Theo Yury Fedotov, người đứng đầu Cục Ma túy và Tội phạm Liên Hiệp Quốc, đấy là một khoản tiền khổng lồ, nếu các băng nhóm tội phạm được liệt vào hàng công nghiệp thì chúng sẽ là một trong những thực thể kinh tế hàng đầu thế giới. Những khó khăn trong thời kỳ kinh tế suy thoái toàn cầu càng nới rộng thêm khoảng cách giữa các tổ chức tội phạm và những người chống lại chúng. Tuy nhiên, cũng theo Fedotov, thực lực về tài chánh chỉ là một phần của vấn đề, một điều quan trọng nữa là các băng nhóm tội phạm ngày nay linh động, quyền biến hơn cả tổ chức mafia ngày trước. Sự phát triển của công nghệ tin học khiến hoạt động của chúng tinh vi hơn và gây nhiều thiệt hại hơn. Chỉ riêng việc ăn cắp thông tin cá nhân đã làm thiệt hại 1 tỉ USD/năm, tuy chưa thấm vào đâu so với con số 20 tỉ USD của bọn buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng với khoảng một phần ba nhân loại đang tiếp cận với internet thì tiềm năng phát triển của loại tội phạm tin học ngày càng lớn và có tính đe dọa nghiêm trọng hơn. Về buôn bán chất gây nghiện, ngày nay các mối quan tâm tập trung vào sự gia tăng của loại thuốc tác động đến trí tuệ và hành vi của con người (designer drug) đã bị cấm trên thế giới từ năm 1986. Thị trường ma túy Bắc Mỹ bị co lại, các băng nhóm buôn bán cocaine ở Trung Mỹ tăng cường hoạt động ở khu vực Sahel – Tây Phi, nhất là tại Guinea Bissau mà Fedotov gọi là “mắt xích yếu nhất”. Nỗi đau đầu của các cơ quan phòng chống tội phạm quốc tế hiện nay là làm sao đề ra một giải pháp khả thi nhất để giảm thiểu sự bất lợi của một cuộc chiến không cân sức, lấy lại từ tay bọn tội phạm những khoản tiền kếch xù để góp phần cải thiện đời sống con người.
Cảnh sát Pháp trong đội phòng chống tội phạm tin học
Lê Cẩn theo Bangkok Post, Telegraph…