Sự phát triển của công nghệ blockchain (chuỗi khối), ML (học máy), AI (trí tuệ nhân tạo)… đã tác động nhiều đến lĩnh vực tài chính và đầu tư trong những năm gần đây.
Nhiều ứng dụng, dịch vụ mới ra đời kéo theo nhu cầu gọi vốn (crowfunding) để phát triển dự án. Về cơ bản đây là một hình thức đầu tư mạo hiểm, nhưng đã và đang có không ít trường hợp lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của “nhà đầu tư” cá nhân để lừa đảo họ.
Đầu tư mạo hiểm, chỉ dành cho tay chuyên
Với các dự án kêu gọi vốn đầu tư trong lĩnh vực FinTech (công nghệ tài chính), các nhà sáng lập thực sự luôn hướng đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đa phần là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cũng có một tỷ trọng nhỏ dành cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng thường hạn chế ở các mối quan hệ khép kín hoặc giới hạn trong một số cộng đồng nhất định.
Trong đầu tư nói chung, nguyên tắc cơ bản đầu tiên là mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro, nghĩa là lợi nhuận cao hiếm khi đi cùng rủi ro thấp. Đầu tư vào các dự án crowdfunding chứa đựng nhiều rủi ro nên đòi hỏi nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đánh giá kỹ các yếu tố rủi ro và triển vọng phát triển của dự án. Cụ thể, nhà đầu tư phải xem xét kỹ hồ sơ cá nhân của các thành viên sáng lập và các thành viên nòng cốt của dự án, liên quan đến kinh nghiệm, thành tích trước đó.
Tiếp đến, việc đánh giá triển vọng của dự án đòi hỏi rất nhiều phân tích chuyên sâu, từ nền tảng kỹ thuật đến nhu cầu thị trường, cũng như khả năng phát triển mở rộng (scale-up). Thực tế cho thấy có rất nhiều dự án thành công về mặt kỹ thuật ban đầu nhưng thất bại: thị trường không đủ lớn và/hoặc không có khả năng phát triển tiếp theo cả về kỹ thuật lẫn thị trường.
Nhận biết đầu tư mạo hiểm lừa đảo
Mới đây, Bộ Công an Việt Nam cảnh báo dấu hiệu lừa đảo của ví điện tử PayAsian và Công ty Tài chính Eagle Rock Global (ERG). Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng nhất của hai trường hợp này là cam kết tỷ suất sinh lợi cao một cách bất thường so với tỷ suất sinh lợi bình quân của thị trường và chi trả hoa hồng phát triển mạng lưới theo hình thức đa cấp.
Thực vậy, với phương thức đầu tư mới, nhiều rủi ro, mà đơn vị tổ chức dám cam kết một tỷ suất sinh lợi phi thực tế, và chi phí phát triển gián tiếp quá cao qua hoa hồng trong khi nguồn thu không rõ ràng và không bảo đảm, thì rất nhiều khả năng là theo mô hình lừa đảo Ponzi – dùng tiền người tham gia sau trả cho người tham gia trước.
Với các dự án kêu gọi vốn đầu tư trong lĩnh vực FinTech (công nghệ tài chính), các nhà sáng lập thực sự luôn hướng đến các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đa phần là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cũng có một tỷ trọng nhỏ dành cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng thường hạn chế ở các mối quan hệ khép kín hoặc giới hạn trong một số cộng đồng nhất định.
Nhưng có một dấu hiệu quan trọng hơn, để xác định có yếu tố lừa đảo hay không, đó là sự minh bạch. Điều này có thể nhận biết qua một số yếu tố như sau. Thứ nhất, sự minh bạch về hồ sơ của các thành viên chủ chốt của công ty. Với các công cụ tìm kiếm trên Internet hiện nay, không khó để tìm được hồ sơ cá nhân của một ai đó, nhất là những người muốn công bố hồ sơ năng lực cá nhân mình để tăng sức thuyết phục với cộng đồng.
Thứ hai, là sự minh bạch của tổ chức. Điều này thể hiện qua thông tin của tổ chức được đăng ký rõ ràng, có những giấy phép được biết đến và công nhận rộng rãi bởi các tổ chức uy tín, có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Địa chỉ đăng ký tên miền Internet cũng phải đảm bảo sự minh bạch, qua việc kiểm tra từ cơ sở dữ liệu trang web “whois”. Lấy ví dụ trường hợp của Eagle Rock Global đề cập ở trên, hồ sơ của các thành viên chủ chốt hoàn toàn mơ hồ, công ty đăng ký ở một thiên đường thuế, và địa chỉ tên miền website cũng đăng ký ở một thiên đường thuế khác và qua một công ty trung gian để che giấu thông tin.
- Xem thêm: Startup dùng AI phát hiện lừa đảo qua điện thoại chính xác 99,99%, huy động đầu tư được 90 triệu USD
Dấu hiệu nhận biết cuối cùng là sự minh bạch về nền tảng kỹ thuật mô hình kinh doanh. Có trường hợp cung cấp tài liệu kỹ thuật (white paper) nhưng mô hình kinh doanh không rõ ràng, không khả thi với khả năng sinh lợi cam kết. Đối với trường hợp đầu tư vào các danh mục, minh bạch đòi hỏi phải chi tiết danh mục và tỷ trọng đầu tư. Thêm vào đó, cần phải có thông tin về sự tham gia thực sự của đơn vị quản lý quỹ vào danh mục đầu tư (skin in the game), vì nếu bản thân người tổ chức không tin vào chính mình thì làm sao người khác có thể tin được.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang và sẽ làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực tài chính, đầu tư. Những cơ hội đầu tư mới luôn hiện hữu, nhưng khi là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, cần nắm rõ một số nguyên tắc được trao đổi ở trên, để từ đó tỉnh táo chọn kênh đầu tư phù hợp với mình. Trong đầu tư cũng như trong cuộc sống, rất hiếm có những gì ngon, bổ mà lại rẻ.