Thần tượng của anh là Bác Hồ, phương châm sống của anh là “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, bí quyết thành công của anh là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”… Trong cái thời mà người ta rất ngại nói đến những lý tưởng sống cao cả, đến sự quên mình vì người khác, đến những phẩm chất trong sáng của người bộ đội cụ Hồ… thì anh lại là người cất giữ tất cả, khơi gợi và nuôi dưỡng tất cả. Anh bảo: “Cái gốc lính vững vàng làm nên bản sắc của Mai Linh”.
Trong lúc chờ anh giải quyết công việc, tôi say sưa đọc Bản tin hàng tuần của Mai Linh, những câu chuyện thật như cổ tích giữa đời thường về “em bé Mai Linh”, một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn bị bỏ rơi trên xe taxi đã được vợ chồng người lái xe nghèo Nguyễn Duy Linh nuôi nấng thành người, trong sự đùm bọc của toàn công ty.
Chuyện về những người lái xe trả lại của rơi cho khách hàng, những câu chuyện đầy nhân văn về nghệ thuật sống, những bài thơ mộc mạc, “góc việt vị” rất thẳng thắn, lời chúc mừng sinh nhật cho từng thành viên, và cả những bài học tiếng Anh dành cho người lái xe… Tôi chợt hiểu về một quá trình dài tích hợp và phát huy những giá trị tốt đẹp vốn có trong nền văn hóa truyền thống, kết hợp với văn hóa thế giới, để tạo nên một “văn hóa Mai Linh”.
Khác với sự hình dung của tôi, anh là một người đàn ông hấp dẫn, tình cảm. Giọng Thanh Hóa không lẫn vào đâu được, trầm, ấm và chân thành. Một con người mạnh mẽ, đầy năng lượng, am tường nhiều lĩnh vực, kiến thức sâu rộng, khả năng chinh phục và thẩm thấu của một tư chất thủ lĩnh. Mỗi khi nói một điều gì, anh hay cười, nụ cười dễ lây, dân dã xuề xòa. Anh làm cho mọi điều đều trở nên gần gụi thân thương… Anh bảo: “Ai không biết mỉm cười, thì đừng mở tiệm”. Câu chuyện về anh lại bắt đầu từ… ngày xưa xa lắc.
____
Hồi bé, anh là một cậu bé như thế nào nhỉ?
Mình sinh ra bên dòng sông Mã, ngay cửa biển Sầm Sơn. Lớn lên với biển, với sông, mang tất cả những gì của người dân miền biển, thẳng thắn, hào sảng, chịu cực chịu khó, ăn to nói lớn. Tuổi thơ của mình là những ngày đào cua bắt cá, giăng câu, đi biển, những buổi chiều ngắm hoàng hôn xuống dưới chân đê làng Thọ Phúc…
Còn đọng lại trong mình là nỗi ngơ ngác với chiến tranh, những tiếng bom rơi gầm rú, mảnh đạn văng đầy bên những cậu bé chăn trâu ngoài đồng không một vật che thân… Vậy mà sao hồn nhiên thế, chẳng biết sợ là gì, đứng hoan hô ngay giữa đồng khi nhìn thấy máy bay địch bị bắn rơi, theo dân quân đi bắt phi công Mỹ… Mình là thằng bé nghịch nhất làng, luôn là “thủ lĩnh” trong những trò chơi thông minh, và cả những trò nghịch tinh quái…
____
Mười sáu tuổi, anh đã bỏ đá vào người để đủ cân vào bộ đội, lúc ấy anh nghĩ gì?
Không chỉ mình, mà tất cả lớp trẻ ngày ấy chỉ có một mong ước duy nhất, cháy bỏng: Hòa bình. Mình cũng viết quyết tâm thư như Lê Mã Lương, cũng khóc thầm trong đêm đầu tiên xa nhà nhập ngũ, để rồi sáng hôm sau lại tiếp tục hành quân… Những lần B52 dội bom, những lúc nằm hầm, mưa dầm, cơm vắt, pháo bầy, sốt rét rừng… mình đã học được cách để sống sót, để tồn tại. Bản lĩnh người lính chính là nền tảng cho bản lĩnh doanh nhân của mình.
Không phải là người liều chết, mà là cuộc đời có mục đích, có lý tưởng. Dù môi trường kinh doanh đầy biến động, muôn hình vạn trạng, có khi ảm đạm, nhưng mình vẫn nhìn sự việc trong sự tích cực, xây dựng, bởi trong tâm linh, tôi hiểu con đường doanh nhân không khác gì con đường binh nghiệp. Trao cho những người lái xe tinh thần tốt đẹp của người lính, ước mơ một xã hội văn minh, tinh thần nhường cơm xẻ áo, buôn có bạn, bán có phường… cũng là trao cho họ “vũ khí” để sống, làm việc có văn hóa.
____
Có phải nỗi đam mê về xe hơi đã theo đuổi anh từ thuở thiếu thời, để bây giờ anh dành trọn đời mình cho sự phát triển giao thông vận tải của cộng đồng?
Tôi có một lời hứa thiêng liêng, nếu tôi còn được sống, tôi sẽ làm tất cả những gì có ích cho xã hội, cho đồng đội mình, con em của những người đã ngã xuống, mang lại cơm ăn, áo mặc, cho ai cũng được học hành. Chính vì thế mà Mai Linh luôn mở rộng cửa cho những người lính, cho những cựu chiến binh năm xưa, và con cái họ.
Màu xanh áo lính là màu truyền thống của Mai Linh. Tất cả các giám đốc, phó giám đốc, cán bộ điều hành của Mai Linh đều là lính. Đây là “mái nhà” của lính, là “gia đình” của lính. Từ hồi bé tí, tôi đã thích ngắm nhìn những chiếc ô tô, muốn khám phá nó. Cảm giác được ngồi sau vô lăng lần đầu tiên hạnh phúc vô cùng. Chỉ trải qua những ngày đi bộ triền miên suốt dọc những cánh rừng mùa mưa lũ tiến quân vào Quảng Đà, bạn mới hiểu được cảm giác được “ngồi ké” lên những chiếc xe kéo pháo tuyệt vời thế nào.
Rồi tôi trở thành anh lính trinh sát pháo binh. Những năm du học ở Nga, ở Tiệp Khắc cũng liên quan đến xe, đến du lịch… Cuộc đời tôi duyên nợ với xe, mê xe như thể một cơ thể sống của con người, từng vết trầy xước nhỏ cũng làm tôi xót xa. Phải yêu nó, thức khuya dậy sớm với nó, nâng niu nó, mới có thể làm được nghề vận tải.
Dù môi trường kinh doanh đầy biến động, muôn hình vạn trạng, có khi ảm đạm, nhưng mình vẫn nhìn sự việc trong sự tích cực, xây dựng.
____
Anh đã từng vượt qua cảm giác sợ hãi của những trận bom B52 rải thảm, vậy có bao giờ anh gặp lại cảm giác đó trong kinh doanh?
Có đấy, cảm giác sợ hãi, ngơ ngác, không phải là nỗi hiểm nguy tính mạng, mà là nỗi sợ lớn hơn thế, sợ mất uy tín, sợ không trả được nợ, sợ không bảo toàn được nguồn vốn của anh em đã chắt chiu trao cho mình. Trong đời doanh nhân, tôi đã trải qua… bốn lần “B52 rải thảm” (cười).
Đó là khủng hoảng tiền tệ năm 1997-1998. Một đêm thức dậy thấy mình mất trắng hàng tỉ đồng, hàng trăm xe mới mua bằng USD, sau một đêm mất hàng trăm ngàn USD! Có nhiều doanh nhân Hàn Quốc, Thái Lan đã nhảy lầu tự tử. Mình thì không thể. Như một người thuyền trưởng, phải lái con tàu đi như thế nào? Nếu không bình tĩnh, mất định hướng là kể như đổ bao công sức xuống biển.
Tôi lập tức kêu gọi anh em tự rút lương của mình xuống, cắt giảm mọi thứ không cần thiết, kêu gọi anh em phát huy đồng vốn để lấy đó trả nợ ngân hàng. Rồi tiếp theo là sự kiện 11/9, dịch SARS, những trận cuồng phong mà con tàu doanh nhân nào cũng gặp phải. Khách du lịch không vào Việt Nam nữa, doanh thu giảm hẳn 30%. Trận B52 nan giải nhất bây giờ là nạn xe dù, nó không kém gì dịch SARS, thậm chí còn làm mất uy tín của toàn ngành taxi.
Bệnh này chỉ có nhà nước mới chữa được thôi, chứ doanh nghiệp thì chịu. Phải làm thế nào để trả lại sự công bằng, sự cạnh tranh lành mạnh, đó là trách nhiệm của luật pháp. Tôi hy vọng “trời” sẽ ra tay, lẽ phải sẽ thắng. Bởi tôi tin đó chỉ là tình trạng tạm thời của sự phát triển đi lên.
____
Với vốn ban đầu chỉ 300 triệu, sau 10 năm anh đã đưa Mai Linh “phủ xanh” toàn quốc, và đang vươn tới thị trường du lịch nước ngoài, anh đã giải bài toán về vốn của Mai Linh như thế nào?
Phát huy nội lực. Sự phát triển của Mai Linh gắn với số phận, đồng vốn của từng gia đình, từng tế bào nhỏ bé, bởi đó không phải là đồng tiền đi vay, không phải của ngân hàng, vì lúc ấy đâu đã đủ uy tín để vay ngân hàng, mà đều là của những người thân, của nhân viên, lái xe công ty.
Từng cây vàng, từng triệu đồng mua xe đã khiến cho tất cả đều có trách nhiệm bảo toàn đồng vốn. Vốn là sự sống còn, là máu thịt của doanh nghiệp, khi ai cũng có ý thức tiết kiệm, chắt chiu, sẽ tạo ra kinh doanh hiệu quả. Mai Linh đã hình thành từ nguồn vốn ấy. Đến hôm nay, có nhiều người trong công ty có cổ phần triệu phú, tỉ phú.
Yêu thương cán bộ công nhân viên như con em gia đình mình, muốn họ trưởng thành giống mình, không xử sự như người làm thuê, mà quan trọng là tạo ra những người chủ thật sự, “lái xe có xe, nhân viên có cổ phần, công ty là “Nhà” nhân viên là “Chủ”, môi trường lành mạnh…”, có như vậy mới mời gọi được đầu tư. Nó rất cần đến cái tâm, tấm lòng. Mai Linh cũng là công ty cổ phần đầu tiên có chi bộ Đảng vững mạnh, có công đoàn hoạt động thiết thực, có Hội Cựu chiến binh chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người lính già và con em của lính…
Tài sản lớn nhất của Mai Linh không phải là những chiếc xe, mà là con người, và là khách hàng. Làm cho khách hàng hài lòng về cung cách phục vụ và sẽ trở lại, đó là tài sản quí nhất. Chính khách hàng đang hàng ngày hàng giờ “bơm” vốn cho Mai Linh thông qua con đường sử dụng dịch vụ của Mai Linh.
Tôi luôn thấy mình phải học, học nữa, học mãi. Văn hóa cũng là điều khiến người ta trẻ.
____
Mai Linh là doanh nghiệp thành công, riêng anh còn là thành viên tổ chức Doanh nghiệp trẻ thế giới YPO, thành viên Hội Doanh nghiệp trẻ TP. Hồ Chí Minh, anh có thấy mình còn… trẻ, dù anh đã là U50?
Tôi là người sống trẻ (cười thật tươi), vì tôi luôn thấy mình phải học, học nữa, học mãi. Văn hóa cũng là điều khiến người ta trẻ. Sự tồn tại của một doanh nghiệp, một đất nước cũng đều xuất phát từ nền tảng văn hóa. Hai vợ chồng tôi cứ ngày đi làm, tối lại cắp cặp đến trường. Tôi vừa tốt nghiệp bằng cử nhân Luật. Tôi học để biết, để sống và làm việc chủ động hơn.
Tôi cũng hiểu văn hóa sẽ giúp người ta văn minh hơn, sống có tình hơn. Việc trang bị tri thức chính là nền tảng cho sự phát triển lâu bền của doanh nghiệp. Không chỉ học văn hóa truyền thống, mà còn phải học văn hóa thế giới, để hiểu họ, chủ động giao lưu với họ. Muốn du lịch phát triển, không còn cách nào khác là phải đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, khoa học, theo những mô hình quản lý chất lượng toàn diện của thế giới. Tôi học được rất nhiều từ những tổ chức này. Trao đổi thông tin chính là ánh sáng tri thức, không có thông tin, không thể phát triển.
____
Có bao giờ anh cảm thấy cô đơn, trống trải trước con đường mình đã chọn? Theo anh người lãnh đạo, nhất là doanh nhân, cần phải có những điều gì?
Không. Buồn thì có, nhưng cô đơn thì không. Sự sống còn của 5.000 sinh mạng khiến tôi luôn cảm thấy một trách nhiệm nặng nề, một niềm vui sống. Và tôi cảm nhận được sự tin yêu của mọi người dành cho mình, điều đó làm tôi hạnh phúc.
Người lãnh đạo, theo tôi phải có trí thông minh và lòng dũng cảm, khiêm tốn, học hỏi, chân thành với bạn bè, chân thành với đối tác, với mọi người, biết mình biết ta, quan hệ bình đẳng, đa phương, cùng có lợi.
Giám đốc theo tôi cũng là một nghề, nghề tạo ra công ăn việc làm, nó phải được tôn vinh, phải nhìn vào điểm sáng, tính ưu việt của nó để đánh giá. Doanh nhân cũng là một người bình thường như bao người khác, cũng phải ăn uống, đi lại, bạn bè. Doanh nhân không sinh ra để làm bậy, không ai sinh ra một doanh nghiệp, để rồi bóp chết đứa con của mình.
Có người thành công thì cũng có nhiều, rất nhiều người thất bại, đó chẳng qua cũng là một tai nạn nghề nghiệp rất bình thường. Hãy tạo điều kiện cho họ làm tốt hơn, và hãy mở lòng, thông cảm với họ những khi thất bại. Tôi mong những người trẻ sắp trở thành doanh nhân phải ý thức được đây là một nghề cao quí. Doanh nhân khác con buôn ở chỗ có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, gia đình… khi xây dựng doanh nghiệp của mình, không phải là người bất chấp vì lợi ích cá nhân. Có như vậy mới hình thành được chiến lược dài hơi, như những thương hiệu lừng danh thế giới hàng trăm năm nay.
Doanh nhân không sinh ra để làm bậy, không ai sinh ra một doanh nghiệp, để rồi bóp chết đứa con của mình.
____
Cuộc sống bận rộn có làm anh sao lãng trách nhiệm với gia đình, vợ con?
Gia đình luôn là nơi để tôi giải tỏa mọi áp lực, nơi tôi cần sự giúp đỡ, nơi tôi được chia sẻ nhiều nhất. Tình thương yêu chính là vũ khí để mình giảm bớt mọi căng thẳng. Mọi sự căng thẳng suy cho cùng đều là sự thiếu hụt về tri thức, tôi may mắn có được một người vợ luôn là người tư vấn tốt nhất cho tôi trong mọi tình huống. Cô ấy thường nói: Hãy cố lên, hãy sáng suốt hơn nữa… Nếu không có một gia đình hạnh phúc, sẽ không thể có sự nghiệp lớn.
Tôi học được điều đó từ những chuyến đi leo núi cùng con gái với Tổ chức Doanh nghiệp trẻ thế giới. Suốt ba ngày, không điện nước, không e-mail, không ti vi… Nó dạy cho người ta lòng dũng cảm, biết thế nào là cuộc sống vất vả, yêu thương gia đình và không được lãng phí thời gian, tiền bạc. Cũng từ đây tôi học được cách lãnh đạo công ty, cách hợp tác trong kinh doanh, dạy dỗ con cái trong gia đình…
Tôi có bốn cô con gái, ba cô đều có chữ lót là Linh, cô đầu là Xuân Mai. Mai là may mắn, niềm vui, còn Linh là tâm linh, là ước vọng. Hai chữ này kết hợp với nhau trong tiếng Hán rất đẹp, đó là tên gọi của công ty, là hoài vọng của tôi về tương lai của một thế hệ mới, hạnh phúc hơn, tri thức hơn.
____
Anh vừa trở về sau một chuyến đi dài ngày tại các nước, anh có phải là người đam mê với những cuộc phiêu lưu?
Những chuyến đi xa, dù trong hay ngoài nước, đều mang lại cho tôi những điều mới mẻ, những giải pháp cho bế tắc. Chuyến đi Singapore, Nhật Bản, Dubai.. đã cho tôi nhiều kiến thức để xây dựng mô hình Mai Linh. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
____
Anh thường giải trí như thế nào?
Tôi giải trí bằng đọc sách danh nhân thế giới. Tôi thích sưu tầm những bộ sách về các lãnh tụ thế giới như Mác, Lênin, những tư liệu về Bác Hồ cùng những doanh nhân hiện đại… để học những bí quyết lãnh đạo của họ. Đôi khi tôi thích nghe hòa tấu guitar để suy tư. Tôi là người không hút thuốc, không uống rượu, sống rất lành mạnh (cười). Trong công ty tôi, không tìm thấy một chiếc gạt tàn thuốc. Tôi muốn tạo một không khí trong lành để sống, làm việc.
____
Điều gì khiến anh hạnh phúc nhất?
Khi vượt qua được những bão táp, những trận cuồng phong. Khi có thêm một chiếc xe mới, như một đứa con mình vừa được sinh ra. Và trên tất cả là tạo ra được công ăn việc làm cho toàn xã hội.
____
Vậy anh có một điều ước gì trước thềm năm mới?
Công ty luôn đổi mới để phù hợp với sự phát triển của đất nước, với môi trường hội nhập, làm sao trở thành một thương hiệu vững bền. Mong cho đất nước có thêm nhiều doanh nghiệp phát triển tốt, để tạo ra những thương hiệu Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.
____
Không có điều ước nào cho riêng mình sao?
Những điều đó là thỏa mãn mình rồi. Còn điều ước bức xúc nhất của tôi bây giờ ư? Là… không còn nạn taxi dù!