Thời nay, người ta nói “Trẻ uống trà, già tập thể dục”! Bỗng dưng, tôi phát hiện mình thích uống trà ở cái tuổi chưa già, nhưng cũng không còn trẻ nữa.
Hôm nay, khi những cơn gió cuối thu se se lạnh, ngoài trời bất chợt có cơn mưa giao mùa, tôi đưa tay nâng chén trà nhỏ nhắn hít một hơi từ mặt chén nóng hổi và hớp từng ngụm trà. Chao ôi, cái ấm áp của hương trà và vị đậm của trà làm cho tôi cảm thấy sát tới chốn cực lạc!
Ngày xưa, tôi cũng thường cười các tín đồ của trà đạo khi thấy họ sắm những bình trà và chén trà nhỏ xíu như đồ chơi con nít. Những lúc ở cơ quan, khi cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, tôi thường tự chế một bình trà. Làm công việc ấy giống như sự thay đổi không khí, giải lao một chút. Việc pha trà làm giảm đi phần nào sự mệt mỏi vì công việc. Uống một ngụm trà, mắt nhìn xa xăm hoặc đậu lại trên khuôn mặt của một đồng nghiệp cũng tạo được cảm giác thư thái hơn. Một ly cối trà đá vẫn là người bạn đồng hành thủy chung trong những lần đi ăn cơm bụi. Uống trà như vậy thật đơn giản nhưng hữu ích.
Cho đến một ngày, một vị sư từ xứ lạnh Bắc Âu ghé đến nhà chơi, mang theo một bộ bình trà mới “tuyển” từ ngoài chợ. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi thấy sự phức tạp của bộ bình này. Ngoài sáu cái chén nhỏ xíu bằng đất, còn có một cái thố và sáu cái ly cao gấp đôi chén. Tôi ngỡ những chiếc ly này là để uống rượu, nhưng vị sư cười giải thích: “Cô gái bán hàng cũng nói vậy, nhưng thật ra cái ly này làm cho người thưởng thức trà tận hưởng được hương vị và còn có tác dụng chữa bệnh nữa”.
Và nhà sư đã khai thị cho tôi cách uống trà đúng đạo.
Trước tiên, cần tráng hết tất cả ấm, ly, chén qua một lượt nước sôi. Nước sôi này chỉ sôi sủi bọt vừa bằng mắt cua là được chứ không nên dùng nước sôi đến mức sùng sục. Chế nước sôi vào khoảng ba phần tư ấm trà rồi bỏ trà vào. Sau đó rót trà ra bình khác (bình chuyên trà, có thể tích tương đương với bình trà nên có thể rót hết nước trà ra khỏi bình mà không sợ tràn) để chế vào các ly cao. Lấy chén úp trên chiếc ly cao này để giữ cho trà được nóng và hương trà chưa tản ra ngay. Tiếp theo, thong thả đưa bàn tay (chỉ một bàn tay thôi, nếu dùng cả hai tay thì không còn khoan thai và ung dung nữa), dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp vào chiếc ly, ngón cái ép chặt trên đáy chén và nhẹ nhàng lật ngược ly trà lại. Mới đầu làm thế ai cũng cảm thấy khó khăn, nhưng chỉ cần tập vài lần thì sẽ làm được và sẽ thấy rất thú vị. Khẽ rút ly lên, nước trà từ từ chảy vào chén. Không phải lo nước trà tràn ra ngoài vì thể tích chiếc ly và chén như nhau. Đưa ly lên ngang mũi, hít một hơi để tận hưởng hương trà nóng đọng trong chiếc ly. Hít vào với tâm tĩnh lặng như một hành giả đang thiền. Chiếc ly vẫn còn đang nóng và độ nóng này kéo dài khoảng năm phút nên có thể dùng ly để massage các huyệt trên trán, sau gáy hoặc hai bên cánh mũi để trị nhức đầu, cao huyết áp và viêm xoang…
Có người còn cầu kỳ hơn, đặt bình chuyên trà trong một cái thố bằng đất đựng nước nóng, trên một giá đỡ, bên dưới thắp một ngọn nến để giữ nước trà luôn được nóng. Lúc uống trà, trước tiên nâng chén trà lên ngang mũi để tận hưởng mùi hương trà ngan ngát. Hít vào một hương trà, thở ra khoan khoái, sau đó ung dung nhấp từng ngụm trà để vị ngọt làm ấm môi, đầu lưỡi và ấm dần xuống bụng. Ý thơ hay ý nhạc có thể sẽ bật ra chính vào lúc này. Mỗi sáng, cùng với người bạn đời bên bàn trà như vậy, chúng ta sẽ tận hưởng được sự sảng khoái trước khi bước vào một ngày mới.
Cuối cùng, xin được gửi tới bạn đọc lời khuyên của vị sư: “Hãy khoan thai, đừng vội vàng trong từng thao tác khi pha trà và uống trà. Hãy sống với nó mới thật sự cảm nhận được toàn bộ giá trị mà nó mang đến cho cuộc sống”.