Khảm trai, sơn mài… hai nghề truyền thống Việt tồn tại cả ngàn năm, khi kết hợp vào lĩnh vực hội họa, cả hai tự tôn nhau lên, làm nền cho nhau cùng tỏa sáng, bằng ngôn ngữ thể hiện mới của Nguyễn Xuân Lục – họa sĩ sơn mài, xuất thân từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ.
Ứng dụng vẻ đẹp của sác (ốc trai), ốc cừ, cửu khổng (bào ngư) vào sơn mài, không phải là mới. Hàn Quốc, Nhật Bản đã phối hợp hai chất liệu này tạo nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Trong hội họa Việt, đưa trai, ốc vào sơn mài, cũng nhiều người làm. Nhưng cả hai vẻ đẹp sáng bóng, long lanh trên vân ốc với thẳm sâu, trầm lắng của sơn mài truyền thống, vẫn chỉ dừng lại ở tính thủ công mỹ nghệ và sản phẩm hơn là tác phẩm nghệ thuật. Trong khi nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam, từ những năm 1930 đã chú trọng vào sáng tác hội họa, nhưng hiếm họa sĩ mạnh dạn lấy vẻ đẹp của xà cừ, trai, ốc làm ngôn ngữ chủ đạo.
Sơn và khảm
Hai nghề tách biệt, không liên quan nhau cả về kỹ thuật, chất liệu, cách thể hiện, nhưng khi phối với nhau lại tạo hiệu ứng đặc biệt, ấy là hội họa sơn mài với chất liệu sơn ta truyền thống cùng những đường nét, sắc màu tự nhiên vỏ ốc trong nghề khảm trai. Trong giới nghệ thuật, sáng tác tranh sơn mài, người kết hợp thuần thục và sử dụng kỹ thuật hai chất liệu sơn – khảm này là họa sĩ trẻ đương đại Nguyễn Xuân Lục.
Nguyễn Xuân Lục sinh ra và lớn lên ở làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội. Theo nghề từ năm 13 tuổi, khi vào đại học, Lục chọn ngành sơn mài, đơn giản chỉ vì: “Sau này khi tốt nghiệp, tôi sẽ về lại làng, gây dựng xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ, kết hợp hai nghề truyền thống là sơn mài và khảm trai. Ở quê nhà lúc ấy, nghề khảm trai của làng, còn nghề sơn mài lại ở làng bên. Hai nghề này công việc, cách thực hiện, mọi kỹ thuật khác hẳn nhau. Khi vào học sơn mài, ý định không phải để vẽ tranh, mà mục đích sau này có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ khác những gì thị trường đang có”.
Từ sản xuất sản phẩm thủ công, khi kết hợp kỹ thuật của nghề khảm ốc vào hội họa, Nguyễn Xuân Lục phát hiện nghịch lý: “Bắt đầu vẽ sơn mài, tôi sử dụng nhiều kỹ thuật khảm trai ốc. Tôi nghĩ đơn giản các hiệu ứng vỏ trai ốc sẽ rất hay và lạ vì có nhiều ánh sáng phản quang, ánh vân xà cừ bắt mắt. Nhưng càng sử dụng, tôi càng thấy mặt hạn chế của chất liệu này. Do vỏ trai ốc cứng về cơ học nên khó điều khiển mềm mại như vỏ trứng, cứng về thị giác vì ánh sáng mạnh và khó ăn nhập vào tương quan của sơn mài. Do vậy càng về sau, tôi rất hạn chế – thậm chí có lúc từ bỏ hẳn – việc sử dụng nguyên liệu này”.
Có dịp tiếp cận các tác phẩm sơn mài của Nguyễn Xuân Lục trong những năm gần đây ở các triển lãm tại Hà Nội, ở Cao Hùng – Đài Loan, có thể thấy trong “không gian” sáng tác, những đường nét của kỹ thuật khảm trai, ốc trong tranh, chỉ còn lại là những chấm vụn lấp lánh, ánh xanh, gam màu đặc trưng của ốc cửu khổng – như những vì sao trong dải ngân hà (thuộc bộ tranh Bụi – ra mắt 2019).
Định hình ngôn ngữ sáng tác ở đề tài Bụi, Nguyễn Xuân Lục tiếp tục biến chuyển với những khám phá mới về chất liệu: “Tôi khai thác những khía cạnh, sắc thái khác, đó không phải là đề tài, mà chuyên sâu vào chất liệu không được sử dụng phổ biến trong sơn mài là kỹ thuật khảm trai ốc. Điều tôi muốn thể nghiệm là đưa kỹ thuật khảm vào các bức tranh như một chất liệu chính”.
Hiệu ứng của cảm xúc
Nói về nghề khảm trai truyền thống của làng Chuôn Ngọ, Nguyễn Xuân Lục giới thiệu: “Theo chứng tích còn lưu lại trong ngôi miếu cổ thờ tổ nghề và gia phả thành hoàng làng, nghề khảm trai Chuôn Ngọ được võ tướng Trương Công Thành thời Lý gây dựng. Làng nghề vẫn còn được duy trì và hoạt động đến nay”.
“Tôi coi việc triển lãm và công bố các tác phẩm mới, ngôn ngữ sáng tác mới luôn là việc cần làm của người nghệ sĩ nghiêm túc và hướng tới việc đi đường dài trên con đường sáng tạo”.
HỌA SĨ NGUYỄN XUÂN LỤC
Điểm bất lợi, cứ hễ thấy chất liệu trai, ốc, rất dễ gợi ngay về sản phẩm mỹ nghệ chứ không phải là tác phẩm. Lấy vẻ long lanh, lấp lánh của trai, ốc làm trang trí, lại đẹp và dễ dàng, nhưng chuyển vẻ đẹp ấy vào hội họa, là điều không đơn giản.
Thế nhưng nếu quan sát trong vẻ đẹp của trai, ốc, mỗi chủng loại lại có những gam màu lạ biệt. Ốc sác (ốc cấy ngọc trai) có sắc trắng ngà, ánh sắc ít biến chuyển. Ốc xà cừ sáng tươi, có mảng ngả đỏ. Cửu khổng lại mang màu xanh biếc, có nét vân lượn rất huyền bí, có đoạn xanh ngả tím. Tính ra, với những gam màu ấy, nhìn ở tổng thể, có gì đó giống với các mảng màu của sơn mài. Khi thể hiện sơn lên mặt vóc, toát sơn, cũng sẽ để lại những tầng tầng, lớp lớp, sâu thẳm, ảo diệu như thế.
Trở lại với chất liệu trai, ốc cùng kỹ thuật khảm xà cừ lần này, Nguyễn Xuân Lục tiết lộ: “Thể hiện khảm ốc lên nền sơn mài, tôi coi đó là sự chuyển biến, khám phá những tiềm năng sẵn có của bản thân để tìm cảm hứng và hướng đi tiếp trong giai đoạn mới”.
Đánh dấu cái mới, Nguyễn Xuân Lục ra mắt một triển lãm, tên giản đơn chỉ là Sơn (cách gọi tắt chất liệu sơn ta trong sáng tác của Lục – PV). Họa sĩ cho biết: “Giới thiệu tác phẩm đến triển lãm Sơn, tôi không chọn hướng đi theo một câu chuyện, một đề tài chính nào cả, mà đang tìm tòi nhiều hướng thể hiện khác nhau trong các đề tài khác nhau, để tìm hiệu ứng cảm xúc của chất liệu mang lại trong sáng tác”.
Với kỹ thuật thuận tay của người làng nghề, Nguyễn Xuân Lục thật thành công với “ngôn ngữ” sáng tác mới, đẩy kỹ thuật khảm ốc thoát khỏi khái niệm hàng thủ công mỹ nghệ, để trở thành một chất liệu xứng tầm cho hai lĩnh vực đắt giá nhất trong hội họa là sơn mài và khảm trai.