Nếu không có gì, tỉnh táo cho qua luôn, cự nự đôi khi chuyện bé xé ra to. Thua thiệt một chút mà yên lành.
Có người nói, cày cuốc kiếm thật nhiều tiền làm gì khi mà giờ đây nơm nớp lo gặp cướp. Bây giờ, các phường treo băng rôn lưu ý người dân cẩn thận với cướp, tích cực hợp tác với chính quyền trấn áp bọn cướp… Họp tổ dân phố nhắc đi nhắc lại bà con đề phòng cửa nẻo. Đội dân phòng của phường, đầu hôm còn rảo quanh khu phố nhắc nhở từng nhà kiểm tra các tầng lầu…
Như vậy, khẳng định tính mất an ninh của xã hội là có thật chứ không chỉ thấy trên báo hay trên mạng internet. Cha mẹ dặn con bài học đầu ngày coi ngó nhà cửa cẩn thận, ra vào khóa cửa ngay.
Cảnh giác vậy nhưng sao tội phạm vẫn có đất làm ăn? Tức là, dù cảnh giác thế nào vẫn có lúc sơ hở, có những tình huống không ngờ tới. Phụ nữ ra đường tuyệt đối không mang trang sức đắt tiền. Lại cảnh giác, đừng nghĩ đi taxi là an toàn. Làm sao biết được lòng người?
- Xem thêm: Người gian bây giờ… lịch sự
Bọn tội phạm giờ đây tấn công cả người thi hành công vụ. Đã đến lúc chúng liều, “phê” chất gây nghiện vào rồi coi như không biết sợ là gì! Rốt cục, con người ở thời văn minh mà phải luôn “sống trong sợ hãi”. Chuyện cảnh giác là chuyện bao đời nay, bài học cảnh giác không bao giờ thừa.
Tuy nhiên, không khéo đến lúc con người hiện đại nhìn quanh ai cũng là tội phạm? Có người còn nói kẻ thù bên cạnh ta đấy, chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu không là ví dụ à? Riết rồi ai cũng phải tập thích nghi để tồn tại.
Mở các trang báo mạng, thượng vàng hạ cám. Có tin về tội phạm thì cũng có bài hoành tráng về đêm biểu diễn thời trang hay đám cưới một cô người mẫu thật long lanh! Có tin về ngày giá rét và cuộc sống thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao thì cũng có bài về cách vung tiền của đại/thiếu gia… Có người phản biện, đó như một cách cho con người tìm quên, say mê đọc và quên đi thực tại…
Cuối cùng người ta lại kết luận: thực tế vẫn là thực tế. Con người vẫn phải ăn, mặc, ở… Muốn tốt thì phải làm việc, không cách nào khác, những thứ gọi là “tiếp cận thông tin” ấy chỉ là món trang sức mà thôi. Giới trẻ thì cho đó là mốt thời thượng khi mà giờ đây ai chẳng lên mạng, ai chẳng có tài khoản Facebook? Và rồi, quay lại vẫn là sống cho hôm nay, hưởng thụ đi, biết ra sao ngày sau?
Đơn cử chuyện nhỏ thế này, bây giờ ai chẳng thích xài điện thoại cảm ứng, smartphone? Cái đau khổ ở đây là thứ này gây bất tiện cho người lớn tuổi, chữ nhỏ quá không coi được.
Thấy bọn trẻ lướt điện thoại, bấm nhoay nhoáy mà sốt ruột. Chúng làm gì mà suốt ngày khư khư cái điện thoại thế? Là bởi người lớn tuổi không thấy cái hay của điện thoại bây giờ đâu chỉ gói gọn nghe, nói, nhắn tin.
Hàng tỉ thứ trong đó, cấu hình càng cao chơi càng phê. Nhìn chúng chơi trò chơi, cầm lắc điện thoại mà chóng mặt! Điện thoại tiện nghi từ tra từ điển, coi phim trên YouTube cho đến tìm một món ăn. Và, Facebook thì gần như người bạn thân thiết, online 24/24.
- Xem thêm: Chịu thua thiệt một chút?
Có câu chuyện vui, trong giờ vệ sinh, cô giáo hỏi Tí: “Trước khi ăn phải làm gì”. Tí trả lời: “Lấy điện thoại, chụp hình và post lên Facebook ạ”. Cô giáo ngạc nhiên: “Ai dạy em thế?”. “Em thấy ba mẹ em trước khi ăn đều làm vậy”. Thế, không hưởng thụ là gì? Theo nghĩa, có nhiêu xài nhiêu, vui là chính để quên đi thực tế “hùng hục cày” hay bất an xã hội!
Đó cũng là một quan niệm sống. Tuy nhiên, người ta đang theo dõi xem thử quan niệm sống này sẽ đi đến đâu. Và, gì thì gì, công nghệ có tiến xa vũ bão đi chăng nữa, cha mẹ vẫn (bắt buộc) phải dạy con đi thưa về trình, biết nói cảm ơn, xin lỗi, biết nói câu chào… Đừng quên những nét đẹp cả ông cha. Chuyện nhỏ mà không nhỏ. Tính nhân văn của con người bị đánh mất từ những điều rất nhỏ nhặt ấy!