Mạch ký ức của quá khứ như công tắc on/off, lựa chọn tắt hay mở cũng như việc chọn giữa quên và nhớ. Đồng hành với hiện tại luôn có quá khứ, bởi nó đều là hai chiều kết nối tạo nên ngày hôm nay.
Đối với tác giả Nguyễn Phi Vân trong Tôi đi tìm tôi cũng vậy, quá khứ là những con người từ bốn phương trời mà chị được gặp, bị gặp và tình cờ gặp.
“Họ đến, mang theo cơn mưa đầu hạ, giúp tôi nở hoa trên chính mảnh vườn xưa vốn nứt nẻ, khô cằn. Họ đến, để làm tôi đau, cho tôi hiểu thế nào là bóng đêm và vô ảnh. Tôi gật đầu, răn đe mình không được phép trôi về ngõ tối sình lầy.
Và tôi thở phào khi họ bỏ ra đi. Họ đến, giúp tôi nhận ra khả năng vô giới hạn của bản thân, giúp tôi phá bỏ mọi thành trì những tưởng là tồn tại”.
Các câu chuyện Nguyễn Phi Vân kể về bạn bè khắp bốn phương, về những kỷ niệm thời thơ ấu, về hình ảnh người mẹ với bao gạo và buồng dừa lưu lại ký ức đậm sâu.
Đó là tất cả là những dấu ấn sâu sắc nhất đọng lại không những trong ký ức mà còn trong trái tim chị, để mỗi lần nhớ về quá khứ là mỗi lần thấu hiểu thêm cuộc đời.
Hai mươi chương sách Tôi đi tìm tôi tượng trưng cho hai mươi ga tàu ngược thời gian quay về quá khứ: những sân ga hoành tráng, đìu hiu, những câu chuyện về thành công, thất bại, chuyện con người và những ngã rẽ đổi đời, phản tư, dằn vặt, những nụ cười có, những giọt nước mắt của niềm hân hoan cũng có. Từng trang sách là loạt cảm xúc tuần hoàn của nỗi buồn, niềm vui mà chị đã từng trải qua.
Đó là câu chuyện của Chris – người đàn ông thành đạt có tất cả nhưng một mình ôm lấy nỗi đau về căn bệnh trầm cảm do bị xâm hại tình dục từ lúc lên 10.
Ông là người điềm đạm, vững chãi, giữ chức tổng giám đốc của một tập đoàn lớn, có một gia đình hạnh phúc và bình an. Những tưởng cuộc đời của Chris có tất cả, nhưng không!
Thế giới nội tâm của ông cất giấu một quá khứ tật nguyền, của những lỗi lầm đắn đo không biết có nên tự vấn hay không.
Bởi lẽ Chris chính là một trong nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục trẻ em, từ chính ông thầy hiệu trưởng một trường nam sinh mà ông theo học!
Đó là chàng trai Suhaime mãi mãi ra đi ở tuổi 27 vì khối u não. Suhaime với nguồn năng lượng dồi dào, anh là đại diện cho con người tham công tiếc việc.
Cuộc sống của anh không phân biệt sáng tối, chỉ có làm và làm, là làm không còn thời gian để ăn và thở.
Anh chàng được tác giả mô tả là kẻ bất khả chiến bại, là ngôi sao rực rỡ, nhưng không ngờ một ngày ngôi sao đó buông xuôi tất cả sự tất bật thường ngày và trở về với cát bụi.
Sự ra đi của Suhaime đã để lại cho Nguyễn Phi Vân những nốt lặng, để nhìn, để ngẫm bài học trân quý từng hơi thở, biết yêu thương từng tiếng cười, nét khóc.
Là Marilyn – từ một thiên thần ngây ngô, dễ thương bỗng một ngày hóa thành bóng đêm vì thứ chiến tranh văn hóa ngầm chốn chính trường.
Mỗi ngày trong đời trôi qua đối với cô là một cuộc chiến. Marilyn chỉ thực sự chấm dứt cuộc sống giam cầm đó khi quyết định nghỉ việc.
Cuốn sách còn đưa người đọc về những câu chuyện thời thơ ấu được kể lại như thứ nước chắt lọc tinh khiết từ một tâm hồn rất đỗi giàu yêu thương, về món cá ba đuôi kho “giết chết” niềm hạnh phúc riêng tư của anh trai tác giả. Và còn nhiều câu chuyện về con người, về biến cố trong đời của chính tác giả được kể lại rất thực và rất “đời”.
Với Tôi đi tìm tôi, bạn sẽ có chung cảm nhận đó là các nhân vật và chúng ta, đều đã, đang hoặc từng là con rối được điều khiển bởi những cỗ máy của số phận.
Từng câu chuyện tác giả kể ra không phải để bạn cảm nhận về những hồi ức đầy sướt mướt, mà để bạn phản tư về mục đích của cuộc đời.
Đó cũng chính là điểm sáng của cuốn sách này, không phải là không khí dồn dập, ly kỳ hay nhẹ nhàng, trầm lắng.
Mà là một cuộc trao đổi, những câu chuyện kể lại cho độc giả nghe về những bài học tác giả đã có được trong đời, cho bạn đọc mà suy mà ngẫm. “Ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì?”.
Mỗi cá nhân trong thế giới này đều có nguy cơ bị sai lạc, như đi vào mê cung không tìm thấy lối ra trên con đường đi tìm lại chính mình.
Đôi khi con người ta không biết mình cần gì, muốn gì, bởi lẽ mỗi người đều có những hộp bí mật chứa đầy những góc khuất được ngụy trang khéo léo.
Chuyến tàu trở về quá khứ của Tôi đi tìm tôi là tấm gương phản chiếu hình ảnh khác của bản thân mỗi người. Cũng từ đó người đọc có thể xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại để chúng ta có thể tìm lại bản thân.