Theo bảng xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đây là năm thứ tư liên tiếp, Thụy Sĩ được công nhận là nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh dẫn đầu trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Singapore tiếp tục giữ vị trí số hai, trong khi Phần Lan giành lấy vị trí thứ ba, đẩy Thụy Điển (từ thứ ba năm trước) xuống vị trí thứ tư. Các tiêu chuẩn để đánh giá tính cạnh tranh của một nền kinh tế bao gồm: tính khả dụng của đồng vốn, sự linh hoạt của thị trường lao động, tính ổn định của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Trong top 10 nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh toàn cầu, châu Âu chiếm sáu vị trí, khi có thêm Hà Lan (thứ 5), Đức (thứ 6) và Anh (thứ 8); châu Á có ba nền kinh tế, ngoài Singapore, còn có Hongkong (thứ 9) và Nhật Bản (thứ 10). Đại biểu duy nhất của châu Mỹ trong top 10 là Mỹ, với thứ hạng 7, tụt hai hạng so với trước, do hiệu quả hoạt động của chính phủ kém hơn trước dẫn đến niềm tin của công chúng vào nền kinh tế bị suy giảm. Trong những nền kinh tế đang vươn lên, Trung Quốc tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với thứ hạng 29, bỏ xa Brazil (48), Nam Phi (52), Ấn Độ (59) và Nga (67). Trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Qatar dẫn đầu với thứ hạng 11, Ả Rập Saudi tiếp tục ở lại top 20 (18). Phần lớn quốc gia trong khu vực này cần nỗ lực để cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Thụy Sĩ, đất nước có lợi thế cạnh tranh kinh tế dẫn đầu thế giới
Theo nhận định của giáo sư kinh tế học người Mỹ Xavier Sala-i-Martin thuộc Trường Đại học Columbia, Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu cung cấp một cái nhìn về các khuynh hướng lâu dài chi phối tính cạnh tranh của các nền kinh tế thế giới; trong ý nghĩa đó, nó giúp chúng ta nắm rõ những khu vực chủ đạo, nơi mọi hoạt động được thể hiện nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất vốn là yếu tố xác định tương lai một nền kinh tế. Kinh nghiệm và vị thế của các nền kinh tế Tây và Bắc Âu như Thụy Sĩ, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan… là bài học cho các nền kinh tế khác trên thế giới, kể cả Mỹ và các nền kinh tế Nam Âu như Tây Ban Nha (36), Ý (42), Bồ Đào Nha (49), và nhất là Hy Lạp (96), những nơi mà tính cạnh tranh yếu kém là hậu quả sự mất cân bằng của kinh tế vĩ mô, tiếp cận nguồn vốn không hiệu quả, thị trường lao động cứng nhắc và ít sáng kiến canh tân. Trong phạm vi Đông Nam Á, sự cách biệt quá lớn giữa Singapore (2) với các nền kinh tế khu vực như Malaysia (25), Thái Lan (38), Indonesia (50), Philippines (65), Việt Nam (75), Campuchia (85)… cũng là dịp để các nhà quản lý kinh tế nhìn lại mình.
Lê Cẩn theo Economist, WEF, cnbc.com…