Trong những năm qua, hơn 10 ngàn học sinh Việt Nam đã được nhận Học bổng Trung học Công lập Hoa Kỳ. Các em này đã có cơ hội làm quen với môi trường học tập cũng như cuộc sống đa màu sắc ở Mỹ. Quan trọng hơn, các em được trang bị rất nhiều kỹ năng học đường trong thời gian tham gia chương trình. Buổi trò chuyện với bà Nguyễn Phượng Hoàng Lam, Giám đốc điều hành Tổ chức tư vấn du học World Education, người có hơn mười năm kinh nghiệm trong việc đưa học sinh tham gia chương trình học bổng này, hy vọng sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho phụ huynh và học sinh có nhu cầu.
Nhiều người vẫn chưa biết đến học bổng giao lưu văn hóa Hoa Kỳ. Xin bà giới thiệu đôi nét về nguồn học bổng này?
Đây là chương trình học bổng toàn phần do Chính phủ Mỹ trao tặng cho học sinh trung học phổ thông trên toàn cầu hằng năm nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết giữa các học sinh trên thế giới thông qua hoạt động giáo dục và văn hóa. Một năm sống và học tập miễn phí ở Mỹ là cơ hội để các em học sinh lớp 10, 11 và 12 Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của Mỹ, nâng cao trình độ Anh ngữ, kết bạn và khám phá những điều mới lạ. Các em sẽ trở thành một thành viên trong gia đình người bản xứ và sinh hoạt theo nếp sống của gia đình cha mẹ nuôi. Học sinh Việt Nam sẽ đóng vai trò là đại sứ Việt Nam giới thiệu các danh lam thắng cảnh, con người và đất nước Việt Nam cho gia đình cha mẹ nuôi, thầy cô và bạn bè Mỹ.
Chắc hẳn là không dễ dàng để “săn” được học bổng này?
Đây là một học bổng khó, không chỉ vì học sinh phải đạt điểm học lực khá, giỏi mà còn phải có khả năng tiếng Anh rất tốt, vì đôi khi các em có thể sống ở những vùng không có người Việt Nam nào. Ngoài ra, học sinh phải tự tin, năng động, hòa đồng và thích các hoạt động xã hội. Vì ngoài việc học, các em còn cần tham gia vào các câu lạc bộ của trường hoặc các hoạt động ngoại khóa đa dạng và phong phú như tham gia vào nhóm cổ động viên, các buổi khiêu vũ của trường, là thành viên của ban nhạc, đội kịch hay các môn thể thao… Có những em đã quyên góp được tiền để làm một vườn rau sạch trên sân thượng nhà trường hoặc gây quỹ cho người nghèo từ một thị trấn khác. Những bạn nhỏ phát huy được khả năng tổ chức, lãnh đạo của mình như thế này sẽ dễ thành công khi muốn xin học bổng đại học trong tương lai.
Một học sinh lớp 10 nhận học bổng giao lưu văn hóa thì sau một năm học ở Mỹ, các em có phải học lại chương trình lớp 10 tại Việt Nam không?
Học sinh vẫn phải học lại lớp 10 tại Việt Nam do hai chương trình học rất khác nhau. Ngoài những môn bắt buộc như Toán, Lịch sử Mỹ, Chính quyền Mỹ, các em được học các môn tự chọn rất thú vị như: kịch nghệ, khoa học, nhạc, nghiên cứu kinh doanh… Tuy nhiên, những kinh nghiệm và kỹ năng sống mà các em học được rất đáng giá. Khi sống trong gia đình người bản xứ, các em được tham gia sinh hoạt, làm việc giống như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, sau một năm học trở về, các em trưởng thành lên rất nhiều. Những em trước đây chưa từng đụng đến việc nhà thì nay biết tự đóng bàn ghế, giường tủ, làm nhà trên cây. Có em còn thuần thục công việc vắt sữa bò, thậm chí còn biết cưỡi ngựa, bắn cung. Chính vì vậy, không ít bậc cha mẹ chấp nhận cho con bảo lưu một năm học tại Việt Nam để có một năm tiếp thu những kỹ năng cần thiết cho tương lai của con sau này.
Trước khi đi du học, các em có cần chuẩn bị gì không?
Tôi thường chuẩn bị tâm lý cho cả học sinh lẫn phụ huynh rằng nước Mỹ không phải là giấc mơ màu hồng mà là một bức tranh đa màu sắc. Với chương trình học bổng này, các em học sinh thường sống cùng gia đình người bản xứ ở những vùng xa thành phố hiện đại, ít khi được sống trong một môi trường tiện nghi, náo nhiệt. Các em cũng thường phải tham gia cả những việc đồng áng, sắp xếp chuồng trại. Dù đây là những công việc vất vả, có thể khiến phụ huynh lo lắng, nhưng hầu hết các em đều dễ dàng thích nghi. Thậm chí có em còn nói rằng chính những việc này làm cho các em khỏe mạnh và trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Tuy nhiên, để giúp các em làm quen với cuộc sống mới thuận lợi hơn, chúng tôi thường tổ chức những buổi giao lưu với cựu học sinh có kinh nghiệm. Trung tâm của tôi cũng thường trang bị trước cho các em những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, luật pháp, giao thông ở Mỹ. Chúng tôi cũng không quên nhắc nhở các em về những lỗi có thể bị gia đình bản xứ từ chối nhận nuôi như: nói dối, sao chép bài trên mạng, uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy… Trong những trường hợp nghiêm trọng, các em có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra vấn đề giữa học sinh với gia đình cha mẹ nuôi thì ai sẽ giúp giải quyết?
Khi có vấn đề xảy ra thì những người giám sát là đại diện vùng, bang sẽ cùng với học sinh và gia đình cha mẹ nuôi giải quyết các vấn đề khó khăn và giúp cho mối liên hệ trở nên tốt hơn. Nếu không thể giải quyết được mâu thuẫn thì học sinh sẽ được sắp xếp nhà người dân bản địa khác đồng thời được tạo điều kiện để tham gia đầy đủ các hoạt động của nhà trường và cộng đồng.
Đây là học bổng toàn phần, vậy học sinh nhận học bổng sẽ hoàn toàn không phải đóng thêm bất kỳ chi phí nào chứ?
Học sinh khi tham gia chương trình giao lưu văn hóa sẽ không phải đóng học phí và chi phí ăn ở. Tuy nhiên, học sinh phải đóng những phụ phí như phí xin visa, phí SEVIS (dùng để theo dõi và giám sát dựa trên internet, có thể tiếp cận thông tin chính xác và hiện hành về sinh viên chưa nhập cư), chi tiêu cá nhân và phí chương trình dùng trong việc tìm gia đình cha mẹ nuôi phù hợp với học sinh, phí giám sát quá trình học của học sinh, phí bảo hiểm. Phí chương trình hiện nay là khoảng 10.900 USD.
Một năm học tại trường phổ thông công lập Mỹ sẽ cho các em nhiều trải nghiệm về môi trường học tập năng động. Phương pháp học tập ứng dụng, làm việc theo nhóm và thuyết trình sẽ giúp bạn hòa mình dễ dàng vào môi trường mới. Đặc biệt, kết quả học tập một năm tại trường trung học công lập sẽ giúp các em dễ xin học bổng vào các trường đại học lớn sau này.
Cảm ơn bà về những thông tin hữu ích trên.
Lê Tấn Đại – Cựu học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền, giành học bổng du học tại Trường Centerville Community High School, bang Iowa
Học kỳ giao lưu văn hóa vừa qua là một năm đầy ắp tiếng cười và nhiều kỷ niệm. Em may mắn được tiếp xúc với những người thú vị và thân thiện ở thị trấn Centerville, bang Iowa, được học hỏi nhiều về nét đẹp văn hóa của Mỹ. Sau một năm du học, em cảm thấy mình dường như trưởng thành hơn cũng như biết trân trọng những giá trị của cuộc sống hơn.
Cảm giác bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi vì em được sự yêu thương của gia đình bản địa cùng sự quan tâm của thầy cô. Nhờ sự ủng hộ của các bạn, em đã có cơ hội tham gia các tiết mục văn nghệ của trường như nhạc kịch, thể thao, tham gia các cuộc thi nói ở địa phương, toàn bang. Qua một năm, em lại có cơ hội trau dồi thêm tính tự lập, em thấy mình tự tin, mạnh dạn và quyết đoán hơn. Nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng em cũng thấy mình tự tin hơn.
Em cũng có dịp đi thăm Chicago, đúng như tên gọi “thiên đường của kiến trúc”. Những tòa cao ốc tráng lệ, những tuyệt tác nghệ thuật nơi đây càng thôi thúc em theo đuổi giấc mơ trở thành một kiến trúc sư. Nước Mỹ là nơi đề cao mọi ước mơ và xem sự nỗ lực là thứ vũ khí quan trọng để thành công. Em đã lên kế hoạch cho tương lai của mình một cách rõ ràng và bây giờ, em rất háo hức được quay trở lại Mỹ và hoàn thành kế hoạch đó.
Mai Phương Hằng – cựu học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, giành học bổng du học tại Trường Lehman High School, Bang Texas
Sau một năm học tại Mỹ, em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, ngoài việc được tiếp thu học tập theo kiểu Mỹ, em đã được sống cùng một gia đình mới rất vui và hạnh phúc. Tại trường, em được trải nghiệm một cách học mới hoàn toàn so với cách học tại Việt Nam, giáo viên khuyến khích học theo phương pháp thảo luận, tự đề ra cách giải quyết vấn đề và cùng thảo luận để chọn cách giải quyết tốt nhất. Em hầu như không gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp vì sự thân thiện của giáo viên và bạn bè trong trường.
Gia đình bản xứ có mẹ và một người em trai, bữa ăn hằng ngày của gia đình luôn nhiều tiếng cười vì em và cậu em trai thường hay tranh giành những món ăn ngon và mẹ luôn phải đứng ra hòa giải. Ngoài ra, em cũng được tham gia nhiều buổi vui chơi dã ngoại và họp mặt của các gia đình, bạn bè, người thân của mẹ. Mẹ và cậu em xem em như một thành viên trong gia đình nên mọi người đều rất buồn khi em kết thúc năm học. Ai cũng đều rất mong được gặp lại nhau sớm…
- Tường Lam