Sau bảy tháng cầm quyền ngắn ngủi, hôm 20-5 Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ tuyên bố từ chức, với hy vọng sẽ trở lại vị trí này với quyền lực lớn hơn sau cuộc bầu cử sớm dự kiến tổ chức vào tháng sau.
Sau khi đắc cử Thủ tướng Hy Lạp hồi tháng 1-2015, ông Tsipras đã nỗ lực chống lại các yêu cầu khắc khổ của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho Hy Lạp: đây chính là những chính sách mà ông đã hứa với người dân nước này trước khi đắc cử.
Thế nhưng cuối cùng ông đã buộc phải chấp nhận đúng theo yêu cầu của các chủ nợ, thực hiện thêm các biện pháp cải cách kinh tế khắc khổ và tăng cường thắt lưng buộc bụng để thoát nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi khối đồng tiền chung Eurozone.
Hãng tin Reuters cho biết, ông Tsipras đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và đề nghị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể.
Quyết định từ chức của ông Tsipras làm gia tăng bất ổn chính trị ở Hy Lạp vào đúng ngày mà nước này bắt đầu nhận vốn giải ngân từ gói cứu trợ trị giá 86 tỉ euro, tương đương 96 tỉ USD. Với số tiền giải ngân này, Hy Lạp trả được khoản nợ đáo hạn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đây là gói cứu trợ thứ ba mà các chủ nợ quốc tế dành cho Hy Lạp kể từ năm 2010.
Giới chức chính phủ Hy Lạp nhận định việc bầu cử sớm có thể cho phép ông Tsipras tranh thủ được sự ủng hộ của cử tri, trước khi đến phần khó khăn nhất của chương trình cứu trợ mới bao gồm thực thi cắt giảm lương hưu xuống mức thấp hơn, tăng thêm thuế giá trị gia tăng và tăng thuế thu nhập.
Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện hôm 24-7 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Hy Lạp dành cho đảng Syriza của ông Tsipras là 33,6%. Với tỷ lệ này, Syriza đang là đảng chính trị nhận được sự ủng hộ lớn nhất ở Hy Lạp.
Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng ông Tsipras đang kỳ vọng có thể trở lại ghế thủ tướng ở một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với chủ nợ.
Điều này làm người ta nhớ lại sự kiện diễn ra vào ngày 5-7, vài giờ sau khi đa số cử tri Hy Lạp nói KHÔNG với các điều kiện thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra kèm gói cứu trợ mới, hàng ngàn người dân Hy Lạp đã đổ ra ăn mừng trên đường phố thủ đô như vừa giành được một chiến thắng to lớn. Các nhà bình luận phương Tây khi ấy đã ví von đó là một cuộc nhảy múa tại “lễ tang của chính mình”. Nhưng rồi cuối cùng Hy Lạp cũng phải “đầu hàng” để đổi lấy cơ hội thoát khỏi vực thẳm bằng gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỉ euro của chủ nợ Liên minh châu Âu.
N.N (DNSGCT)