Theo nhiều chuyên gia tâm lý, chính phản ứng và thái độ không hợp lý của người lớn trước những lời nói dối của trẻ mới làm nhân cách trẻ méo mó hơn là bản thân việc chúng nói dối…
Mặc dù ai cũng cho rằng nói dối là một điều không tốt, thật ra chính động cơ nói dối mới quyết định tính chất của nó. Đối với trẻ, động cơ nói dối hoàn toàn không có gì to tát. Vì vậy, ở một chừng mực nào đó, có thể nói việc nói dối của trẻ là vô hại và rất dễ nhận biết nhờ những biểu hiện “khác thường” như nét mặt thay đổi, giọng nói nhỏ và thấp, cố tình lặp lại nhiều lần để mong người khác tin… Nhìn chung, trẻ nói dối đơn giản chỉ vì những lý do chủ yếu sau đây:
Mau quên: Trẻ khó mà nhớ một chuyện gì đó lâu được vì não của chúng chưa phát triển một cách hoàn thiện. Chẳng hạn, tuần trước con bạn đã mượn một vài đồ chơi của một đứa trẻ khác, đến khi phải trả lại thì con bạn nói là không mượn… Đây là vấn đề quên chứ không phải là vấn đề “gian trá”.
Sợ hãi: Khi con bạn quả quyết rằng mình không làm bể chiếc bình quý mà bạn yêu thích dù bạn biết chắc chắn đó là sự thật cũng không có nghĩa là chúng cố tình nói dối bạn, đơn giản chỉ vì chúng cảm thấy sợ và mong muốn điều tồi tệ đó không nên xảy ra. Hoặc khi con bạn đạt điểm thấp ở trường nhưng lại nói dối bạn là đạt điểm giỏi cũng nằm trong ý nghĩa tương tự.
Trí tưởng tượng phong phú: Mặc dù trí tưởng tượng của trẻ có phần ngây ngô nhưng bù lại rất phong phú. Chúng cho rằng những gì mình đang “thêu dệt” trong đầu là đúng với thực tế và không ngần ngại “nói mưa nói gió” với bạn. Có thể xem đó là một biểu hiện của tiến trình phát triển trí não của bé. Bạn không nên giận dữ hay lo lắng thái quá.
Thích được người lớn khen ngợi: Có khi nào con bạn ngây thơ nói quá về khả năng hay năng khiếu của mình không? Đừng lo lắng, đơn giản chỉ vì chúng thích được khen ngợi và mong muốn bạn có ấn tượng thật tốt về chúng mà thôi.
Mong muốn được quan tâm: Tâm lý trẻ rất sợ cha mẹ bỏ rơi hoặc không quan tâm, gần gũi nên chúng thường “phịa” ra những điều không có thực mà theo chúng, qua đó bạn sẽ quan tâm đến chúng hơn hoặc chí ít cũng được bạn hưởng ứng trò chuyện về những đề tài “hấp dẫn” mà chúng đã nghĩ ra.
Thích được như người lớn: Trong con mắt của trẻ, khả năng của người lớn về mọi thứ là rất phi thường. Chúng luôn ao ước có thể làm được những việc của người lớn. Tuy nhiên, thực tế là chúng không thể, vì thế chúng sẽ tìm mọi cách để “nổ” về năng lực của mình.
Bắt chước: Lý do cuối cùng của việc trẻ nói dối là vì chúng bắt chước bạn bè hoặc những người thân trong gia đình.
Mặc dù việc trẻ nói dối vô hại và là một biểu hiện bình thường mà bất kỳ trẻ nào cũng có, nhưng nếu để lâu có thể làm trẻ “quen miệng” và ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của chúng sau này, nhất là khi người lớn hưởng ứng bằng một thái độ không đúng đắn. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia tâm lý, chính phản ứng và thái độ không hợp lý của người lớn trước những lời nói dối của trẻ mới làm nhân cách trẻ méo mó hơn là bản thân việc nói dối của chúng. Vậy thì thái độ thế nào là đúng đắn nhất?
Không nên la mắng, trừng phạt hoặc hăm dọa mà nên nhỏ nhẹ giải thích cho bé biết điều đó là không tốt. Không nên lấy việc nói dối của trẻ ra làm đề tài tiếu lâm để mọi người cùng “cười thỏa thích” vì trẻ sẽ nghĩ rằng việc nói dối của mình là hữu ích và cứ thế phát huy.
- Xem thêm: Để hiểu con hơn…
Không nên “đả kích” việc nói dối của trẻ thái quá vì rất có thể sẽ làm tổn thương đến tâm lý của chúng… Tuy nhiên, dù với thái độ nào chăng nữa thì điều quan trọng nhất mà bạn nên làm là luôn xoáy vào mục đích giáo dục trẻ bài học vỡ lòng về đức tính trung thực. Ở độ tuổi của trẻ, bạn không cần và cũng không nên dùng những bài học quá “triết lý” mà nên dùng những câu chuyện cổ tích dễ hiểu hay những ví dụ đơn giản, cụ thể để nói về tính trung thực với trẻ.
Thêm một cách giáo dục trẻ tránh nói dối khác là bạn nên “phá tan” nỗi ám ảnh sợ hãi (khi trẻ làm điều gì đó sai) hoặc sợ không được quan tâm, bằng cách giải thích cho trẻ biết bạn luôn yêu thương chúng cho dù chúng có làm gì sai đi chăng nữa nhưng phải trung thực thừa nhận (như trường hợp làm bể chiếc bình quý nói trên). Và cuối cùng, một môi trường sống lành mạnh là điều không thể thiếu cho sự phát triển hoàn thiện nhân cách của trẻ.