Sau khi Hoa Kỳ khai thông được những khúc mắc với đối tác quan trọng nhất là Nhật Bản, rồi thuyết phục được Quốc hội trong tay đảng Cộng hòa cho phép tổng thống quyền đàm phán nhanh, dự án tiến tới một khu vực tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ với 11 đối tác còn lại trong khu vực Thái Bình Dương – Hiệp ước TPP – tưởng chừng đã gần đến đích, Tổng thống Barack Obama lại bất ngờ gặp trở ngại từ đảng Dân chủ của ông.
Nhiều đại diện dân cử và thế lực kinh tế đã phản đối việc trao quyền này, đồng thời công khai chống đối Hiệp ước TPP do ông Obama hậu thuẫn từ năm 2009. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu chiều hướng ấy tiếp tục, chẳng những thỏa thuận Mỹ – Nhật bị hoãn mà việc Mỹ đàm phán với các đối tác xuyên Thái Bình Dương còn lại trong dự án TPP sẽ chậm thành hình. Đó là chưa kể đến tác động dây chuyền đối với các vòng đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương. Các diễn biến này không cho thấy triển vọng TPP sẽ được thông qua vào cuối năm như kỳ vọng.
Vào thời điểm hiện nay, các nước châu Á đang đàm phán hai hiệp định lớn, một là TPP có Mỹ – Nhật mà không có Trung Quốc và hai là Hiệp định RCEP có Bắc Kinh, Tokyo nhưng lại vắng bóng Washington. Trong bối cảnh đó, Hiệp định TPP có tầm quan trọng cho Mỹ vì liên kết 12 nước sản xuất ra 40% sản lượng toàn cầu và sẽ trở thành lực đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Nhưng không ngờ nội bộ nước Mỹ lại có sự chống đối khiến các nước khác, kể cả Nhật, đều chờ đợi xem bao giờ Mỹ sẽ thống nhất ý chí.
Kinh tế Mỹ ít lệ thuộc vào ngoại thương nhờ thị trường nội địa quá lớn, đây là nguồn sống cho nhiều nước bán hàng vào Mỹ. Với Hiệp ước TPP, Mỹ tin tưởng lượng hàng mua bán với 11 đối tác trong vùng Thái Bình Dương có thể lên tới hơn 400 tỉ USD/năm, với Nhật là 200 tỉ USD. Giữa thế cạnh tranh với Trung Quốc hay Nga thì Hiệp ước TPP có lợi về cả kinh tế lẫn chiến lược cho Hoa Kỳ.
Qua bao nhiêu vòng đàm phán, Mỹ đòi các nước mở toang ba lĩnh vực là doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ và khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính. Muốn các nước đồng ý việc đó, Mỹ phải hạ thấp hàng rào quan thuế của mình với xe hơi và phụ tùng, nông sản, hàng dệt sợi may mặc và dịch vụ hàng hải xưa nay được một đạo luật bảo vệ từ năm 1920 đã không còn phù hợp, theo đó hàng hóa vận tải giữa các bến cảng Mỹ phải do tàu Mỹ chuyên chở…
Trong thực tế tại Mỹ có một số người vẫn chống toàn cầu hóa và kinh tế thị trường cho nên lúc nào cũng ra sức chống đối. Một xu hướng mới nổi thì sợ ô nhiễm môi sinh và chống luôn tiến trình công nghiệp hóa. Nhiều người lại nói đến nhân quyền, dân chủ hay quyền bảo vệ lao động ở trong nước và các nước khác sẽ bị xâm phạm. Một số thiên tả thì như mọi khi vẫn cho rằng các hiệp định mậu dịch chỉ là sự cấu kết của giới tư bản.
Về mặt quyền lợi, các nghiệp đoàn cho là nếu mở cửa cạnh tranh sẽ làm công nhân Mỹ mất việc. Các tổ hợp xe hơi thì e là nếu Mỹ muốn bán nông sản cho Nhật thì họ lại phải cạnh tranh với xe hơi và phụ tùng Nhật. Các tổ hợp dược phẩm thì sợ cạnh tranh với loại biệt dược gốc của các nước sản xuất rẻ hơn khi mà quyền sở hữu chế tạo đã mãn hạn nên họ đòi bảo vệ quyền đó.
Sau cùng, rất nhiều người chống vì một vấn đề thủ tục hay thể thức đàm phán. Họ cho là đại diện Hoa Kỳ giữ kín nội dung thương thuyết nên chẳng biết là phía Mỹ đang cam kết những gì. Lâu nay, phe cực tả đảng Dân chủ đã có truyền thống nghi ngờ kinh tế thị trường và tự do thương mại nên nêu ra nhiều lý do không sát với thực tế. Ví dụ điển hình là họ chống Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico năm 1994, với lý luận là hiệp định làm dân Mỹ mất việc khi công ty Mỹ đầu tư qua Mexico. Sự thật thì 20 năm sau, các kinh tế gia đều khách quan thấy là chuyện đó có lợi cho kinh tế Mỹ và công nhân không mất việc vì có việc làm khác.
V.Đ tổng hợp (DNSGCT)