Theo những con số thống kê mới nhất, hàng năm bọn tội phạm tung ra thị trường một lượng thuốc giả trị giá 75 tỉ USD. Trong danh sách bệnh tật phổ biến ở các nước nhiệt đới nghèo thì sốt rét là một trong những bệnh đáng lo ngại nhất. Tại đảo Solomon, cứ 1.000 người dân thì có 77 người mắc bệnh sốt rét, mỗi năm có gần 40 ngàn người là nạn nhân của bệnh này. Tỷ lệ đó ở Papua New Guinea còn đáng sợ hơn nữa: 179/1.000 dân! Vậy mà theo Cục phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), trong số thuốc điều trị bệnh sốt rét được lấy mẫu kiểm nghiệm tại Đông Nam Á, có đến 47% mẫu là thuốc giả. Tại Papua New Guinea, năm 2011, Trường Đại học Goethe của Đức phối hợp với Trường Đại học Papua New Guinea đã ghi nhận toàn bộ 14 mẫu thuốc kháng sinh Amoxicillin và thuốc trị sốt rét Amodiaquine lấy từ năm dược phòng có đăng ký tại thủ phủ Port Moresby đều có vấn đề. Qua phân chất, người ta thấy trong thuốc giả có cả thuốc màu, phấn viết bảng hoặc xi đánh giày, không có dược chất nào cả!
Thuốc giả (trái) và thuốc thật (phải), khó phân biệt bằng mắt thường
Ngày nay, hầu như không một nước nào trên thế giới là không bị thuốc giả xâm nhập. Với những nước có thu nhập thấp, nơi mà các quy định về y tế vệ sinh còn khá lỏng lẻo, hoặc trong khu vực nông thôn, thuốc điều trị bệnh thiếu thốn, thuốc giả với giá rẻ hơn rất nhiều sẽ dễ dàng khuấy đảo đời sống bình yên của người dân nghèo. Tại tỉnh Malaita thuộc đảo quốc Solomon, chỉ có 2,1 bác sĩ và 1,1 dược sĩ cho 10 ngàn dân, tệ nạn thuốc giả trở thành nỗi ám ảnh đối với cộng đồng, đặc biệt với những phụ nữ đang mang thai. Đông Á hiện là khu vực sản xuất và cung cấp nhiều nhất các loại thuốc trị sốt rét. Theo tổ chức UNODC, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010, Trung Quốc là nơi xuất phát của 60% sản phẩm y tế bị bắt giữ trên toàn thế giới. Mười năm qua, châu Á – Thái Bình Dương đạt được thành công trong việc giảm thiểu 25% trường hợp tử vong về bệnh sốt rét, song cũng ở khu vực này, mức độ kháng thuốc của ký sinh trùng gây bệnh lên đến mức cao nhất, mà một trong những nguyên nhân chính là thuốc giả. Để giải quyết vấn nạn trên, bản thân những nước đang phát triển là nạn nhân của thuốc giả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý y tế, thuế quan và cảnh sát. Luật pháp cần được cải tiến cho phù hợp với tình thế mới và công tác kiểm soát cũng phải được nâng cao chất lượng để hoạt động phòng chống có hiệu quả hơn. Trên bình diện thế giới, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc tế chống làm giả Sản phẩm Y tế (IMPACT) được thành lập theo sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi chính phủ các nước cần tạo điều kiện cho người dân được sử dụng thuốc điều trị có chất lượng, củng cố luật pháp và lực lượng thi hành luật pháp để từng bước triệt tiêu tệ nạn thuốc giả, mang lại sựổn định cho công tác phòng trị bệnh ở những nước nghèo.
Minh Chiếm tổng hợp