Tuy chưa phải là vùng đất phát triển về mặt du lịch như Cần Thơ, An Giang, Cà Mau… của miền Tây Nam bộ, nhưng Bạc Liêu, quê hương của đờn ca tài tử từng được biết đến nhiều qua các giai thoại về hai chàng Hắc – Bạch công tử xài tiền như nước. Đến với Bạc Liêu hôm nay mới thấy những đổi thay ngoạn mục của một tỉnh ngày xưa còn nghèo khó. Bên cạnh nhiều điểm đến cũ và mới, đặc biệt là “cánh đồng quạt gió” độc đáo mới mở cửa cho khách tham quan, Bạc Liêu còn có nhiều món ăn ngon, hấp dẫn và riêng biệt.
“Cánh đồng quạt gió” là cách nói văn vẻ để chỉ khu nhà máy điện gió với 62 cột tháp khổng lồ cao 80m, đường kính 4m, cánh quạt dài đến 42m, bên trong chứa các tua-bin điện gió, tất cả sừng sững trên một vùng biển mênh mông sóng nước, thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch Đông của thành phố Bạc Liêu.
Sau chuyến tham quan nhà máy điện gió trên biển, thường thì du khách bốn phương sẽ được hướng dẫn tới khu du lịch Giồng Nhãn(1) cách đó vài km để vào các vườn nhãn cổ, thưởng thức sản vật của đất trời, nghe đờn ca tài tử dưới bóng mát của những cây nhãn trăm năm tuổi thọ, không nơi nào khác có được. Vườn nhãn cổ này dài hơn 10km, trải rộng trên 230ha thuộc địa phận hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, quanh năm xanh tươi. Nhờ phong cảnh hữu tình giữa thiên nhiên trong sạch, Giồng Nhãn trở thành điểm du lịch sinh thái của tỉnh Bạc Liêu.
Khi bụng đã “sôi” lên, khách sẽ được giới thiệu một đặc sản của Giồng Nhãn: bánh xèo. Thật ra bánh xèo là món ăn phổ thông ở khắp các tỉnh thành Nam bộ, thế nhưng đã đến Bạc Liêu mà chưa thưởng thức món ăn này ở Giồng Nhãn sẽ thật thiếu sót, giống như đến Sóc Trăng mà bỏ qua món bún nước lèo, hay đến Cần Thơ mà không ăn bún mắm và bánh cống, đến Vũng Tàu mà không trải nghiệm bánh khọt vậy. Khu vực Giồng Nhãn có nhiều điểm bán bánh xèo nối nhau, hầu hết nằm trong các khu vườn trồng nhãn lưu niên, nổi tiếng hơn cả có bánh xèo A Mật, bánh xèo 61, tuy nhiên không có khác biệt nhiều về chất lượng bánh xèo các quán ở đây.
Bước chân vào vườn, dễ dàng nhận ra mùi thơm của một món ăn quen thuộc, rồi mắt nhận ra ngay những chảo mỡ với những chiếc bánh xèo vừa chín tới màu vàng đẹp mắt. Đứng bếp thường là các bà các cô, luôn tay thao tác: vừa múc bột đổ vào chảo thứ nhất đã vội vàng đặt nhân bánh tép bạc, thịt ba rọi xắt mỏng, giá sống, củ sắn xắt sợi, đậu xanh… vào chảo thứ hai, tiếp đó lật mặt bánh trên chảo thứ ba và chuẩn bị cho ra đĩa chiếc bánh cỡ lớn đã chín vàng trên chảo thứ tư, thứ năm… Các công đoạn thật nhịp nhàng trong ánh lửa của mấy cái bếp ga và trong âm thanh “xèo xèo” vui tai các thực khách đang chờ đĩa bánh nóng hổi được bưng ra bàn của mình. Những ngày quán đông khách, phải chờ lâu hơn, đã có mấy chiếc võng toòng teng dưới tán lá mát rượi, ngả mình một chút trước khi ăn cũng thú vị lắm.
Bánh xèo Giồng Nhãn đã thành một “thương hiệu ẩm thực” của quê hương bản Dạ cổ hoài lang là nhờ kết hợp được nhiều yếu tố tạo nên một món ăn ngon. Trước hết bột làm bánh: bột phải được làm bằng gạo mùa cũ, pha thêm chút bột nghệ vàng và được xay bằng cối đá để có độ dẻo mà không dính bết. Kế đến là các thành phần tươi ngon của nhân bánh, đặc biệt là con tép bạc “nhứt hạng” của Bạc Liêu, ngọt lừ và đậm đà vị biển.
Bánh tráng chín tới nóng hổi, mỏng mà giòn rụm vành ngoài. Rồi rau sống, rau thơm các loại trồng trên đất giồng, thêm ít đọt các loại cây trong vườn: xoài, cóc, lá cách, sộp, bằng lăng, sung, điều… những thứ đọt non ngan ngát, nhân nhẩn, chan chát, bùi bùi…, tất cả được cuốn gọn vào một lá cải xanh bản lớn cùng với phần tư hay nửa cái bánh xèo, chấm ngập vô chén nước mắm chua-ngọt-nồng-cay rồi nhai chầm chậm. Chao ơi là đã cái miệng – quả là món ăn đã tổng hòa được các hương, các vị của trần gian! Do bánh xèo Giồng Nhãn có kích cỡ lớn hơn bánh xèo nơi khác nên chỉ cần ăn một cái là đủ no lòng.
Ngoài bánh xèo Giồng Nhãn, khách phương xa đến Bạc Liêu còn có dịp trải nghiệm các món ăn cũng là đặc sản địa phương như bún bò cay (ngon nhất là ở phường 5), bánh tằm (ngon nhất ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), lẩu mắm… rồi ba khía, xá pấu, bồn bồn… và nhiều loại hải sản, nhất là cua gạch Bạc Liêu không đâu sánh bằng.
(1) Giồng là dải đất phù sa nổi cao lên, thường ở ven sông và cao hơn đất ruộng, trên đó người ta cất nhà ở, trồng rau, đậu cùng một số loại cây ăn trái. Ở Bạc Liêu, từ xa xưa người Khmer bản địa có tập quán cư trú trên đất giồng, sau này cộng sinh với người Việt và người Hoa. Khoảng gần 200 năm cây nhãn đầu tiên được trồng trên đất giồng ở Bạc Liêu cho trái ngọt; sai quả nên được nhân rộng ra khắp vùng đất nay có tên là Giồng Nhãn. Thời điểm tốt nhất để tới vườn nhãn cổ Bạc Liêu là vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 9. Tháng 5 là lúc vườn nhãn đang trổ hoa, cả khu Giồng Nhãn ngập màu hoa trắng tuyệt đẹp, thu hút bướm ong, còn tháng 9 là lúc thu hoạch nhãn nên khách tha hồ thưởng thức vị thơm ngon của nhãn Bạc Liêu.