Cải cách bộ máy hành chính đi đôi với việc tinh giản biên chế là đề tài được dư luận nói đến liên tục, thế nhưng thực tế lại cho những con số ngược chiều.
Thông tin tại hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức tuần qua cho thấy trong năm 2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị vượt 8.743 người so với số được giao.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, ban tổ chức Trung ương – cho biết năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.685.961 người, năm 2016 các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người, vượt 8.743 người.
Nguyên nhân, theo ông Tùng là do tâm lý ngại va chạm nên các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế.
Việc bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”. Cùng với đó là thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ…
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế còn buông lỏng và chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh.
Thông tin từ Bộ Nội vụ cho thấy, đến nay đã có 20 bộ gửi hồ sơ về xin thẩm định, trong đó đều đề xuất tăng biên chế và đội ngũ, chỉ có hai Bộ Công thương và Nội vụ là giảm, trong đó Bộ Công thương xin giảm hẳn một tổng cục xuống thành cục.
Điều đáng nói là các địa phương cũng xin tăng, trong đó nhiều nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Một thực tế khiến việc tinh giản biên chế khó khăn là trong nhiều thập niên qua, việc cho phép thành lập, xác định tên đơn vị vụ, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các vụ là một sự dễ dãi. Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu lại theo hướng tăng thêm, chia nhỏ chức năng. Cá biệt, có vị lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới… oai.
Theo ông Sơn, tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm đang khá phổ biến. Xu hướng chung là ở các cục, mỗi khi có dịp đều tìm lý do để đôn lên thành tổng cục để bao quát, quản lý, chi phối nhiều đầu mối, nhiều cơ sở, doanh nghiệp thuộc quyền để dễ bề kiếm lợi, thậm chí tham nhũng.
Mặt khác, các bộ, cơ quan ngang bộ còn chưa thực hiện tách bạch giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và các tổ chức sự nghiệp công.
Vì vậy, thực tế các bộ còn dành bộ máy khá lớn để thực hiện quyền sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Như thế thì khó tinh giản được bộ máy Chính phủ theo yêu cầu cải cách.
Tại hội thảo có ý kiến cho rằng: “Trước đây và hiện nay vẫn tồn tại ở không ít đơn vị cấp cục, tổng cục là dựng lên thủ tục hành chính, dựng lên quyền hành để đặt chuẩn, để kiểm tra, cấp phép, qua đó mà hành doanh nghiệp, hành cơ sở, hành dân để kiếm lợi”.
Cải cách hành chính của chúng ta cũng đang ghi nhận một thực trạng nghịch lý là trong khi bộ máy Chính phủ đã thu gọn đáng kể, từ 32 bộ hồi Khóa 8 (1987-1992) đến nay còn 22 bộ và cơ quan ngang bộ, thì tổ chức bên trong các bộ lại phình ra, làm cho việc sắp xếp, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu.
Mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt tinh giản biên chế, tuy nhiên tất cả các đợt đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách.
Dưới góc độ lý thuyết, ý kiến của các vị đại biểu về giải pháp, biện pháp cải cách đều đúng cả.Nhưng từ góc độ thực tiễn thì rất khó khả thi.Đây chính là một trong những đặc trưng của hệ thống chính trị – hành chính Việt Nam.
Nhiều giải pháp đưa ra rất đúng, rất phù hợp, nhưng lại không triển khai được. Làm thế nào để bộ máy nhà nước gọn lại cho phù hợp với chủ trương, Nhà nước chỉ tổ chức cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân chưa làm được hoặc không muốn làm.
Trong một diễn biến khác liên quan đến chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Chỉ được chi trong giới hạn dự toán chi ngân sách. Đồng thời cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước ở từng ngành, địa phương và đơn vị cơ sở, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên và bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo chiếm khoảng 25 – 26% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính tổ chức thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016-2020 theo hướng tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục tái cơ cấu nợ công, tăng dần tỷ trọng cho vay lại trong cơ cấu vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm và kiểm soát chặt chẽ vay nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó cần kiểm soát nợ trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội và kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng đề án phát triển cân bằng và toàn diện thị trường tài chính, bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường vốn cổ phiếu và trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp); giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, nguồn lực công bảo đảm tiếp tục quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội.
- Gia Minh
Xem thêm: