Để có triển lãm này tại hội mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218a Pasteur, Q.3), câu lạc bộ nữ họa sĩ đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước, với chủ đề được chọn: “Tôi nhìn tôi”.
Tranh chân dung tự họa là một thể loại không dễ thực hiện, ngay cả với nhiều họa sĩ vững tay nghề. Dù tranh chân dung tự họa đã xuất hiện từ buổi bình minh của nghệ thuật nhưng phải đến thời tiền Phục hưng (giữa thế kỷ XV) thì các họa sĩ mới thường tự mô tả chân dung mình bằng sắc màu và dần dà tranh tự họa trở thành một chủ đề lớn của hội họa nói riêng, nghệ thuật tạo hình nói chung. Khi nói tới chân dung tự họa của các nữ nghệ sĩ tên tuổi lừng danh thế giới, người ta thường nghĩ ngay đến những bức chân dung của Mary Beale (1675-1680), một trong những họa sĩ vẽ tranh chân dung quan trọng nhất ở thế kỷ XVII cũng là nữ họa sĩ chuyên nghiệp đầu tiên ở nước Anh; Mary Cassatt (1844-1926), nữ họa sĩ người Mỹ theo khuynh hướng Ấn tượng chuyên vẽ tranh chân dung phụ nữ và trẻ em; Paula Modersohn-Becker (1876-1907), một trong những gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng Biểu hiện Đức thời kỳ đầu… và nhất là Frida Kahlo (1907-1954), nữ họa sĩ Mexico với những tự họa dữ dội, đầy sức ám ảnh.
“Tôi nhìn tôi” là cách gọi tranh chân dung tự họa của các cây cọ nữ, trong số đó có nhiều tên tuổi thuộc nhiều thế hệ của làng mỹ thuật Sài Gòn hôm nay như Trịnh Kim Vinh, Đặng Ái Việt, Đặng Thị Dương, Kim Phiến, Lim Khim Katy… Hai mươi chín bức chân dung tự họa là những cách nhìn chính mình của các họa sĩ nữ; có người thể hiện mình thật chân phương, bình dị; có người nhìn mình một cách trào lộng, hóm hỉnh; có người lại nhìn về tương lai “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”; có người chỉ mô tả một nét đặc trưng tính cách mình bằng những mảng màu đơn sắc… nhưng phần lớn các chân dung tự họa với nhiều chất liệu tạo hình khác nhau, đã nói lên được phần riêng tư trong trái tim những phụ nữ gắn bó với nghệ thuật; sống trọn vẹn với con đường mình đã theo đuổi.
Để phòng tranh phong phú hơn, nhiều họa sĩ nam cũng tham gia với tác phẩm chân dung vẽ những người thân yêu của mình: vợ, người yêu, em gái… Nhìn chung, dù chưa thật sự như mong đợi của những người tổ chức và công chúng yêu mỹ thuật nhưng phòng tranh là một nỗ lực đi tìm cái mới nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay. Được biết đây cũng là hoạt động hướng tới một sự kiện mỹ thuật nữ sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây: triển lãm mỹ thuật quốc tế các họa sĩ nữ tại TP. Hồ Chí Minh.
Phòng tranh mở cửa đến ngày 10-3.
- Như Hoa