Có thể thấy rằng hiện nay, nhiều bạn trẻ ngại ngùng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Không quá lắm theo kiểu thời bao cấp khoan yêu, yêu khoan cưới, cưới rồi khoan có con, nhưng giờ đây, người trẻ yêu thì vẫn yêu, nhưng nói đến xây dựng gia đình thì họ lại trù trừ, mà lý do chung nhất là… không có tiền, không thấy tương lai!
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lập gia đình rồi lại thấy cái hay của việc xây dựng gia đình trên nền tảng trách nhiệm là… tự nhiên có tiền!
Có bạn trẻ tâm sự rằng hồi yêu nhau, hai cô cậu nghèo rớt, vậy mà cưới nhau rồi, lương cũng bao nhiêu đó không hiểu sao lại vẫn có tiền để dành, ngoài việc sắm các tiện nghi tối thiểu cho tổ ấm gia đình, lại còn tính chuyện mua đất!
- Xem thêm: Lên kế hoạch cuộc sống vợ chồng
Từ xưa đến nay, tích lũy luôn là vấn đề hàng đầu đặt ra cho bất kỳ gia đình nào. Biết tích lũy mới có thể thay đổi cuộc sống một cách tốt đẹp hơn.
Cái hay của việc tích lũy là tạo cho con người thấy mình đang gánh vác một trọng trách nào đó phải phấn đấu để đạt cho được.
Hai bạn trẻ yêu nhau đã năm năm, mãi mới “liều mình” làm đám cưới. Cưới xong, thanh toán các khoản, còn lại ít tiền hai bên gia đình cho.
Thu nhập của họ không hơn trước, vậy mà một năm sau, họ không chỉ đổi được xe mới, mà còn nghĩ đến miếng đất vùng ven.
Anh chồng trẻ còn thốt lên: “Không biết tiền ở đâu”, nhưng cô vợ trẻ biết rõ rằng đó là do họ đã giảm các khoản “tình phí”, không còn thường xuyên phải nạp tiền điện thoại di động để tán gẫu với nhau, hạn chế đi siêu thị, giảm mua sắm quần áo, đồ dùng không cần thiết, thỉnh thoảng lại được chồng đưa thêm chút tiền ngoài lương mà ngày còn độc thân, anh ta thường dùng để ăn nhậu với bạn bè.
Hỏi về bí quyết “tích lũy”, nhiều người cho rằng muốn tích lũy thì phải tiết kiệm, nhưng không được hà tiện. Cũng số tiền đó, nếu chịu khó đi chợ, vào bếp là có được món ngon để cả nhà cùng ăn, tiết kiệm được khoản chi cho ăn vặt.
Muốn tích lũy phải có cơ sở, đó là việc làm thêm ngoài lương. Tiền chi tiêu hằng tháng là “phần cứng” được tính theo lương. Tiền tích lũy là “phần mềm”, dao động tháng nhiều, tháng ít, khi có khi không.
Tuy nhiên, cũng không đặt nặng vấn đề tích lũy quá sẽ làm cuộc sống nặng nề. Cứ mỗi ngày góp một chút, năng nhặt chặt bị, kiến tha lâu cũng đầy tổ!
- Xem thêm: Tương xứng
Đối với những gia đình có thu nhập trung bình và thấp, gần như việc tích lũy phải là mục tiêu hàng đầu để cải thiện cuộc sống. Tiết kiệm và tích lũy phải luôn đi đôi với nhau. Muốn tích lũy phải biết xoay xở theo nguyên tắc “khéo ăn, khéo co”.
Trong Gia huấn ca, cụ Nguyễn Trãi dạy rõ: “Giữ điều cần kiệm liệu bề sinh nhai” hay “Phải dành dụm phòng khi cơ nhỡ”. Như vậy, bất cứ ai, dù giàu hay nghèo cũng phải biết tích lũy, đó cũng là quy luật sinh tồn của cuộc sống.
“Mười hào thành một đồng” là nguyên tắc của tích lũy. Mỗi gia đình tích lũy mỗi cách, có người tích lũy nhờ ở việc làm thêm, có người tích lũy nhờ tiết kiệm, rồi mua vàng, gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm…
Vai trò tích lũy, tay hòm chìa khóa thường được giao cho người phụ nữ trong gia đình. “Trời sanh mỗi vật mỗi ngon/Ăn không nhịn miệng chồng con mang nghèo”.
Lời dạy ngày xưa khi con gái về nhà chồng xem ra vẫn luôn phù hợp, dù xã hội có phát triển đến đâu. Vậy thì, còn chần chừ gì mà bà mẹ không đi chợ mua cho con một con heo đất để con trẻ thực hành bài tập tích lũy một cách sinh động nhất và để tận hưởng cảm giác sung sướng khi… đập heo!