Visa, gọi nôm na là thị thực khi nhập cảnh vào các nước. Dù chưa có văn bản xác nhận nhưng trong thực tế ai cũng thấy rằng đó là thước đo uy tín và sự tin cậy của các quốc gia. Thông thường, khách vào nhà ai đều phải xin phép và chủ nhà có quyền từ chối, nếu không thích hoặc thấy bất tiện. Khách phải có uy tín và tin cậy cỡ nào mới được vào nhà mà không cần xin phép, nghĩa là được miễn visa. Điều thú vị là không phải hễ cường quốc thì được mọi người tin cậy, có thể vào nhà thiên hạ thoải mái.
Thế giới có 219 nước và vùng lãnh thổ. 10 nước được miễn visa nhiều nhất thì chín nước thuộc châu Âu gồm có Anh, Phần Lan, Thụy Điển được miễn thị thực 173 nước. Tiếp theo là Đan Mạch, Đức, Mỹ, Luxemburg 172 nước. Ý, Hà Lan, Bỉ 171 nước. Quốc gia đứng đầu châu Á là Nhật Bản cùng với Canada, Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland được miễn thị thực 170 nước. Đảo quốc Singapore dẫn đầu ASEAN và xếp thứ 2 châu Á cùng với Úc, Hy Lạp 167 nước. Hàn Quốc 166 nước, Malaysia 163, Brunei 146 nước…
Người xưa thường căn dặn “Đói cho sạch, rách cho thơm” hoặc “Giấy rách phải giữ lấy lề” tuy nhiên nghèo khó thường nảy sinh nhiều tệ nạn. Nghèo trước hết là do quản lý kém, quản lý kém nên tham nhũng, thiếu minh bạch; hậu quả là xã hội đảo điên và tệ nạn phát sinh. Nước giàu cũng có tệ nạn nhưng nhờ quản lý tốt và pháp luật nghiêm minh nên hạn chế được. Không thể nói dân nước giàu tốt hơn dân nước nghèo nhưng nhờ dân trí và quản lý, người dân nước giàu biết sợ pháp luật và tự giác hơn. Đói nghèo và luật pháp không nghiêm, xã hội bất công là nguyên nhân chính dẫn đến các tệ nạn xã hội. Công dân các nước nghèo và trật tự xã hội kém thì khó mà xin được visa chứ đừng mơ chuyện miễn thị thực. Các nước càng phát triển, xã hội càng ổn định thì công dân xứ họ càng được nhiều nước miễn thị thực.
Mỗi nước đều có chính sách miễn thị thực theo quan điểm của từng chính phủ. Nước nào cũng có “danh sách đen” những nước phải hạn chế nhập cảnh bằng các điều kiện cụ thể. Đó là cách nói lịch sự, còn nói thẳng là cấm nhập cảnh. Bởi vì công dân các nước trong “danh sách đen” thường tìm cách trốn ở lại, nhập cư bất hợp pháp để lao động chui, kết bè lập bọn, gây rối trật tự; tạo thêm gánh nặng xã hội. Đa phần những nước nghèo có truyền thống nhập cư lậu. Nghèo như Campuchia nhưng vẫn có tên chín nước bị hạn chế nhập cảnh. Việt Nam nằm trong danh sách cấm nhập cảnh khá nhiều nước. Có điều các nước họ kín tiếng và dùng ngôn từ lịch sự. Người Thái có vẻ thật thà, trương “bảng phong thần” các nước bị hạn chế, trong đó có Việt Nam. Thế là dân mình tự ái, phản đối ầm ĩ, đòi tẩy chay du lịch Thái. Cuối cùng Bộ Ngoại giao Thái phải gỡ bảng nhưng người Việt đi du lịch lẻ vẫn bị làm khó dễ. Cái này là tại dân mình. Nhiều nước còn quy định những điều kiện khó gấp mấy lần nhưng cách làm tế nhị hơn nên không bị phản ứng, dù ai cũng thấy nhục, nhất là những nước và lãnh thổ ngày xưa thua kém mình như Hàn Quốc, Đài Loan… Ngược với thiên hạ, Việt Nam hào hiệp mở cửa đón khách. Hậu quả của chính sách thông thoáng visa là TP. Hồ Chí Minh có hơn 4.000 công dân các nước nhập cư trái phép, làm đủ thứ nghề, kể cả trái với đạo lý Việt Nam và phạm pháp, tạo thêm gánh nặng xã hội không đáng có.
Việt Nam xếp hạng 81 các nước được miễn thị thực nhưng chỉ đứng trên 31 quốc gia vì có nhiều nước đồng hạng. Trong ASEAN, Việt Nam xếp gần cuối bảng với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn visa; thua cả Lào 46 nước, Campuchia 47 nước. Chỉ hơn Myanmar, do mấy chục năm “bế quan tỏa cảng” nên chỉ được 40 nước. Điều ngạc nhiên là Trung Quốc, xếp thứ hai thế giới, trên cả Nhật Bản về cường quốc kinh tế, nhưng thu nhập đầu người thì kém Nhật Bản gần chục lần. Du lịch Trung Quốc xếp theo lượng khách đứng thứ ba thế giới, sau Pháp và Mỹ nhưng doanh thu du lịch thì kém xa. Xếp theo tỷ lệ dân số thì 28 người dân Trung Quốc mới đón được một khách du lịch. Tỷ lệ này ở Việt Nam là 13/1; Campuchia là 3,5/1; Lào là 2/1; Malaysia là 1/1; Sigapore là 0,27/1. Trung Quốc cũng là nước có công dân xuất ngoại nhiều nhất thế giới. Dù đã tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi và cả mua chuộc bằng viện trợ nhưng chỉ được 44 nước miễn visa, xếp sau cả Việt Nam, Lào, Campuchia. Quốc gia được miễn thị thực ít nhất là Afghanistan 28 nước; tiếp theo là Iraq 31 nước; Somali và Pakistan cùng 32 nước. Điều lạ là các quốc gia trước đây trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và cả mấy nước hiện nay cùng ý thức hệ gần như không miễn thị thực cho Việt Nam hoặc miễn visa cho nhau. Người Việt hiện nay, xin thị thực vào Nga là khó chịu và đắt nhất, hơn cả visa đi Mỹ. Những quốc gia miễn thị thực cho Việt Nam, trừ các nước ASEAN, còn lại đa phần là các quốc gia xếp cuối bảng.
Khái niệm miễn thị thực theo bảng xếp loại trên bao gồm cả hộ chiếu công vụ (HCCV), hộ chiếu ngoại giao (HCNG) và hộ chiếu phổ thông (HCPT). Nếu miễn visa cho HVCV và HCNG thể hiện sự hội nhập và uy tín nhà nước thì miễn thị thực cho HCPT đánh giá mức độ tin cậy của cộng đồng thế giới với người dân mỗi nước. Trong số 45 nước miễn thị thực cho Việt Nam, chỉ có 13 nước là miễn cho HCPT. Việt Nam cũng đang miễn thị thực cho 79 nước. Hiện nay, theo hiệp định miễn thị thực ASEAN, Việt Nam miễn visa cho HCPT chín nước và ngược lại. Để khuyến khích du lịch, Việt Nam cũng đang miễn thị thực cho HCPT đơn phương cho các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga. Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch cũng đang kiến nghị mở rộng diện miễn thị thực cho HCPT các nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, New Zealand, Canada, Úc, Ấn Độ.
Theo thiển ý, cần mạnh dạn miễn thị thực cho HCPT của Việt kiều (hiện đang phải xin miễn trong năm năm mỗi lần) và công dân các nước có lượng khách du lịch vào Việt Nam nhiều như Mỹ, Trung Quốc… Không thể nại lý do thất thu vì đối với khách từ Âu – Mỹ, số tiền làm visa chỉ chiếm 1 – 2% giá tour. Có thể cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an thất thu nhưng đất nước sẽ bội thu, không chỉ tiền mặt mà còn nhiều thứ khác. Đây là chiến lược khuyến mãi, thả tép bắt tôm, cạnh tranh với các nước trong khu vực. Với khách Trung Quốc chỉ nên miễn cho đường bay vì chi phí tour cao hơn. Khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ hiểu Việt Nam không giống những gì họ đang bị tuyên truyền.
Hãy mở lòng mình trước khi muốn người khác mở lòng. Bên cạnh đó cần siết lại điều kiện nhập cảnh Việt Nam của những nước mà an ninh xã hội kém ổn định. Về phần mình, phải hợp lực xây dựng nền kinh tế vững mạnh, an ninh trật tự xã hội tốt, mới có uy tín quốc tế, được thêm nhiều nước miễn thị thực, cải thiện hình ảnh của người Việt trong mắt thiên hạ.
Miễn thị thực Việt Nam
Các trường hợp sau được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam:
- Công dân mang hộ chiếu các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Lào được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 30 ngày.
- Công dân mang hộ chiếu Philippines được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 21 ngày.
- Công dân mang hộ chiếu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày.
- Công dân mang hộ chiếu Brunei được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 14 ngày.
- Công dân Pháp mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị được miễn thị thực Việt Nam và được lưu trú một lần liên tục hoặc lưu trú nhiều lần với tổng thời gian các lần lưu trú không được quá 90 ngày trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày nhập cảnh lần đầu.
- Công dân Chilê mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 90 ngày.
- Những người mang thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC) thuộc các quốc gia thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn cư trú không quá 60 ngày.
- Đối với những du khách tới đảo Phú Quốc – Việt Nam: Người nước ngoài và công dân Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài vào Việt Nam qua một cửa khẩu quốc tế và sau đó du lịch tới đảo Phú Quốc và lưu lại đó dưới 15 ngày sẽ được miễn thị thực Việt Nam. Hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất là 45 ngày. Sau khi đến Phú Quốc, nếu du khách muốn đi thăm các địa phương khác hoặc lưu lại tại hòn đảo này trên 15 ngày, Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thị thực Việt Nam cho du khách ngay tại Phú Quốc.
Xếp hạng miễn thị thực của ASEAN
1. Singapore 167
2. Malaysia 163
3. Brunei 146
4. Thái Lan 68
5. Philippines 58
6. Indonesia 53
7. Timor Leste 47
8. Campuchia 47
9. Lào 46
10. Việt Nam 45
11. Myanmar 40
13 nước miễn visa cho HCPT Việt Nam:
– 9 nước ASEAN, trừ Đông Timor
– 3 nước Trung Mỹ là Ecuador, Dominica, Panama
– 1 nước Trung Á là Kyrgyzstan.
Ba nước chỉ miễn visa HCNG Việt Nam:
– Pháp, Brazil, Iran.
29 nước miễn visa cho HCCV và HCNG Việt Nam:
– 5 nước châu Mỹ: Nicaragoa, Cuba, Argentina, Mexico, Chilê
– 12 nước châu Á: Mông Cổ, Afghanistan, Ấn Độ, Iraq, Đông Timor, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Srilanka, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc
– 2 nước châu Phi: Algieri, Maroc
– 10 nước châu Âu: Rumani, Anbani, Belarus, Bulgaria, Hungary, Mondova, Nga, Slovakia, Yogosslavia, Ukraina.