Phân tích chính của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III từ Anh, Brazil và Nam Phi, mới được công bố trên tờ The Lancet, xác nhận COVID-19 Vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.
Kết quả chứng minh hiệu lực của vắc xin đạt được 76% (CI: 59% đến 86%) sau một liều đầu tiên, và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 82% (CI: 63%, 92%).
Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus, dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh. Dữ liệu cho thấy kết quả PCR dương tính giảm 67% (CI: 49%, 78%) sau một liều tiêm, và 50% (CI: 38% đến 59%) sau chế độ hai liều, thể hiện tác động đáng kể của vắc xin đến sự lây truyền của virus.
Phân tích chính về hiệu lực nói trên dựa trên tổng 17.177 đối tượng tham gia trong các thử nghiệm pha III ở Anh, Brazil và Nam Phi do Đại học Oxford và Astrazeneca triển khai, trong đó có 332 trường hợp dương tính có triệu chứng, thêm 201 trường hợp so với báo cáo trước đây.
Ngài Mene Pangalos, Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu & Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca, cho biết: “Phân tích chính này tái khẳng định rằng vắc xin của chúng tôi giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân không phải nhập viện. Ngoài ra, kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc xin mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn. Với những phát hiện mới về việc giảm lây truyền, chúng tôi tin rằng vắc xin này sẽ có tác động thật sự đến đại dịch”.
Giáo sư Andrew Pollard, quản lý nghiên cứu của thử nghiệm vắc xin Oxford, và là đồng tác giả của bài báo, cho biết: “Những dữ liệu mới này cung cấp một xác minh quan trọng cho loạt dữ liệu ban đầu đã giúp các nhà quản lý như MHRA ở Anh và các nơi khác trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin này. Dữ liệu này cũng hỗ trợ Ủy ban Liên hợp về Tiêm chủng ra chính sách khuyến cáo về thời gian giữa hai liều là 12 tuần trong khi họ đang tìm cách tiếp cận tối ưu để triển khai việc tiêm chủng, đồng thời cũng đảm bảo rằng mọi người đạt được hiệu lực bảo vệ 22 ngày sau khi được tiêm một liều vắc xin”.
Dữ liệu sẽ tiếp tục được phân tích và chia sẻ với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới để hỗ trợ họ trong quá trình đánh giá liên tục cho việc cấp phép cung cấp khẩn cấp hoặc cấp phép có điều kiện trong khủng hoảng y tế. AstraZeneca cũng đang xin được cấp phép vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới để các nước có thu nhập thấp sớm có được vắc xin.
COVID-19 Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8oC) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
AstraZeneca tiếp tục hợp tác với các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đối tác khác trên toàn thế giới để đảm bảo tiếp cận vắc xin rộng rãi và bình đẳng cho người dân mà không có lợi nhuận trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.
COVID-19 Vaccine AstraZeneca, trước đây là AZD1222
Vắc xin chống COVID-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vắc xin sử dụng vectơ vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi-rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi-rút SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi-rút sau đó.
Ngoài chương trình do Đại học Oxford dẫn đầu, AstraZeneca đang tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn ở Mỹ và trên toàn cầu. Tổng cộng, đại học Oxford và AstraZeneca dự kiến sẽ thu hút hơn 60.000 người tham gia trên toàn thế giới.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu EU, một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Maroc và Vương quốc Anh.
AstraZeneca đã hoạt động tích cực tại Việt Nam từ năm 1994, và thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác trong nước với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân và phát triển bền vững. Trong số đó có Chương trình Vì Lá phổi Khỏe hợp tác với Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh – Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi; chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu Niên tập trung phòng ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ BKLN ở giới trẻ; và chương trình “Năng lượng xanh cho sức khỏe“ nhằm trao tặng hệ thống năng lượng mặt trời cho các cơ sở y tế địa phương. AstraZeneca cũng đang cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đại học Kinh tế London (LSE) thực hiện Dự án “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế Toàn cầu” (PHSSR), trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất, với mục tiêu củng cố và hỗ trợ các hệ thống y tế để ứng phó với những cuộc khủng hoảng.