Mỗi ngày, hoạt động của con người lại gây nguy hiểm cho tương lai của hành tinh chúng ta đang sống. Ô nhiễm, khai thác năng lượng, thải khí carbonic đe dọa hệ sinh thái và dẫn đến sự biến mất của nhiều loài sinh vật. Tuy vậy, sự cứu vãn có thể đến từ những công nghệ mới, hướng đến một thế giới xanh hơn.
Robot được nuôi dưỡng nhờ chất ô nhiễm trong nước
Ô nhiễm đại dương gây nguy hiểm cho tất cả các loài sống ở biển, một thảm họa về môi trường. Để phần nào khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bristol (Anh) sáng chế Row-bot. Robot này có thể di chuyển trong nước, ăn chất gây ô nhiễm và tiêu hóa chúng trong một bao tử nhân tạo, biến chúng thành năng lượng để tiếp tục vận hành, nhờ vậy robot hoạt động tự chủ suốt đời. Row-bot cũng được sử dụng như một lính trinh sát trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Thiết bị hút CO2 trong khí quyển
Thải khí CO2 góp phần đáng kể khiến khí hậu nóng lên. Nhiều công ty nghiên cứu chế tạo máy có khả năng hút dioxyde carbone, chẳng hạn Công ty Carbon Engineering, dưới sự điều hành của David Keith, giáo sư thuộc Đại học Harvard, được sự tài trợ một phần của Bill Gates. Công ty khai triển một thiết bị to lớn có khả năng hút CO2 để biến nó thành carbonate. Thiết bị này có thể hấp thụ nhiều tấn CO2 trực tiếp từ khí quyển mà không ngưng nghỉ.
Robot tí hon hút CO2 trong đại dương
Một hệ quả tiêu cực khác khi khí hậu ấm lên: sự acid hóa các đại dương. Đại dương hút dioxyde carbone (CO2) bị phát tán trong khí quyển làm tăng độ pH và tác động trên các sinh vật biển, nhất là trên các loài giáp xác và dải đá ngầm san hô. Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học San Diego đã chế tạo những robot tí hon có khả năng di chuyển nhanh trong nước để hút CO2 và biến khí này thành carbonat calcium, hợp chất chính của vỏ các động vật ở biển và san hô. Các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng những robot này ở quy mô rộng hơn, trong một chương trình làm sạch đại dương.
Robot tẩy sạch dầu loang
Thủy triều đen gây những hệ quả tai hại cho hệ sinh thái các đại dương, tác động trên dây chuyền thực phẩm trong biển và có thể gây những dị tật di truyền. Vì vậy, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khai triển nhiều robot được đặt tên Seaswarm, có khả năng hút dầu để đốt hay bảo quản. Những robot trên có khả năng tự tổ chức, phủ cả một bề mặt mênh mông, đồng thời tự thông báo vị trí nhờ GPS hay kết nối wifi.
Trang trại robot
Sản xuất lương thực làm tăng ô nhiễm và sử dụng nhiều nước. Công ty Spread (Nhật) xây dựng một trang trại hoàn toàn vận hành nhờ robot để trồng rau diếp. Ngoài sản lượng rau cao gấp 10 lần so với một trang trại truyền thống, các thiết bị ở đây chỉ hoạt động với năng lượng tái tạo. Hơn nữa, 98% nước sử dụng được xử lý để dùng lại. Hiệu quả đáng kinh ngạc và những tác động tích cực trên môi trường hẳn sẽ khích lệ những công ty khác sản xuất theo cùng kiểu mẫu.
Máy bay không người lái
Nạn phá rừng cũng là một mối nguy hiểm thật sự đối với con người và môi trường. Mỗi năm, 13 triệu hécta rừng bị phá để khai thác theo cách khác. Công ty BioCarbon quyết định chống lại tệ nạn này bằng cách trồng cây mới trên quy mô rộng, bằng cách áp dụng một công nghệ giúp phát triển bền vững: máy bay không người lái. Các robot bay này quan sát đất có thể tái tạo rừng. Kế đó, các máy bay ấy sẽ gieo hạt và phân bón sinh học giàu vi chất dinh dưỡng. Theo công ty, một đội máy bay có khả năng trồng 36.000 cây mỗi ngày.
Vệ tinh
Các vệ tinh giữ một vai trò quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự nóng lên của khí hậu. Các nhà nghiên cứu có thể thu thập những dữ liệu quý giá và quan sát hậu quả tàn phá của sự tăng nhiệt độ, chẳng hạn qua hình ảnh băng tan. Trong những năm tới, các vệ tinh có thể được trang bị những thiết bị mạnh hơn, giúp chúng ta chống lại sự nóng lên của khí hậu, cả giám sát những quốc gia đã cam kết hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngay từ lúc này, NASA khai thác nhiều vệ tinh được thiết kế đặc biệt để quan sát môi trường và khí hậu: các vệ tinh Aqua, Terra, NPP.
Tấm thu năng lượng mặt trời
Việc sản xuất năng lượng của con người là một thảm họa đối với môi trường. Khi sử dụng năng lượng hóa thạch như dầu, than hay khí thiên nhiên, sự thải khí gây hiệu ứng nhà kính càng trở nên tồi tệ. Năng lượng hạt nhân, gây nhiều tranh cãi, do là nguyên nhân gây nguy hiểm cùng cực. Những bảng thu năng lượng mặt trời từ tia nắng để biến thành điện năng hay nhiệt năng. Công nghệ này ngày càng được ứng dụng nhiều hơn, chẳng hạn nhà máy điện năng lượng mặt trời vĩ đại có thể cung cấp điện cho phân nửa quốc gia Maroc từ nay đến năm 2020.
Động cơ gió
Các động cơ gió được thiết kế để sản xuất năng lượng tái tạo, giúp biến đổi động năng của gió thành cơ năng, sau đó trở thành điện năng. Rẻ tiền và thân thiện với môi trường, động cơ gió là cách thay thế hiệu quả cho năng lượng hóa thạch và hạt nhân.
Benthic Rover
Robot này có kích cỡ bằng một xe hơi nhỏ, được thiết kế để quan sát đáy biển. Là thành quả của bốn năm làm việc miệt mài, robot đến các vực, chụp ảnh các động vật, dừng lại cứ mỗi 5m để phân tích các sinh vật hiện diện trên đất. Ngoài hỗ trợ các nhà khoa học hiểu được bằng cách nào các sinh vật tồn tại, Benthic Rover có thể lập tư liệu về các tác dụng tai hại trên đáy biển do hiện tượng khí hậu ấm lên.
Những công nghệ trên thật thông minh và cần thiết, cho chúng ta niềm tin về tương lai của trái đất và hy vọng chúng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới.
– Kim Ngà tổng hợp (Theo KTNN1000)