“Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết” – Câu nói này là cách Albert Einstein lý giải cho sự thành công của mình. Tất nhiên, nhiều người có thể dễ dàng… không tin điều này, bởi người phát biểu nó sở hữu chỉ số IQ trên 160, còn trang Opishposh thì gọi Einstein là một trong 10 người có chỉ số IQ cao nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, sự thật là có một sự trùng hợp rất lớn giữa các nhà khoa học thiên tài như Albert Einstein, trẻ em và doanh nhân thành công – những người đã sáng tạo và phát minh ra các sản phẩm đặc biệt hay giải pháp kinh doanh đột phá. Đó chính là sự tò mò đầy nhiệt huyết, được biểu hiện rõ nét nhất qua việc những người này không ngừng đặt câu hỏi và miệt mài tìm lời giải cũng như biến chúng thành hiện thực.
Sự tò mò: Tư duy ngược và câu hỏi “Tại sao việc đó phải là như vậy?”
Các bậc phụ huynh thường mệt mỏi với vô số câu hỏi của con mình, đặc biệt là những câu hỏi được họ mặc định là điều hiển nhiên, như tại sao mặt trời lại mọc đằng đông mà không phải đằng tây, tại sao nắp cống hình tròn, tại sao con người phải đi bằng hai chân…
Nhưng thực ra, chính từ những câu hỏi ngược như vậy, những nhà khoa học thiên tài, như Isaac Newton, đã tìm ra lý thuyết vạn vật hấp dẫn, khi ông nhìn thấy một quả táo rơi trong vườn và tự đặt câu hỏi, “Tại sao trái táo lại rơi thẳng xuống mà không phải là đi ngang hay đi lên?” (theo ghi nhận của nhà khoa học William Stukeley, một người bạn của Newton).
Ruth Handler, một phụ nữ bình thường, ở tuổi 43, với một cô con gái xinh xắn cùng một công việc kinh doanh chiếm gần hết thời gian trong ngày, gần như không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân, người sẽ thay đổi cả nền công nghiệp đồ chơi trên thế giới, cho đến khi bà gặp phải một câu hỏi ngược như vậy.
“Thời điểm đó, trên thị trường có hàng triệu con búp bê khác nhau, đa dạng từ giá cả, kích thước, màu mắt, cho đến kiểu tóc, nhưng chúng đều là búp bê hình em bé. Khi Ruth Handler trông thấy con gái mình đang chơi với những con búp bê bằng giấy và cô bé phân cho mỗi con một vai trò khác nhau khi trưởng thành, thì trong đầu bà lập tức nảy ra một câu hỏi, rằng “Tại sao búp bê dành cho trẻ em lại phải có hình trẻ em?”. Liệu có một nhu cầu nào khác trong thâm tâm của những đứa trẻ, về một con búp bê, không có hình trẻ em?” – Trích ghi nhận từ website của Tập đoàn Mattel và nghiên cứu của Phillip Kotler trong quyển Lateral Marketing (Marketing phá cách).
Chính từ đây, Ruth và chồng bà dành thời giờ nghiên cứu, thiết kế và cùng nhau sáng tạo nên con búp bê có hình người mẫu đầu tiên trên thế giới, một “nàng” búp bê có “đôi chân dài nhất” thị trường lúc bấy giờ, đặt tên nó là Barbie (có gốc từ Barbara, tức tên con gái của bà). Và ngay trong năm đầu tiên nàng búp bê Barbie trình làng, đã tạo ra một cơn sốt với hơn 350.000 sản phẩm được tiêu thụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 1 tỉ búp bê Barbie đã được bán ra, biến cô nàng búp bê này trở thành món đồ chơi bán chạy nhất mọi thời đại (theo ghi nhận của trang The Richest).
Hay với chỉ 1.000 USD và một câu hỏi kỳ quặc không kém, rằng tại sao không thể bỏ qua khâu bán hàng trung gian để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, mà Meachel Dell đã xây dựng nên Tập đoàn máy tính Dell hùng mạnh, khác biệt hoàn toàn so với các nhà cung cấp máy tính thời bấy giờ (thời điểm đó, không hãng máy tính nào có các chương trình bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, họ đều thông qua khâu bán hàng trung gian).
- Xem thêm: Xây dựng văn hóa quan tâm
Sản phẩm của tôi có thể dùng vào việc gì khác? Có những khách hàng phi tiềm năng nào tôi có thể tiếp cận bằng cách thay đổi sản phẩm? Trong những tình huống nào sản phẩm của tôi trở nên đặc biệt? Có cách nào thuận tiện hơn để sản phẩm của tôi đến với khách hàng hay không?…
Đó là hàng loạt câu hỏi mà doanh nghiệp có thể tự đặt ra mỗi ngày để khởi nguồn sự sáng tạo, đưa ra những ý tưởng đột phá và khác biệt trong quá trình kinh doanh của mình.
Nếu không bán được, ý tưởng chỉ có giá… không đồng
Thực sự không có nhiều người biết Newton đã dùng những công thức nào để chứng minh định luật vạn vật hấp dẫn của ông, còn thuyết tương đối của Albert Einstein thì chúng ta hay nói đùa là nó khó hiểu đến nỗi sau khi ông chứng minh xong, mọi người chẳng buồn hỏi lại, đành chấp nhận là nó đúng cho nhanh.
Và sự khó khăn để doanh nghiệp khi đi tìm lời giải cho một câu hỏi, để rồi tìm cách biến một ý tưởng thành hiện thực, cũng khó khăn và phức tạp như vậy. Quá trình đó đòi hỏi ở doanh nhân một sự kiên nhẫn và nguồn nhiệt huyết vô cùng to lớn.
- Xem thêm: Hướng đến sự tử tế
Theo Jim Koch, sáng lập viên kiêm CEO của Boston Beer Company, tỉ phú với tài sản ước tính 1,3 tỉ USD (theo đánh giá mới đây của tờ Forbes), người sở hữu hai bằng đại học danh giá: J.D (Luật, pháp lý) và MBA (Quản trị kinh doanh) của Trường Đại học Harvard, người đã mất ba mươi năm để biến một công thức bia của gia đình trở thành một thương hiệu bia nổi tiếng ở Mỹ, thì điều quan trọng nhất để biến một ý tưởng thành hiện thực là phải bán được ý tưởng đó.
“Tôi nhận ra rằng để đưa những thùng bia Samuel Adams của mình (Samuel Adams là sản phẩm đầu tiên và nổi tiếng nhất mà Jim Koch sản xuất) ra thị trường, điều đầu tiên cần học hỏi là làm sao để bán được chúng – và đó là điều mà Trường Harvard Business School không bao giờ dạy được.
Quả thực, việc bán Samuel Adams là việc tốn nhiều chất xám nhất mà tôi từng làm trong hơn ba mươi năm kinh doanh của mình”.