Một bà mẹ kể chuyện về tính cách khác biệt của hai đứa con. Theo đó, đứa con trai là một cậu chàng chỉn chu, ngăn nắp.
Một ví dụ, tủ quần áo của cậu có ba ngăn, loại hộc kéo, nằm ngang. Quần áo cậu xếp theo từng loại, chia thành hai hàng. Ngăn quần riêng, áo riêng… xếp để dọc theo ngăn tủ. Khi cần chỉ rút lên, không ảnh hưởng đến quần áo khác, không bao giờ phải “bới” tìm quần áo bởi rất dễ thấy, tiện và lợi diện tích ngăn tủ. Hỏi cậu làm sao nghĩ ra cách sắp xếp này, cậu cho biết, coi một clip có tựa đề “Những cách làm cuộc sống dễ dàng hơn”, thấy hay và bắt chước.
Ngược với em trai, tủ quần áo của cô chị hết sức lộn xộn. Nhiều khi cần tìm phải xáo tung lên. Có lúc cô vừa mở cửa tủ là quần áo bên trong ào xuống đất. Vội đi làm, cô nhét hết các thứ vào để tối về “tính”, nhưng chẳng thấy cô “tính” bao giờ. Nếu chướng mắt, ở nhà rảnh rỗi, bà mẹ mở tủ ra và xếp giúp cô. Hỏi, không lẽ cứ xếp cho cô hoài đến khi nào đây, thì có ngay một ví dụ khác.
- Xem thêm: Văn minh
Anh này thuộc loại kỹ tính và khá chu đáo. Chuyện nhà anh chu toàn hết. Sống với nhau hơn hai mươi năm nhưng vợ anh chưa một ngày giặt quần áo chứ đừng nói chuyện xếp. Chị còn khoe với đồng nghiệp rằng, cái máy giặt nhà chị chẳng những biết phơi quần áo cho thẳng thớm mà còn có chức năng xếp bỏ vào từng tủ cho mỗi người và ủi quần áo nữa.
Quan niệm của anh chồng, đó chỉ là việc vặt, quá sức đơn giản, làm cho vui mỗi cuối tuần. Anh thích công việc này và hạnh phúc khi “tận hưởng” thành quả của mình – nhìn những ngăn tủ quần áo của các thành viên trong gia đình gọn gàng, ngăn nắp, đâu ra đó; không ai phải vấp phải cảnh vội vàng, hấp tấp mỗi khi chọn trang phục đi ra ngoài. Theo ý anh, mọi thứ theo trật tự, sẵn sàng không chỉ là cảm giác nhẹ nhàng, hài lòng mà còn tạo được sự hưng phấn trong làm việc.
Có thể thấy, một nguyên tắc căn bản của sự ngăn nắp là dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy. Bất cứ ai cũng làm được điều này, nhưng có người cả đời không biết ngăn nắp là gì!
Thật ra, người không ngăn nắp hay ngăn nắp đều thấy cuộc sống bừa bộn hay ngăn nắp là điều bình thường và họ chấp nhận nó, coi đó như là một phần của cuộc sống khó thay đổi (thói quen).
Người ngăn nắp có cuộc sống chỉn chu và họ hài lòng vì điều đó, thế nhưng người quen lộn xộn họ thấy có xáo trộn thứ tự cũng là việc bình thường. Đôi khi, chính việc sắp xếp trật tự mới khiến họ thấy cuộc sống… nặng nề vì phải chăm chăm giữ gìn cái trật tự đó.
Chị kia kể chuyện, chị vốn tính ngăn nắp, vật gì chỗ ấy, làm đâu gọn đó. Chị thấy mọi thứ không có gì khó khăn nếu ngay từ đầu có sự chuẩn bị và sắp xếp cho ngăn nắp. Ví dụ như, sách báo, tài liệu… ngăn nào ra ngăn đó. Cần tìm là có ngay.
Theo ý chị, rất dễ dàng để tạo sự ngăn nắp nếu mọi thứ tuân theo một quy ước ngay từ đầu, kéo để đâu, dao để thế nào, cái lược, xâu chìa khóa cũng phải đúng vị trí, người dùng trước để lại đúng nơi quy định, không làm rối cho người dùng sau… Nếu mọi người tuân theo thì cuộc sống rất nhẹ nhàng.
- Xem thêm: Phân chia công bằng việc gia đình
Thế nhưng, người không ngăn nắp thì lại cho rằng chính cái quy ước ấy mới khiến cuộc sống nặng nề. Trong túi xách hay trên bàn một người bừa bộn người ngoài nhìn vào thấy choáng vì mọi thứ lộn xộn quá. Thế nhưng, cần tìm thứ gì họ thấy ngay mà nếu có ai đó sắp xếp cho đúng trật tự thì họ bối rối không tìm ra vật cần tìm.
Con người không ai giống ai về tính nết. Đời đa dạng vì có người này người kia. Mâu thuẫn cũng từ đó. Quan trọng là làm sao chấp nhận được nhau, nếu trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Như ví dụ về anh chàng “máy giặt đa năng” ở trên, chính vì anh chu toàn quá nên gặp cô vợ đểnh đoảng, đó là sự bổ khuyết cho nhau. Vậy mà họ lại sống đời được mới hay!
Để thấy rằng, mọi trật tự trong gia đình đều dựa vào nguyên tắc chung là tôn trọng nhau. Người này biết người kia không ngăn nắp để có cách “uốn nắn”, người bừa bãi biết tính người kia ngăn nắp cũng không thể tùy tiện làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung. Tối kỵ việc đưa tính cách của người khác làm trò chế giễu hay than thở rằng bất hạnh khi phải “sống chung với lũ”.
Biết tôn trọng nhau là nền tảng của sự ngăn nắp rồi!