Ngày 23-4-2019, triển lãm có tên “Hilma af Klint: Hội họa cho tương lai” bế mạc tại Bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở TP. New York sau khi đã diễn ra hơn sáu tháng (khai mạc ngày 12-10-2018), được các nhà phê bình ca ngợi, thu hút trên 600.000 khách thưởng ngoạn – trở thành triển lãm cá nhân có nhiều người xem nhất trong lịch sử 60 năm của bảo tàng.
Qua triển lãm này số hội viên có thẻ của Solomon R. Guggenheim tăng thêm 34%, đồng thời hơn 30.000 vựng tập triển lãm đã được bán cho khách đến xem, vượt qua kỷ lục về vựng tập của triển lãm tranh Wassily Kandinsky năm 2009. Hilma af Klint là ai mà nhận được sự ái mộ nồng nhiệt đến thế?
Sinh năm 1862 trong gia đình của một sĩ quan hải quân Thụy Điển, Hilma af Klint trải qua những mùa hè thần tiên của tuổi thơ cùng với người thân trên hòn đảo Adelsö giữa hồ Mälaren cảnh sắc tuyệt đẹp, để rồi thiên nhiên trở thành nguồn cảm hứng trong những bức tranh đầu tiên của cô. Yêu thích mỹ thuật từ thơ ấu nhưng Hilma af Klint còn thừa hưởng truyền thống của gia đình là tình yêu đối với toán học và thực vật học.
Sau khi gia đình chuyển đến sống ở thủ đô, cô thiếu nữ có năng khiếu hội họa đã theo học Viện Mỹ thuật Stockholm, ở đó cô được hướng dẫn vẽ chân dung và phong cảnh. Năm 20 tuổi, Hilma af Klint được nhận vào Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Thụy Điển, tốt nghiệp hạng danh dự và được một xưởng mỹ thuật trực thuộc Viện Mỹ thuật Stockholm cấp học bổng để bắt đầu công việc ở thủ đô. Những tranh vẽ phong cảnh, thực vật và chân dung của Hilma af Klint được giới chuyên môn đánh giá cao, trở thành một nguồn thu nhập của cô; thế nhưng về sau này cuộc đời nghệ thuật của cô đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác.
Năm 1880 một cô em của Hilma af Klint qua đời, chính từ lúc đó cuộc sống tinh thần của cô bắt đầu thay đổi: cô tin vào thuyết Thông linh (Spiritism) vốn rất thịnh hành trong giới trí thức châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Sau đó Hilma af Klint theo thuyết Thần trí (Theosophy) của Madame Blavatsky và thuyết Huyền học của Christian Rosencreutz.
Năm 1908, nữ họa sĩ gặp gỡ Rudolf Steiner, người sáng lập Hội Nhân Trí (Anthroposophical Society), chính những lý thuyết liên hệ đến nghệ thuật của Steiner đã có ảnh hưởng đến hội họa của Hilma af Klint sau này. Ngay từ thời còn học ở Viện Mỹ thuật Stockholm, Hilma af Klint và bốn bạn nữ đã thành lập nhóm “Ngũ Nương” để cùng chia sẻ ý tưởng, theo đó “Tất cả kiến thức bạn có được không đến từ cảm giác, từ trí tuệ, từ trái tim mà từ cái thuộc tính có liên quan đến lĩnh vực sâu xa nhất của sự tồn tại… – tri thức của linh hồn bạn”.
- Xem thêm: “Xứ sở mộng mơ” của Somsak Chaituch
Vào thời kỳ đó, từ năm 1896, Hilma af Klint đã sớm có những phác họa thể nghiệm mang tính vô thức để dẫn cô đến với ngôn ngữ tạo hình kỷ hà. Khi đã gần gũi hơn với hình thức thể hiện này, Hilma af Klint đã bắt tay thực hiện loạt tranh có tên Đền thiêng, mà theo nữ họa sĩ thì: “Những tranh này được tôi vẽ ngay không cần bất kỳ phác họa nào và với một nội lực mạnh mẽ. Tôi không biết được những gì các bức tranh thể hiện; thế nhưng tôi đã vẽ rất nhanh chóng và rõ ràng mà không hề thay đổi dù chỉ một nhát cọ”.
Loạt tranh Đền thiêng gồm 193 bức, được vẽ những năm 1906-1915, chia thành mấy nhóm nhỏ. Những tác phẩm chính của loạt tranh này, được vẽ năm 1907 có kích thước rất lớn: 240 x 320cm mỗi bức. Khi tìm thấy hình thức diễn đạt mới từ loạt tranh này, Hilma af Klint tiếp tục phát triển ngôn ngữ tạo hình mới đó và nó trở thành cội nguồn sáng tạo chính suốt sự nghiệp nghệ thuật kỳ lạ của tác giả. Ở loạt tranh Đền thiêng, bên cạnh các hình dạng đồ thị là những đường nét hiện đại và tươi mới cùng nhiều hình ảnh: vòng tròn cuốn vào nhau, hình xoắn ốc bị phân đôi thành một quang phổ những sắc màu rạng rỡ.
Rồi những biểu tượng, từ ngữ và mẫu tự. Và thường thấy trong tranh tính đối ngẫu hay đảo chiều: lên và xuống, trong và ngoài, trần trụi và bí ẩn, nam và nữ, thiện và ác… Màu sắc được tác giả chọn cũng mang tính biểu trưng rõ nét: xanh dương thể hiện tính nữ, vàng cho tính nam, hồng / đỏ cho tình yêu thể xác / tinh thần… Thiên nga và Bồ câu, tên gọi hai phần của loạt tranh Đền thiêng cũng mang tính biểu trưng cho sự siêu phàm và tình yêu.
Sau khi hoàn tất loạt tranh Đền thiêng, Hilma af Klint tiếp tục theo đuổi hội họa trừu tượng mà bà đã bắt đầu vẽ từ năm 1906. Có thể nói, những gì nữ họa sĩ đạt được với hội họa trừu tượng được coi là sự mở rộng những tìm kiếm của chủ nghĩa Hiện đại về hình thức biểu đạt mới trong nghệ thuật, chính trị và cả hệ thống khoa học vào buổi bình minh của thế kỷ 20.
Đó cũng là những gì mà các tên tuổi lớn của hội họa hiện đại như Wassily Kandinsky, Piet Mondrian, Kasimir Malevitch và các nhà tiên phong của trào lưu Nabis (Pháp) cùng chia sẻ. Ngày nay thì các nhà sử học nghệ thuật đều tin rằng Hilma af Klint mới là người đầu tiên của hội họa trừu tượng ở châu Âu, đi trước Kandinsky – lâu nay được coi là “ông tổ” của họa phái này – ít nhất là bảy năm.
Hilma af Klint qua đời năm 1944 sau một tai nạn giao thông, thọ gần 82 tuổi. Hơn 20 năm sau ngày bà mất, kho tàng nghệ thuật mà bà để lại vẫn chưa được ai biết đến ngoài các tác phẩm hiện thực của thời kỳ sáng tác đầu tiên, bởi hầu như nữ họa sĩ chưa bao giờ dám công bố tranh trừu tượng của bà. Hơn 1.200 bức tranh, phác thảo cùng hơn 150 tập ghi chép các suy nghĩ, nghiên cứu về hội họa được Hilma af Klint cất kỹ trong xưởng vẽ.
Mãi đến năm 1984, tranh trừu tượng của Hilma af Klint mới được thế giới nghệ thuật biết đến qua một triển lãm được tổ chức ở Helsinki (Phần Lan). Và với cuộc trưng bày toàn cảnh “Hilma af Klint: Hội họa cho tương lai” hết sức thành công tại Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, nữ họa sĩ Thụy Điển đã được tôn vinh đúng với tầm vóc và sự sáng tạo lớn lao của bà. Hàng trăm bức tranh nhiều kích thước của Hilma af Klint đã phủ kín bốn tầng khu triển lãm, nối liền nhau bằng một cầu thang xoáy trôn ốc – công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư lỗi lạc Frank Lloyd Wright.
Toàn bộ tác phẩm của Hilma af Klint hiện thuộc về Quỹ mang tên bà ở Stockholm. Năm 2017, Công ty kiến trúc Na Uy Snøhetta đã công bố bản thiết kế một trung tâm triển lãm các tác phẩm của nữ họa sĩ, dự kiến được xây dựng tại Järna, phía nam Stockholm với kinh phí khoảng 7-8,4 triệu USD.