Nếu có một thời khi mà các nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển, thậm chí suy giảm, theo những chu kỳ thông thường và dễ đoán định, thì thời đó có thể nói đã đến và đã qua. Nhìn lại hơn mười lăm năm vừa qua, thế giới đã bị chấn động bởi hàng loạt cú sốc; từ khủng hoảng tài chính châu Á cho tới sự đổ vỡ của nền kinh tế “dot com”. Như nhà toán học John Allen Paulos nói một cách hài hước: “Sự bất ổn là cái ổn định duy nhất còn tồn tại, và biết cách chung sống với bất ổn lại tạo ra nơi trú ẩn an toàn duy nhất”. Chúng ta đang ở quý II năm 2012, sự lạc quan có được trong quý I ở châu Á dần vơi đi. Người ta vẫn hy vọng vào một giải pháp trật tự để giải quyết các vấn đề tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng nếu lắng nghe quan điểm của giáo sư Paulos thì sẽ không khôn ngoan nếu cho rằng thời điểm kết thúc của những bất ổn thị trường đã ở phía bên kia đường chân trời.
Nhiều chuyên gia cho rằng không có quy tắc tài chính nào quan trọng hơn là quản lý tiền tệ đối với hoạt động của doanh nghiệp, mà quy tắc đó lại hay bị bỏ qua nhất. Trong một vài trường hợp, các công ty nhỏ không màng suy nghĩ tới quản lý tiền tệ miễn là tiền vào vẫn lớn hơn tiền ra – những người chủ toàn tâm toàn ý nghĩ về sản phẩm và bán hàng. Khi điều kiện thị trường ôn hòa, kể cả những công ty có quy mô tương đối lớn đôi khi cũng để tiền nhàn rỗi và phân tán ở những tài khoản khác nhau.
Tuy nhiên khi tín dụng trở nên đắt đỏ và thu nhập khó đoán định hơn, các công ty nhận thấy nhu cầu ưu tiên số 1 là phải phân bổ và tối đa hóa lợi nhuận từ số tiền họ có. Chuyển giao nội bộ, tín dụng thấu chi và đầu tư trên số dư qua đêm của các tài khoản nghe có vẻ xa vời nhưng quản lý tiền tệ kém hiệu quả thường bị chỉ trích là nguyên nhân hàng đầu của thất bại về kinh doanh.
Quy mô công ty càng lớn, sản phẩm và hoạt động bán hàng ngày càng phát triển trên quy mô toàn cầu, tài chính doanh nghiệp càng trở nên phức tạp. Vì lý do đó, ngày càng nhiều công ty tìm tới ngân hàng để được tư vấn về quản lý tiền tệ hiệu quả và ngày càng nhiều công ty sử dụng các công cụ và hệ thống thanh toán và thu hồi nợ khiến họ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tiền tệ, từ đó giải phóng vốn lưu động. Ngân hàng đồng nhất hệ thống của mình với hệ thống của khách hàng và từ đó xử lý tất cả mọi thứ từ trả lương hay thanh toán cho nhà cung cấp tới tập trung tiền (danh nghĩa) và đầu tư trên số dư qua đêm của tài khoản sao cho tiền nằm qua đêm có thể được sử dụng một cách thông minh và sinh lời nhiều nhất.
Cái lợi từ xu hướng này ở các công ty là họ nhìn thấy rất rõ ràng dòng tiền của mình và những chi phí tiết kiệm được từ tốc độ và hiệu quả được cải thiện, từ đó giúp họ trở nên cạnh tranh hơn trong giao thương quốc tế. Lợi ích cho ngân hàng là họ củng cố sâu hơn mối quan hệ với khách hàng. Vì sự đồng bộ hóa hệ thống cần thời gian và lòng tin, mối quan hệ phát triển theo một phương thức có thể làm giảm sự bất ổn cho cả hai bên và cung cấp một nền móng trên đó công ty có thể phát triển hoạt động kinh doanh của mình.