Câu hỏi đặt ra hiện nay là ai sẽ đủ cân đủ lượng đại diện cho toàn bộ các nhóm nổi dậy đến tham dự hội nghị Geneve II để mặt đối mặt với đại diện của chính phủ Damascua khi nhóm này gồm quá nhiều thành phần, trong đó có cả các chiến binh Hồi giáo cực đoan hoặc là các lực lượng thành viên của Al Qaida.
Các nước phương Tây thường xem Liên minh quốc gia Syria (SNC) là đại diện chính thức của lực lượng nổi dậy tại Syria. Thế nhưng, trên thực tế, tính chính danh của SNC cũng còn cần phải xem lại. Mới đây, hơn 10 nhóm nổi dậy thuộc các lực lượng Thánh chiến tại Syria đã tuyên bố không thừa nhận quyền lãnh đạo của SNC.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp đại diện liên minh phe đối lập Syria tại nhà đại sứ Hoa Kỳ ở London 22-10
Liên quan đến việc góp phần làm nổi lên các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ phe nổi dậy tại Syria, có vai trò của ba nước Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu, người nổi dậy Syria chỉ xuống đường biểu tình hòa bình. Sau khi bị chính phủ dùng vũ lực đàn áp, người nổi dậy mới bắt đầu võ trang để tự vệ. Và đó cũng là cơ hội để các nước muốn can thiệp cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. Ba nước nêu trên đã không ngần ngại trang bị võ trang cho những lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Syria. Điều này dẫn đến tình hình hiện tại là hình ảnh phe nổi dậy bị che phủ bởi bóng đen Hồi giáo cực đoan, gây khiếp sợ cho không ít người dân Syria đồng thời làm mất lòng tin các nước phương Tây.
Thực tế cho thấy hiện nay SNC không thể chỉ đạo được tất cả các thành phần của quân nổi dậy và đang mất dần ảnh hưởng. Một số chuyên gia dự báo cho dù có đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Geneve II thì sau đó rất có thể vẫn còn tiếp diễn một cuộc nổi dậy mang màu sắc thánh chiến tại Syria.
T.L