Với tên gọi “Mơ hoang”, triển lãm cá nhân của họa sĩ trẻ Hà Hùng Dũng (tại quán cà phê Think – 35 Hồ Biểu Chánh, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, từ 15 đến 29-3) đưa người xem đến với những chân dung phụ nữ vùng cao phía Bắc đất nước.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2005, Hà Hùng Dũng gắn bó với đề tài phụ nữ người Mông từ khi còn là sinh viên, qua những lần đi thực tế sáng tác ở Sa Pa, sống cùng với bà con người dân tộc, được họ yêu thương, tin cậy như người thân, sẵn sàng chia sẻ những buồn vui, suy nghĩ của mình, nhờ vậy anh hiểu, cảm thông và gần gũi với họ nhiều hơn. Những phụ nữ Mông để lại nơi anh những ấn tượng sâu đậm bởi vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết của họ. Ngày thường, họ cặm cụi với những công việc gia đình và nương rẫy, nhưng mỗi khi ra chợ họ làm nên không khí rộn ràng như lễ hội bằng những bộ trang phục sặc sỡ do chính tay mình đan dệt công phu. Váy áo, khăn, vòng cổ, hoa tay lạ mắt và nhất là những nụ cười, ánh mắt long lanh của các cô gái đang tuổi xuân đã khiến chàng trai miền xuôi không khỏi bâng khuâng.
Và thế là Hà Hùng Dũng cứ vẽ mãi những phụ nữ dân tộc Mông bằng cảm xúc nồng nàn, tươi mới như anh chưa rời vùng đất Sa Pa. Anh muốn mượn những giấc mơ, có thể là hư ảo, hoang đường trong đời thật nhưng là những phút giây thăng hoa, bay bổng, lãng mạn để những người phụ nữ trong tranh anh được là chính mình. “Mơ hoang” chỉ với 10 bức tranh khổ lớn đã kể lại một câu chuyện đời “có hậu”. Khởi đầu là khoảng lặng, một nốt trầm trong cuộc sống của người phụ nữ, họ một mình gửi cái nhìn xa xăm vào mây núi như chờ đợi điều gì. Và niềm vui đến khiến những thiếu nữ bỗng trở nên e ấp, thẹn thùng, đan những ngón tay vào nhau. Rồi thì mẹ mừng cho con bắt được chồng, những bó hoa nam nữ tặng cho nhau để bắt đầu một cuộc sống mới. Cái kết là có thêm những đứa trẻ ra đời khiến gánh lo toan nặng trên vai người phụ nữ nhưng cũng thắp lên những hy vọng mới…
Trong tranh của Hà Hùng Dũng, các nhân vật nữ được tác giả làm đẹp hơn bằng tình cảm của anh, trông họ như những nghệ sĩ đang hóa thân vào vai diễn. Anh sử dụng những gam màu giống với màu sắc tự nhiên trên trang phục của người dân tộc như xanh lá, trắng, xám, tím, đỏ, cam… Những bức chỉ một màu tím, nâu đất, cam đỏ… là những sắc thái của thời gian và tâm trạng con người. Tím là màu hoàng hôn của núi rừng, cũng là trạng thái mệt mỏi sau một ngày làm việc. Màu nâu đất bình yên, đầm ấm. Màu xanh, đỏ là những niềm vui. Màu trắng, xám là những khoảng lặng, suy tư…
Có thể còn có những giấc mơ chưa trọn vẹn, nhưng anh tin rằng những nhân vật nữ trong tranh của anh sẽ biết cách tìm và vun đắp cho hạnh phúc của mình.
- Vân Anh