Hội nhập mang đến cơ hội để hàng hóa Việt Nam xâm nhập các thị trường khu vực và quốc tế, thế nhưng cũng là thách thức không nhỏ khi hàng hóa nước ngoài tràn vào nước ta mà doanh nghiệp Việt vẫn chưa đủ lớn và đang chật vật trong cuộc chiến bảo vệ thị phần.
Câu chuyện hàng Thái, hàng Nhật… thông qua kênh bán lẻ hiện đại bắt đầu chiếm lĩnh thị trường và đe dọa ngành sản xuất trong nước đang đặt các nhà quản lý nhà nước trước những lựa chọn. Hoặc đổi mới chính sách để thúc đẩy ngành bán lẻ trong nước lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài; hoặc tiếp tục lối tư duy kiểu cũ, đẩy doanh nghiệp vào thế tự bơi với muôn vàn khó khăn… sẽ là lời giải cho tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam.
Lỗi do chính sách, doanh nghiệp thua trên sân nhà
Như một xu thế tất yếu của hội nhập, làn sóng M&A (mua bán-sáp nhập) diễn ra mạnh mẽ trong ngành bán lẻ nước ta từ cuối năm 2015. Các thương hiệu nước ngoài sau khi lớn mạnh tại thị trường nước sở tại đã nhanh chóng vươn sức ảnh hưởng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam bằng hàng loạt thương vụ M&A. Năm 2015, các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước như Fivimart, Family Mart… nhanh chóng về tay các doanh nghiệp ngoại. Thế nhưng, câu chuyện của ngành bán lẻ chỉ thật sự bi đát khi hệ thống Big C với hơn 30 siêu thị về tay người Thái. Lúc này, người ta mới giật mình khi đối trọng giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước với nước ngoài chỉ còn những tên tuổi lớn như Saigon Co.op, Vingroup… để so sánh với BigC, Lotte Mart, Aeon Mall… Lo ngại mất thị trường bán lẻ rõ rệt hơn bao giờ hết, mà hệ lụy của nó không chỉảnh hưởng đến ngành này mà còn là tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước và sinh kế của hàng triệu người lao động.
Trong bài trình bày tại hội thảo Ngành bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức diễn ra ngày 10-6-2016 vừa qua tại TP.HCM, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ& Nhượng quyền châu Á (Retail & Franchise Asia) cho rằng doanh nghiệp Việt Nam khó mà có các bước chuẩn bị và xây dựng chiến lược dài hạn để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài khi chưa có sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô bền vững. Bà cho rằng, trong khi các doanh nghiệp Thái có sự hậu thuẫn vững chắc từ các chính sách vĩ mô để phát triển tại thị trường trong nước và bài bản xâm nhập thị trường nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bị động.
Nói về cuộc xâm nhập của người Thái vào thị trường Việt, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết, nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp Việt có muốn chuẩn bị cũng rất khó vì có rất nhiều cản trở, bị trói chân trói tay. Ông lấy ví dụ về trường hợp của Saigon Co.op trong cuộc cạnh tranh với tập đoàn Thái Lan để mua lại Big C. Thực tế, dù Co.op là đối trọng khá cân bằng trong cuộc cạnh tranh, thế như họ đành chấp nhận thua vì… cơ chế. Theo quy định, doanh nghiệp Việt Nam muốn mua lại doanh nghiệp khác đang ở Việt Nam thì phải đăng ký đầu tư như hình thức đầu tư nước ngoài để hợp thức nhiều vấn đề liên quan đến ngoại tệ, chuyển khoản và phải có ít nhất 1 tỉ euro trong tay. Đây là điều kiện ngặt nghèo và không công bằng đối với doanh nghiệp trong nước.Theo ông, ở Việt Nam hiện có bốn tầng ưu đãi của chính sách dành cho các doanh nghiệp.Tầng 1 là các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty với vô vàn ưu đãi về vốn, đất đai, tín dụng, tiếp cận ngoại tệ và thể chế.Tầng 2 là các doanh nghiệp tư nhân “cánh hậu” có mối quan hệ thân hữu.Tầng 3 là doanh nghiệp đầu tư FDI.Còn tầng đáy, dĩ nhiên là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Đây là những doanh nghiệp dân doanh thực sự và ở tầng này, họ bị chèn ép đủ thứ với rất nhiều phí, thuế, các đoàn thanh tra… Ông cho rằng, doanh nghiệp Việt có muốn bơi, muốn lớn mạnh trong điều kiện như thế cũng rất khó khăn.
Lời giải cho bài toán của ngành bán lẻ
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, 53% thị phần bán lẻ hiện đại của Việt Nam đã rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là làm sao để giữ hệ thống phân phối phải bắt đầu từ việc để xây dựng hệ thống bán lẻ.
Hiện nay, cả nước có khoảng 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200-1.500 siêu thị, hơn 300 trung tâm thương mại, đạt tỷ lệ hơn 45% thị phần của toàn ngành bán lẻ. Có thể thấy, dư địa thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có tận dụng để chiếm lĩnh dư địa này và phát triển ngành bán lẻ trong nước; hay tiếp tục để rơi vào tay khối ngoại vẫn còn là câu hỏi bỏ lửng. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, nền kinh tế Việt Nam đang kỳ vọng rất nhiều vào các hiệp định thương mại tự do như TPP, EV-FTA, AEC… thế nhưng việc cải cách trong nước đi quá chậm so với hội nhập đang tạo ra sự bất công cho các doanh nghiệp trong nước. Theo ông, mở cửa thị trường nhưng các chính sách không tạo điều kiện để bồi dưỡng năng lực của doanh nghiệp, không cởi trói để doanh nghiệp có thể cạnh tranh công bằng thì công sức mà doanh nghiệp đã dày công gầy dựng có thể bị cuốn phăng. Con số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, đóng cửa kinh doanh được công bố vào quý I năm 2016 đã chứng minh điều đó.
Theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường bán lẻ trong nước sẽ qua bốn giai đoạn tương tựở các nước khác. Giai đoạn đầu các doanh nghiệp trong nước sẽ chiếm lĩnh thị trường, giai đoạn 2-3 là giai đoạn M&A và doanh nghiệp nước ngoài lấn át; giai đoạn 4, các doanh nghiệp trong nước nếu đoàn kết lại chắc chắn sẽ chiếm ưu thế. Nhìn vào kinh nghiệm từ các nước khác, nhiều người cho rằng dẫn đầu thị trường thường là các nhà bán lẻ trong nước, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cứ chờ đợi thì giai đoạn thứ tư sẽ diễn ra. Để ngành bán lẻ Việt Nam phát triển và giữ vững thị phần, rất cần một loạt chính sách để giúp nhà bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, Việt Nam có thể tận dụng EN, quy định xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm, để hạn chế bớt độ phủ của các nhà bán lẻ FDI, trong khi đó, nhà nước cần đưa ra chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ trong nước mở rộng hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, cần liên kết các doanh nghiệp bán lẻ trong nước để tạo thành một khối liên kết đủ mạnh tạo đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài và đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Hệ thống siêu thị đáng ra phải là hậu thuẫn cho ngành sản xuất trong nước vậy mà giờ chỉ còn lác đác, trong đó có hai nhà bán lẻ lớn hiện nay phân chia theo doanh thu là Saigon Co.op và Vingroup.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ hội nào để tham gia vào dư địa của ngành bán lẻ đang còn rất rộng mở?Theo các chuyên gia, cần phải học hỏi từ cuộc tấn công của người Thái. Ông Eckart Dutz, giám đốc chuỗi cửa hàng bán lẻ Uncle Biils tại Việt Nam, cho rằng điểm mạnh của Thái Lan là hàng hóa của họ có chất lượng tương đối cao hơn hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng học hỏi rất nhanh. Ông dẫn chứng, đã có những lĩnh vực Việt Nam làm rất tốt với chất lượng cao như đồ gia dụng và chúng ta có thể phát huy, nâng cao chất lượng với các mặt hàng ở các phân khúc khác mà Thái Lan còn bỏ ngỏ. Theo một khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam, các ưu tiên của người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi.Trong đó, nổi bật là xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu và dịch vụ bán hàng, hậu mãi tốt.Họ cũng đặc biệt chú trọng đến màu sắc, thiết kế và bao bì sản phẩm.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay các định dạng bán lẻ hiện đại nhưng còn sơ khai ở Việt Nam như các cửa hàng giá rẻ, máy bán lẻ tự động, cửa hàng kho… là những mô hình phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, vì bán lẻ là một ngành dịch vụ luôn phải học hỏi và đổi mới không ngừng, cơ hội cho những nhà bán lẻ thông minh biết tạo ra những giá trị mới sẽ luôn rộng mở. Hiện nay, ngoài các hình thức cửa hàng tiện lợi “nhiều trong một” (cửa hàng tiện lợi kiêm dịch vụ hát karaoke, cửa hàng bán lẻ kiêm tiệm thuốc…), hình thức “buy online pick-up in store” được hiểu là “mua hàng trực tuyến nhưng nhận hàng tại cửa hàng” với sự kết hợp giữa trang bán hàng trực tuyến và các nhà bán lẻ, tương tự sự kết hợp của Amazon với Walmart hay Staples, RadioShack, cũng đang là xu hướng tại các nước phá triển. Điều quan trọng nhất là các nhà bán lẻ phải định hướng được đối tượng phục vụ, nắm bắt được nhu cầu thị trường và tối ưu hóa trải nghiệm cho các khách hàng.
Chỉ có một con đường duy nhất là cạnh tranh để phát triển. Với ngành bán lẻ, câu trả lời của sự phát triển nằm ở chỗ Nhà nước đã sẵn sàng cởi trói để doanh nghiệp lớn mạnh hay chưa, còn với doanh nghiệp, họ đã đủ sáng tạo, đủ năng lực để nắm bắt cơ hội hay chưa.
Lan Phương (DNSGCT)