Ngày thứ Sáu 13-11 vừa qua đúng là một ngày đen tối với nước Pháp, khi các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng đồng loạt diễn ra ở thủ đô Paris đã khiến 129 người thiệt mạng và 350 người khác bị thương.
Vụ tấn công bắt đầu vào hồi 21 giờ (giờ địa phương) khi người dân Paris đang tận hưởng ngày cuối tuần vui vẻ. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy có ba nhóm khủng bố phối hợp đã tấn công đồng loạt sáu địa điểm trong vòng khoảng hai tiếng đồng hồ.
Ba kẻ tấn công đã thực hiện vụ đánh bom tự sát và xác cả ba được tìm thấy tại hiện trường bên ngoài sân vận động Stade de France ở ngoại ô phía đông Paris, nơi đội tuyển Pháp và Đức đang thi đấu với sự tham dự của tổng thống Pháp.
Đồng thời một loạt vụ xả súng xảy ra không xa Quảng trường Cộng hòa và Quảng trường Bastille ngay tại khu trung tâm thủ đô Paris, vào thời điểm các quán cà phê, quán bar và nhà hàng đang đông khách nhất. Một tay súng đã nổ súng gần quán bar Le Carillon trước khi tiến sang đường bắn vào quán ăn Le Petit Cambodge ở quận 10 khiến 15 người thiệt mạng, năm người khác bị giết tại Nhà hàng La Casa Nostra và 19 người khác bị giết tại quán bar La Belle Equipe ở quận 11.
Nhà hát Bataclan là nơi diễn ra vụ thảm sát đẫm máu nhất với 89 người chết. Ba tay súng đột nhập vào phòng hòa nhạc đầy người vì toàn bộ vé đã được bán hết và bắn thẳng vào những khán giả đang tham dự buổi trình diễn của nhóm nhạc rock Mỹ Eagles of Death Metal. Các tay súng đã khống chế hàng trăm người có mặt tại nhà hát trước khi lực lượng đặc nhiệm đột nhập vào lúc 0 giờ 30 để giải thoát các con tin. Các tay súng khủng bố sau đó đã kích hoạt dây thắt lưng đầy chất nổ để tự sát.
Vào lúc gần 2 giờ sáng 14-11, Tổng thống François Hollande đã đến hiện trường nhà hát Bataclan ngay sau vụ thảm sát kết thúc. Ông khẳng định đây là một hành động chiến tranh và tuyên bố Pháp sẽ tấn công IS không khoan nhượng trên mọi lãnh thổ.
Nước Pháp ngay lập tức đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm toàn quốc và đóng cửa toàn bộ biên giới.
Paris đã huy động lực lượng cứu hộ đông đảo tham gia xử lý sau các vụ tấn công, gồm 730 lính cứu hỏa từ Paris và các vùng ngoại ô, 800 cảnh sát bảo vệ đường cao tốc và đảm bảo trật tự trên các đường phố, 1.500 binh sĩ được triển khai tăng cường khắp Paris và 36 bệnh viện tiếp nhận người bị thương.
Ngày 15-11, giới chức Pháp đã công bố vụ tấn công được xác định do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện. Theo công tố viên Paris François Molins, bảy tay súng trang bị tiểu liên Kalashnikov và đeo bộc phá quanh người được chia thành ba nhóm cùng lúc tấn công tại sáu điểm. Tất cả bảy tên đều đã chết, một trong số này được xác định là công dân Pháp, 29 tuổi, mang tên Omar Ismail Mostefai. Theo BBC, cảnh sát đã tạm giữ bố và anh trai của Mostefai, đồng thời tiến hành lục soát căn nhà tại thị trấn Romilly-sur-Seine, cách Paris 130km về phía đông. Phía công tố cũng lo ngại rằng một số kẻ tấn công đã chạy thoát.
Khác với vụ tấn công tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015 khi bọn khủng bố nhằm vào mục tiêu là những người được coi là “kẻ thù của Hồi giáo”, lần này vụ tấn công lại nhằm vào dân thường và cũng là lần đầu tiên những nhóm tấn công sử dụng biện pháp đánh bom tự sát trên lãnh thổ Pháp.
Đây được coi là thử thách rất nghiêm trọng về an ninh vì sắp tới nước Pháp sẽ tổ chức hội nghị COP 21 quy tụ 115 nguyên thủ quốc gia, 10.000 đại biểu và 30.000 tổ chức đến Paris hội đàm về biến đổi khí hậu.
Vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp khiến các quốc gia trên toàn thế giới rúng động. Các biện pháp an ninh đang được tăng cường trên toàn cầu, chính phủ tại nhiều nước đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp nhằm xem xét và đưa ra các biện pháp đối phó với mối đe dọa an ninh.
Nước Mỹ đã thể hiện sự nhạy cảm đặc biệt đối với vụ tấn công liên hoàn này khi chính quyền nhiều thành phốở Mỹ như New York, San Francisco, Los Angeles lập tức tăng mức báo động an ninh. Hãng hàng không America Airlines, hãng vận chuyển hành khách lớn nhất thế giới, đã quyết định hoãn các chuyến bay tới Paris.
Tương tự, Bỉ và Hà Lan cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dọc biên giới với Pháp. Các chuyến bay, tàu hỏa đi và đến từ thủ đô Paris đều phải qua kiểm soát nghiêm ngặt.
Tại Italy, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã cho ban bố mức báo động tối đa để đảm bảo an ninh cho nước này và Tòa thánh Vatican.
Tại Nga, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia cho biết các biện pháp cần thiết đang được thực hiện nhằm “đối phó với các mối đe dọa mới”. Hiện các biện pháp an ninh đã được tăng cường ở tất cả các sân bay tại Moscow, trong khi đó ngành đường sắt Nga cũng tuyên bố bổ sung các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh.
Vương quốc Anh cũng thiết lập mức cảnh báo an ninh cao. Các biện pháp kiểm tra an ninh được tăng cường tại các đầu mối vận tải quốc tế. Trước đó các quan chức Anh đã đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra nhằm trả thù cho việc đao phủ của IS là “John thánh chiến” bị tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Syria cuối tuần qua.
Nhà chức trách Đức cũng đang tiến hành phân tích mức độ nguy hiểm với nước này. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết Đức vẫn là “tâm điểm” mà khủng bố quốc tế nhắm đến.
T.K tổng hợp (DNSGCT)