Trong triển lãm cá nhân đầu tay của mình đang diễn ra tại gallery Craig Thomas (47i Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Q.1, TP.HCM, từ 3-10 đến 3-11-2014), họa sĩ Nguyễn Quang Sơn đã có những thể nghiệm mới rất đáng chú ý với chất liệu sơn mài truyền thống.
Như tên gọi, phòng tranh sơn mài “Đen – Trắng” của Nguyễn Quang Sơn (sinh năm 1971) thoạt nhìn chỉ có hai sắc chủ đạo là đen và trắng: trắng của vỏ ốc xà cừ và đen của sơn then trên tấm vóc. Song nhìn kỹ thì sắc trắng xà cừ lóng lánh nhiều màu tự nhiên của hàng ngàn, hàng vạn mảnh vỏ ốc biển li ti đã được mài nhẵn, đánh bóng cẩn trên mặt vóc theo những đề tài tranh hầu như ít gặp với loại hình hội họa này. Những Vuä trụ, Chuyển động, Ánh sáng, Biển, Tâm sáng…, rồi Đất, Nước, Lửa, Sóng, Gió… được Nguyễn Quang Sơn “nói” bằng ngôn ngữ trừu tượng thật kiệm lời mà đa nghĩa và tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ bởi sự chuyển động được tác giả tạo trên mặt tranh. Dễ nhận thấy vỏ ốc xà cừ thật thích hợp với màu nền sậm, tối của tranh vì bản thân nó đã đầy màu sắc.
Thoát khỏi những đề tài quen thuộc của sơn mài “cổ điển”, cũng như không diễn đạt hình khối và màu sắc như trong tranh sơn mài trừu tượng mà nhiều họa sĩ đã vẽ, Nguyễn Quang Sơn tìm hướng đi riêng của anh qua triển lãm này. Làm được điều đó trước hết là nhờ anh sinh ra và lớn lên ở “làng sơn mài” Bình Dương, một trung tâm lớn của tranh sơn mài miền Nam đã có lịch sử hơn 300 năm; kế đến anh đã trải qua những năm tháng được đào tạo chính quy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (tốt nghiệp năm 1998) để có được những căn bản cần thiết cho sự đi xa về mặt nghệ thuật. “Tôi sinh trưởng trong một gia đình gắn bó với nghề sơn mài, nên sự thực hành mỹ thuật của tôi cũng gắn bó với sơn mài một cách tự nhiên. Bản thân tôi biết và hiểu chất liệu đặc biệt này và nó hấp dẫn tôi hơn những chất liệu sáng tác khác”, Quang Sơn nói.
Người con của làng nghề sơn mài Bình Dương đã chọn chất liệu cũng đã gắn bó với sản phẩm sơn mài của làng nghề này lâu nay là vỏ ốc xà cừ. Cẩn (hay khảm) xà cừ là một nghề thủ công lâu đời của người Việt, đã phát triển từ lâu nhờ Việt Nam có bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam nên nguồn nguyên liệu ốc biển xà cừ rất dồi dào. Ông tổ nghề khảm trai, khảm xà cừ là một vị tướng của triều Đinh và sau đó là triều Lê, từng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng kinh đô Hoa Lư. Từ miền Bắc, nghề khảm xà cừ theo chân những người Nam tiến vào lập nghiệp ở phương Nam. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi lại rằng nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, theo bước chân di dân từ miền Trung, miền Bắc vào vùng đất mới.
Cẩn xà cừ lên mặt tranh hay sản phẩm mỹ nghệ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công phu. Những mảnh li ti được cắt ra từ vỏ ốc, đem ngâm nước rồi hơ nóng để uốn phẳng, trước khi cẩn phải khoét lõm mặt tranh hay sản phẩm để có thể gắn những mảnh vỏ vào bằng sơn ta. Rồi mài, đánh bóng nhiều phen đến khi “lên nước” bóng loáng. Xem tranh Nguyễn Quang Sơn, dễ nhận ra tay nghề điêu luyện của tác giả trong toàn bộ quy trình làm tranh sơn mài, đơn giản bởi họa sĩ còn làm chủ một xưởng sản xuất ở Bình Dương, nơi cung cấp các vật liệu cho các đồng nghiệp cũng làm tranh sơn mài như anh.
- Diên Vỹ