Những tác phẩm của danh họa Vũ Cao Đàm trong sưu tập của cô Nguyễn Thị Lan Hương, chủ gallery Sài Gòn đã được trưng bày lần đầu tiên tại Việt Nam (tại tòa nhà Metropolitan, số 235 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM – từ 16-6 đến 23-6).
Sau những tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ… của khóa 1 Trường mỹ thuật Đông Dương, thì Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa 2 (chỉ mười người được tuyển, trong đó có Tô Ngọc Vân) nhưng ông học ngành điêu khắc trước khi chuyển sang hội họa và thành danh mãi mãi.
Từ điêu khắc đến hội họa
Tốt nghiệp năm 1931, Vũ Cao Đàm tham gia Triển lãm thuộc địa (Exposition Coloniale) tại Paris và sau đó được học bổng tu nghiệp tại Trường mỹ thuật Louvre (École du Louvre) trực thuộc Bảo tàng Louvre. Trong thời gian học tại đây, Vũ Cao Đàm đã có cơ hội tham gia nhiều triển lãm do Vụ Phát triển kinh tế Đông Nam Á của Chính phủ Pháp tổ chức cũng như tại các nhà trưng bày ở Paris như Salon des Artistes Indépendants, Salon d’ Automme, Salon des Tuileries. Đây cũng là thời gian ông khám phá nghệ thuật điêu khắc của các bậc thầy Charles Despiau, Giacometti và Rodin. Trong một chuyến du hành bằng đường biển tới cảng Marseille, nhà điêu khắc trẻ người Việt đã có dịp tạc tượng ông Paul Reynaud, thủ tướng của nước Pháp thời đệ tam cộng hòa.
Trong sách Mỹ thuật Việt Nam (nhà xuất bản Parkstone, 2003), chuyên gia mỹ thuật Jean-François Hubert khi viết về Vũ Cao Đàm đã cho biết: “Nước Pháp nhanh chóng thu thập một số tác phẩm của ông, và vào năm 1936 Xưởng sản xuất gốm sứ Sèvres đã đặt hàng ông làm một bức tượng đầu người thanh niên châu Á. Kết quả là bức tượng đầu người kiểu Khmer ở Angkor Wat được triển lãm sau đó”. Khi họa sĩ Lê Phổ được giao nhiệm vụ giám đốc mỹ thuật của khu vực Đông Dương trong gian hàng Pháp tại Hội chợ Expo 1937, Vũ Cao Đàm đã tham gia trang trí và ở đó ông có ấn tượng đặc biệt với tác phẩm Guernica của Picasso được trưng bày trong gian hàng Tây Ban Nha.
Những trào lưu mỹ thuật đương thời ở nước Pháp đã tác động mạnh tới Vũ Cao Đàm. Ông thích những bố cục cổ điển, tròn trịa trong tác phẩm điêu khắc của Maillol mà cũng say mê tượng lập thể của Lipchitz và Picasso, cả điêu khắc trừu tượng của Vantongerloo cũng như tượng siêu thực của Duchamp và Giacometti. Những ảnh hưởng đó, theo Jean-François Hubert, đã định hướng Vũ Cao Đàm “tìm kiếm một sự kết hợp hài hòa giữa các trào lưu mỹ thuật phương Tây với bản năng quay về các giá trị truyền thống phương Đông mà ông không có ý định phụ rẫy”.
Vì sao ông lại chuyển từ điêu khắc sang hội họa? Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Thụy Khuê thì chính Vũ Cao Đàm cho biết: “Trong Thế chiến thứ II (1939-1945), tôi chuyển sang hội họa bởi ở thời điểm ấy rất khó làm tượng do thiếu chất liệu. Việc đổ khuôn đồng bị cấm trong chiến tranh. Người Đức tịch thu tất cả và tôi phải nặn tượng bằng đất nung đánh bóng, như bức chân dung thi sĩ Jean Tardieu con trai của thầy tôi (Victor Tardieu – hiệu trưởng Trường mỹ thuật Đông Dương) và bà Marie Laure, vợ nhà thơ. Tôi tìm tòi và đào sâu thêm về hội họa, triển lãm tranh tại các phòng trưng bày tư nhân ở Paris”. Thật ra, ngay từ những năm 1931-1940 Vũ Cao Đàm đã vẽ tranh lụa mà đến nay khó tìm được các tác phẩm của ông trong giai đoạn này. Những năm 1943-1952 ông tập trung vào chất liệu lụa, sau đó mới chuyển sang vẽ sơn dầu mà theo lời ông thì “Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước; do phải có lớp kính bảo vệ lụa nên không thể vẽ to được. Hơn nữa, ngay từ thời còn đi học, chúng tôi vẫn ao ước được vẽ tranh ấn tượng và vẽ theo những trường phái mới dù vẫn không quên vẻ đẹp của nghệ thuật phương Đông”.
Quyết định sống tại Pháp, năm 1938 Vũ Cao Đàm lập gia đình với Renée Appriou, một nghệ sĩ piano, sau đó mở xưởng vẽ tại Paris cùng với Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Do bị hen suyễn, năm 1949 ông và gia đình rời Paris đến miền Nam nước Pháp nắng ấm, ban đầu ở Bézier và đến 1952 thì định cư ở Saint-Paul de Vence, vùng đất nổi tiếng vì có nhiều nghệ sĩ sống và sáng tác, trong đó có Marc Chagall, một người láng giềng của Vũ Cao Đàm và cũng là người có nhiều ảnh hưởng đến hội họa của ông. Chính tại Saint-Paul de Vence, tranh của Vũ Cao Đàm có nhiều khách mua khiến ông nổi tiếng, được mời triển lãm ở nhiều nơi tại Pháp, Thụy Sĩ, sau đó tại Brussels (Bỉ) và London (Anh). Năm 1963, gallery Findlay đã quyết định đầu tư và quảng bá tác phẩm của Vũ Cao Đàm tại Chicago, Los Angeles, New York. Từ đó, ông trở thành một tên tuổi quốc tế, có tranh được đấu giá tại nhiều sàn đấu giá lớn như Christie’s, Sotheby’s và được đưa vào sưu tập của nhiều bảo tàng. Năm 2008, tác phẩm Giai nhân trò chuyện trong vườn (1939) của ông đã được bán tại nhà Sotheby’s ở Hongkong với mức giá kỷ lục là 230.477 USD.
Gặp gỡ Vũ Cao Đàm
Bộ sưu tập 15 tranh thạch bản (tranh in đá) của Vũ Cao Đàm lần đầu tiên được triển lãm tại Việt Nam thuộc sưu tập của gallery Sài Gòn. Trao đổi với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, cô Lan Hương cho biết duyên may để cô có được những tác phẩm này như sau:
“Khi còn là một cô bé tập tễnh bước vào nghề buôn tranh, không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ gặp được các họa sĩ lớn của lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Mọi chuyện bắt đầu tại Hội chợ mỹ thuật Singapore năm 1994. Được tận mắt nhìn thấy giới buôn tranh chuyên nghiệp các nước giới thiệu với người mộ điệu bốn phương các bộ sưu tập tác phẩm của những danh họa lớn nhất như Picasso, Matisse, Van Gogh… tôi như bị mê hoặc.
Lúc đó tôi như đứng trước ngã ba đường, hoặc trở về tiếp tục công việc của gallery Sài Gòn như đã làm từ năm 1991, hoặc buộc phải thay đổi hoàn toàn để đi theo con đường của giới kinh doanh tác phẩm nghệ thuật quốc tế. Và thế là tôi quyết định dự khóa học mùa xuân 1995 của nhà đấu giá Christie’s với mong muốn nâng cao nghề nghiệp của mình. Những ngày ngồi theo dõi các cuộc đấu giá, những lúc yên lặng hàng giờ ngắm nhìn tác phẩm tại bảo tàng đã dẫn tôi đến một sự chọn lựa: chỉ kinh doanh tác phẩm của các họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Thời gian theo học tại Christie’s, tôi may mắn được làm quen với một người bạn là cháu họa sĩ Lê Phổ. Khi biết được ước nguyện của tôi, chị đã nhiệt tình thu xếp cho tôi có thể gặp được những tác giả mà mình hâm mộ, kính trọng. Năm 1999, tôi và chồng tôi đã được gặp vợ chồng họa sĩ Lê Phổ, rồi qua giới thiệu của hai vị tôi được gặp họa sĩ Vũ Cao Đàm tại nhà riêng của ông tại Saint-Paul de Vence. Biết được cuộc gặp gỡ diễn ra vào đúng sinh nhật của tôi, họa sĩ đã tặng tôi một món quà thật quý giá: một tranh thạch bản do ông thực hiện năm 1970-1971. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông vì họa sĩ Vũ Cao Đàm đã qua đời vào năm 2000…”.
Những tác phẩm của Vũ Cao Đàm, trong đó có 15 tranh thạch bản tại cuộc triển lãm tại TP. Hồ Chí Minh, theo cô Lan Hương “mãi mãi là những viên gạch mosaic của lịch sử mỹ thuật Việt Nam và sẽ lấp lánh mãi trong bức tranh tổng thể của nền văn hóa Việt”.