Nhà báo – nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải vừa cho ra mắt hai tác phẩm tâm huyết, Chuyện nhà tôi – Bao giờ bước tới bờ vui? (thể loại tâm lý – giới tính) và Chuyện nhà tôi – Mẹ già còn ở trên Phây? (thể loại truyện ngắn – tản văn) với lối viết tự do, pha trộn giữa ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ trao đổi thường nhật và văn phong hài hước, dí dỏm.
Chuyện nhà tôi – Mẹ già còn ở trên Phây? gồm 312 trang với gần 100 bài viết ngắn pha trộn giữa ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ trao đổi thường nhật với nhãn quan hài hước của một nhà văn, tác giả đã ghi nhận những tình huống cuộc sống, xã hội… nhằm đưa ra những nhận định nhanh trong tương quan với tốc độ diễn tiến rất nhanh của thời đương đại, nhưng khi đọc, chúng ta sẽ thấy rất “thấm” với những mẩu viết “nho nhỏ” này xoay quanh những vấn đề quan hệ gia đình, về thời trang và tính chất công nghệ của đời sống hiện nay.
Trong tác phẩm Chuyện nhà tôi – Mẹ già còn ở trên Phây? toàn bộ những câu chuyện điển hình trong cuộc sống thực tế của mỗi chúng ta, từ chuyện chính bản thân ta, gia đình, xã hội, tất cả được tác giả thu gọn cho vào tác phẩm của mình, thông điệp của tác giả đến quý bạn đọc một sự thật là chúng ta nên đón nhận và sống thực tế hơn, vì đời ngắn lắm.
Cùng với Chuyện nhà tôi – Mẹ già còn ở trên Phây?, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng ra mắt cuốn sách thứ hai với tựa đề Chuyện nhà tôi – Bao giờ bước tới bờ vui? Với 307 trang bàn về hiện tượng đời sống và tâm lý thời hiện đại, các tình huống trong cư xử ở gia đình và xã hội, những suy nghĩ, lý sự đúng sai. Có bốn “phông nền” cho các câu chuyện trớ trêu xung quanh ảnh hưởng thời internet, thời trang, tình huống xã hội, quan hệ gia đình. Bạn sẽ thấy mình trong đó, đã gặp ở đâu đó, mà trong nhịp sống gấp gáp, đã không để ý để… cười mỉm. Người ta đã dùng những tên gọi sâu sắc và hình tượng về các chuyện này là “những chấn thương tâm lý hiện đại” hay “Sốc văn hóa”.
Qua 15 năm gắn bó với chuyên mục “Chuyện nhà tôi” trên Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần từ năm 2003 với bút danh Quảng Yên, nhà văn – nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đóng vai trò người quan sát đã kể lại nhiều hiện tượng đời sống và tâm lý thời hiện đại, các tình huống trong cư xử ở gia đình và xã hội, những suy nghĩ, lý sự đúng sai. Phần lớn những câu chuyện trong sách là cách cư xử của các thành viên trong gia đình, bè bạn rất đa dạng được trình bày với một nụ cười nhẹ nhàng, không đao to búa lớn.
Và đặc biệt, với những độc giả bận rộn, “Chuyện nhà tôi” còn có một lợi thế khi các câu chuyện đều rất ngắn.