Tình hình Ukraina trở nên căng thẳng sau khi Thượng viện Nga nhất trí ủng hộ đề nghị của Tổng thống Putin về việc sử dụng quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraina để ổn định tình hình tại nước này theo yêu cầu của Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crimea Sergey Aksenov. Chủ tịch quốc hội Nga Valentina Matviyeco lưu ý rằng lý do để các thượng nghị sĩ đưa ra quyết định này chính là nguy cơ đe dọa cuộc sống và an toàn của đồng bào Nga ở Crimea.
Lực luợng vũ trang của Nga tại Crimea
Các đơn vị Nga đã có mặt tại Crimea từ trước khi yêu cầu này được quốc hội chấp thuận. Xe tăng và quân đội đã có mặt tại bán đảo có đông số người Nga sinh sống. Hiện tại, quân đội Nga đã chiếm bán đảo Crimea trong khi có khoảng 150 ngàn binh sĩ Nga đóng quân ở biên giới Nga – Ukraina.
Ngày 1-3, Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga thu rút quân đang triển khai tại vùng Crimea. Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khẳng định rằng Moscow vi phạm luật pháp quốc tế khi cho triển khai quân ở vùng Crimea.
Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Ba Lan cũng tỏ thái độ cứng rắn. Thậm chí một số quốc gia như Canada còn triệu đại sứ của mình tại Moscow về nước.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã điện đàm với nguyên thủ Nga và kêu gọi Moscow tiến hành đối thoại trực tiếp với Kiev.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận về tình hình Ukraina. Tại hội nghị, đại sứ Mỹ Samantha Power đã yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimea và đề nghị đưa quan sát viên Liên Hiệp Quốc tới đây. Thế nhưng, Hội đồng Bảo an không ra được một quyết định nào.
Cuộc họp này của Hội đồng Bảo an có mục đích là làm dịu tình hình cuộc khủng hoảng Ukraina. Thế nhưng, cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc họp, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã phải đấu tranh với Nga trong suốt hai tiếng đồng hồ để phiên họp có thể diễn ra công khai và đại sứ của Ukraina có thể tham dự và phát biểu.
Đại sứ Ukraina đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hành động xâm lược của Nga. Bị thúc ép trước nhiều câu hỏi, đại diện Nga không đưa ra lời giải thích về sự hiện diện của quân đội Nga tại vùng Crimea và cáo buộc châu Âu, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này do đã ủng hộ phe đối lập Ukraina.
Hoa Kỳ đề nghị gửi các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tới Crimea, thế nhưng Hội đồng Bảo an không ra một quyết định nào, vì Nga đe dọa phủ quyết.
Nhằm phối hợp lập trường ngăn chặn Nga can thiệp quân sự vào Ukraina, ngoại trưởng các thành viên Liên hiệp châu Âu đã họp khẩn cấp vào đầu tuần. Ngoại trưởng Hy Lạp, nước làm chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu và đồng nhiệm Anh quốc cũng đã tới Kiev để gặp các lãnh đạo mới của Ukraina.
Một trong những áp lực của phương Tây là cảnh báo về nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế trong đó có việc đóng băng tài sản, cấm vận thương mại và không cấp visa.
Trong khi đó, để làm dịu tình hình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabus kêu gọi tân chính phủ Ukraina phải chú ý tới thực tế của đất nước, nơi vốn có đông đảo cộng đồng người nói tiếng Nga và rất thân Nga.
Ông nói: “Chúng ta cần làm rõ và muốn mọi người chia sẻ nhận thức này. Không nên đặt vấn đề hoặc là Nga hoặc là châu Âu mà cần nhấn mạnh là đối với Ukraina, thì phải chú ý cả hai mặt, châu Âu và Nga. Chúng tôi ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraina, nhưng cần phải tôn trọng thực tế đa dạng của Ukraina”.
Cuộc khủng hoảng Ukraina đã khiến hơn hàng trăm ngàn người chạy sang Nga lánh nạn.
Lực lượng biên phòng Nga hôm nay, cho biết trong hai tháng qua đã có khoảng 675 ngàn người Ukraina vào Nga do tình hình chính trị bất ổn định. Nếu cuộc khủng hoảng chính trị tiếp tục sẽ có hàng trăm ngàn người Ukraina chạy vào Nga.
Theo thống đốc vùng Briansk, ở gần biên giới chung giữa hai nước, thì trong thời gian qua, có một làn sóng người Ukraina chạy sang Nga và muốn ở lại đây cho đến khi tình hình tại Ukraina trở lại bình thường.
Trong khi đó Ukraina cho biết đã cảnh báo chiến đấu cao nhất sau khi Thượng viện Nga thông qua quyết định cho Tổng thống Putin đổ quân vào Crimea.
Lực lượng quân đội Ukraina được đặt trong tình trạng báo động tối đa, các quân nhân giải ngũ có thể được động viên trở lại. Tổng thống lâm thời Olexandre Tourtinov loan báo việc tăng cường bảo vệ các nhà máy điện nguyên tử, các sân bay và những vị trí chiến lược. Đồng thời các nhà lãnh đạo mới của đất nước vẫn hy vọng tránh được kịch bản tệ hại nhất.
T.K