Lực lượng an ninh Iraq tuyên bố sẵn sàng phản công phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) sau khi Thủ tướng Maliki khẳng định Quốc hội đã phê chuẩn cho ông “quyền lực không giới hạn”.
Cả quân chính phủ lẫn các tay súng ISIL cuối tuần qua đều tăng cường lực lượng đến Samarra, thành phố nằm cách thủ đô Baghdad 110km về phía bắc. Giữa tuần trước, phiến quân đã tiến gần Muqdadiya, cách Baghdad chỉ khoảng 80km, trong khi giáo sĩ hàng đầu của dòng Hồi giáo Shiite – Ayatollah Ali al-Sistani – kêu gọi cầm súng bảo vệ thủ đô.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ xem xét hàng loạt cách thức giúp đỡ chính quyền Iraq song dứt khoát loại trừ việc đưa bộ binh Mỹ trở lại.
Phiến quân ISIL trên đường phố Mosul
Theo tổng thống Mỹ, chính quyền Hồi giáo Shiite của Thủ tướng Nuri al-Maliki đã không hàn gắn rạn nứt ở Iraq – nơi dân Hồi giáo Sunni chiếm đa số nhưng hầu như mất quyền tham gia chính trường kể từ khi cố Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ.
Có thể nói ISIL và chính quyền Washington có nhiều duyên nợ. ISIL nổi lên sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq. Bị Mỹ đẩy lùi vào năm 2006, ISIL trỗi dậy vào năm 2011, tiếp tục hướng đến mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo Sunni khắt khe.
Chính cuộc nội chiến Syria là đòn bẩy giúp ISIL tiếp cận vũ khí hạng nặng và xây dựng một khu vực trú ẩn an toàn. Trang Business Insider dẫn lời nhiều quan chức Mỹ cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã gián tiếp trợ lực cho ISIL bởi chính sách nhẹ tay đối với Syria.
ISIL đã chiếm Fallujah, cách Baghdad chưa đầy một giờ lái xe, suốt sáu tháng qua. Vòng tròn chiến tranh Iraq khép lại khi chỉ khoảng 800 tay súng ISIL đuổi hơn 30.000 binh lính Iraq ở thành phố lớn thứ hai Mosul bỏ chạy hồi đầu tuần qua. Khó có thể nói hết nỗi thất vọng của Washington, nhất là sau khi bỏ ra hơn 20 tỉ USD để đào tạo và trang bị cho khoảng 930.000 nhân viên an ninh Iraq, bao gồm 270.000 binh lính, trong gần 10 năm qua.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14-6 đánh tiếng sẵn sàng giúp đỡ Baghdad trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tuy ông Rouhani loại trừ việc gửi binh lính sang láng giềng nhưng nếu Teheran dính líu vào, chiến sựở Iraq có thể lan ra toàn khu vực.
Mối quan hệ chớm hàn gắn giữa Iran (theo Shiite) và Ả Rập Saudi (theo Sunni) cũng bị đẩy lại vào thế nghi kỵ.
Được lợi trong cuộc chiến này có thể là người Kurd theo dòng Sunni ở Đông Bắc Iraq. Họ đã nhanh chóng kiểm soát một số khu vực chiến lược như Saadiyah, Jalawla và đặc biệt là TP. Kirkuk với những mỏ dầu khổng lồ.
Đây được xem là lá bài khó đoán bởi với lực lượng thiện chiến vào khoảng 80.000 – 240.000 tay súng, người Kurd không nghe lệnh Baghdad song cũng có thể làm ISIL mệt mỏi.
Tình hình vùng Vịnh đang trở nên căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ra lệnh cho tàu sân bay USS George HW Bush chở hàng chục máy bay chiến đấu di chuyển đến phía bắc biển Ả Rập. Đến lúc này, phiến quân đã chiếm được một số thành phố và đang siết chặt vòng vây quanh thủ đô Baghdad.
Lực lượng an ninh Iraq, ngày càng được các chiến binh Shia và người Kurd tăng viện, đang cố gắng có chỗ đứng ở các tỉnh Salahaddin và Diyala nằm về phía bắc Baghdad.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các lãnh đạo chính trị Iraq hãy dẹp qua những khác biệt để cùng nhau đẩy lùi cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.
Ông kêu gọi Iraq phê chuẩn kết quả bầu cử mới đây không trì hoãn và tuân thủ lộ trình thành lập chính phủ mới theo Hiến pháp.
N. Nam