống. Ở đây, trà đạo như là một triết lý sống nhằm duy trì sự tỉnh tại của tâm hồn con người chống lại cuộc sống ồn ào do công nghệ phương Tây mang đến. Khi tĩnh tâm mà thưởng trà, ta có thời gian tận hưởng cả hương và vị của nó trong lúc cảm nhận được “thì hiện tại” của cuộc sống. Tâm hồn ta trở nên lai láng và từ đó thấy cuộc sống thú vị biết bao!
Uống một ngụm trà nóng
Dường như thấy bếp lửa hồng
Và những người thân yêu
Quây quần đoàn tụ..
Uống một ngụm trà ngọt
Dường như thấy cả núi cao chót vót
Và rừng trà xanh ngát
Trải đến ngút ngàn…
Uống một ngụm trà thơm
Bỗng thấy lá trà non mơn mởn
Và thoang thoảng hương len
Không gian tĩnh lặng…
Uống trà là một nghệ thuật sống, nên cũng cần có tri kỷ để chia sẻ. Có chuyện kể rằng: “Một ngày nọ, có một lão già quần áo bẩn thỉu gõ cửa nhà Bạch phú ông để xin uống trà. Bạch phú ông nổi tiếng là một tay có thú chơi trà và rất hào sảng với những người cùng sở thích.
Bạch phú ông mời vào nhà và sai gia nhân mang nước trà ra mời. Người đó uống một ngụm trà xong thì nói: Trà tốt! Trà tốt! Tiếc là nước nấu bằng củi ẩm nên đã làm hỏng nước. Gia nhân nghe nói vậy bằng xem lại củi đun thỉ thấy đúng là củi ẩm bèn đun lại nước bằng củi khô rồi rót trà mời lại. Sau khi uống, người đó lại nói: Trà tốt! Củi tốt! Tiếc là không nấu bằng nước mưa. Gia nhân xem lại thấy đúng là nước nấu là nước giếng nên chạy lên nhà báo lại cho Bạch phú ông.
Phú ông rất ngạc nhiên tại sao lại có lão già nghèo khổ mà sành uống trà quá vậy? Bèn mời lão lên phòng khách và đích thân mình chế một ấm trà pha từ nước sương hứng trên lá sen để mời người sành điệu. Lần này, người đó lại nói: Cảm tạ gia chủ đã mời trà ngon, tuy nhiên cái bình hãm trà chưa được tốt lắm. Phú ông ngạc nhiên: Bình này là loại nhất đẳng mà tôi mua tận Triết Giang và đã uống bao lâu nay, sao ông lại chê? Người đó bằng từ từ cởi tay nải xuống và lấy ra một cái bình đen tuyền được gói gắm nhiều lớp, rồi nói: Ta hãy uống thử trà bằng cái bình này. Thật lạ lùng, cũng trà đó, củi đó, nước đó, nhưng hương vị trà uống ngon hơn hẳn. Bạch phú ông thích quá bằng năn nỉ mua cho bằng được cái bình ấy. Người đó nhất định không bán và đứng lên từ giả chủ nhà.
- Xem thêm: Uống trà cho… phải đạo!
Phú ông không đành lòng nên đề nghị đổi cả gia sản để lấy cho được cái bình. Người đó cười: Tôi cũng đã đổi cả sản nghiệp để có nó. Nói xong thì bước ra cổng. Phú ông tần ngần nhìn theo một cách tiếc rẻ. Rồi bất ngờ nghĩ ra kế để chiếm hữu chiếc bình bèn chạy theo rồi nói: Này ông lão, tại sao ông cứ lang thang cho khổ cực? Ông hãy ở đây với tôi như một thượng khách. Tôi ăn gì ông ăn nấy, tôi ngủ ở đâu thì ông cũng ngủ ở đó. Chỉ cần hàng ngày, ông mang chiếc bình ấy ra để chế trà rồi chúng ta cùng uống.
Ngẫm nghĩ một chút rồi ông lão đồng ý. Từ đó, hàng ngày hai người cùng thưởng trà, cùng hàn huyên và dần dà một tình bạn tri kỷ đã đến. Phú ông quên cả chuyện mình dự tính sẽ ám hại ông lão để độc chiếm cái bình. Một thời gian dài sau, ông lão ốm nặng. Lúc sắp chết, ông lão tận tay tặng phú ông chiếc bình. Sau khi đã làm đám tang ông lão một cách linh đình, phú ông bèn về nhà lấy chiếc bình ra pha trà uống một mình, nhưng không còn thấy trà ngon nữa. Những hôm tiếp theo cũng vậy. Phú ông bèn đem chiếc bình ra đập bỏ. Từ đó bỏ cả uống trà cho đến ngày cuối đời”. Chuyện uống trà có khác gì chuyện Bá Nha với Tử kỳ?
Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Muốn thưởng thức được trà (cũng như âm nhạc) người ta đều phải học cả kiến thức và thực hành.
Là một tín đồ mới của “trà đạo”, tôi đang tập tễnh bước vào thế giới này. Nghe tiếng cặp vợ chồng Lâm Phấn-Ngọc Anh, đồng hương Quảng Ngãi, rất tâm đầu ý hợp với trà từ nhiều năm nay. Một hôm, tôi và họa sĩ Triệu Sơn đã tìm đến nhà. Quả không uổng công! Nghe mình đi tìm “trà”, các bạn đã tận tình và hào hứng giới thiệu cái nghệ thuật sâu thẳm này từ sản phẩm trà đến dụng cụ và phong cách thưởng thức trà. Chuyện gì cũng hay và hấp dẫn. Từ câu chuyện có hàng trăm loại trà tuỳ vào giống cây và cách thức ôxít hóa ở quy trình chế biến đến dụng cụ ấm chén phù hợp, cũng như cách thức pha và thưởng thức theo từng loại trà. Càng nghe càng thích! Vừa biết mà tưởng như tri kỷ.
- Xem thêm: Một cách thưởng trà
Các bạn lại hào sảng cho mình thưởng thức 4 loại trà quý mà các bạn ấy đang có:
- Long tỉnh – loại trà được vua Càn Long yêu thích và đặt tên. Trà này thuộc nhóm “trà xanh”, nước chế phải đúng 70 độ, màu nước xanh vàng, thoang thoảng mùi lá, vị chát có hậu ngọt và được uống bằng chén sứ trắng có miệng rộng.
- Trà Móc câu Thái Nguyên, một loại Long tỉnh của Việt Nam, được các bạn bao trồng theo phương thức hữu cơ, chỉ hái hai là đầu nên số thu hoạch rất thấp. Trà này dùng nước nóng không quá 80 độ, và được hãm nhanh để tránh lá trà bị bã, có mùi chín. Quả nhiên, nước có vị xanh nhạt và đặc trưng thoang thoảng mùi hương của lá non, vị ngọt. (Khác hẳn với cách thưởng thức của đa số dân uống trà móc câu hiện nay: dùng nước sôi 100 độ, hãm lâu và đậm đặc nên chỉ nghe vị chát và bã mà không nghe mùi hương).
- Lão Tùng Thuỷ Tiên – thuộc nhóm Ô long ôxít hóa cao. Trà này phải dùng ấm tử sa (đá tím) mà hãm ở nhiệt không quá 90 độ. Nước trà màu cam đỏ, thoang thoảng mùi đất ấm và có vị chát nhẹ, hậu ngọt và được uống bằng chén sứ cao miệng hẹp.
- Phổ Nhĩ – loại trà có nhiều dược tính nổi tiếng của Vân Nam. Loại này thuộc nhóm Trà đen và được ôxít hóa toàn phần trong quá trình chế biến. Loại trà này càng để lâu càng ngon. Có loại được bán đến trên 600 triệu đồng một lạng. Được pha chế với nước nóng trên 95 độ, và được uống bằng chén Thiên mục (đất nung có chứa nhiều ôxít sắt). Nước trà màu đỏ sậm, mùi hương gỗ nhẹ, vị chát và hậu ngọt.
Thú vị hơn nữa các bạn lại cho xem hàng trăm bộ đồ uống trà mà các bạn sưu tập được, có bộ đã được sản xuất bên Tàu khoảng ngàn năm và có giá trị bằng cả căn nhà. Tuy nhiên, tôi thích nhất là 4 chén sứ trắng, miệng rộng để uống trà Long tỉnh mà các bạn phải sang tận Vân Nam để đặt hàng riêng cho mình. Độc đáo ở chỗ là mỗi chén được ghi một câu thơ, được các bạn chọn ra trong 4 bài thơ của 4 thi sĩ nổi tiếng ở nước ta:
Thi sĩ Nguyễn Thượng Hiền có bài Thuật Kỳ hòa 2, trong đó có câu “Hàn mai địch tuyết sương”.
Thi sĩ Cao Bá Quát có bài Lan vi quân tử, trong đó có câu “U lan phẩm tối lương”.
Thi sĩ Nguyễn văn Siêu có bài Đối cúc hữu sở tư, trong đó có câu “Văn chương lưu tạo hóa”.
Thi sĩ Nguyễn Trãi trong bài Tiên du tự, có câu “Sơn không trúc ảnh trường”.
4 câu ấy được ghép lại thành một bài thơ liên hoàn theo ý Mai, Lan, Cúc, Trúc trên 4 chén trà:
Hàn mai địch tuyết sương
U lan phẩm tối lương
Văn chương lưu tạo hóa
Sơn không trúc ảnh trường
Tạm dịch:
Mai lạnh ủ tuyết giá
Lan qýí ẩn đạo gia
Văn chương tôn thiên đạo
Trúc soi bóng núi cao.
Đúng là nghề chơi thật lắm công phu!
- Xem thêm: Chén trà