Bà Nguyễn Thị Thế là thành viên thứ tư trong gia đình Nguyễn Tường, gồm các anh em: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm (Giám đốc báo Ngày Nay), Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, chủ trương Tự Lực Văn Đoàn; chính trị gia), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo, nhóm Tự Lực Văn Đoàn), Nguyễn Thị Thế (còn gọi là cô Năm Thế), Nguyễn Tường Lân (nhà văn Thạch Lam, nhóm Tự Lực Văn Đoàn) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).
Là thành viên nữ duy nhất, ít được học hành dưới mái nhà mà các anh em trai đều là những trí thức, văn nhân, chính trị gia danh tiếng, lịch sử có thể đã lãng quên bà Năm Thế nếu cuốn sách Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường không được viết ra. Họa sĩ Tạ Tỵ nhận định đây “không những là một tài liệu chính xác nhất về gia đình Nguyễn Tường, nó còn là một cuốn sách văn học được viết ngoài văn chương”.
Tác phẩm được công bố năm 1974 tại Sài Gòn và tái bản thập niên 1990 tại Hoa Kỳ; nay chính thức ra mắt độc giả Việt Nam; là tác phẩm đầu tiên được chọn in trong tủ sách Gia đình Việt Nam của Phanbook. Sách được ấn hành cùng lúc với trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới của Nhất Linh (đều do Phanbook & NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành).
Được sự đồng ý của Phanbook, Người Đô Thị giới thiệu với độc giả bài viết Làm báo trong cuốn hồi ký này. Chúng tôi tạm đổi nhan đề.
***
Sau khi đi Pháp về, anh Tam dậy học ở trường Thăng Long Hà Nội được ít lâu, sau ra mở báo lấy tên là Tiếng Cười chủ tâm đem tiếng cười ra cho mọi người vui vì thời bấy giờ nhiều người khóc quá rồi. Nào văn bà Tương Phố khóc chồng, Đạm Thủy, Tố Tâm truyện cũng lâm ly thảm thiết.
Tiếc thay chính quyền lại không hiểu thiện chí ấy nên không cho phép, sau có người bạn nhường lại tờ báo Phong Hóa (1932). Bao đêm anh Tam cặm cụi viết bài vì lúc đầu chưa ai cộng tác, lại lo ế không bán được, anh đề nghị nếu ế thì bắt cả nhà vừa đi vừa rao bán cho kỳ hết mới chịu. Mẹ tôi bảo: “Khó gì, nếu bán không hết mang về cho mợ ấy gói cau càng tiện”.
Tôi chỉ còn nhớ bức vẽ đầu tiên, vẽ một chuyến xe hàng chở khách thật ngộ nghĩnh khiến ai xem cũng phải buồn cười. Tiếc thay vì chiến tranh tàn phá nên bây giờ không còn giữ lại được chút gì. Cũng trong thời kỳ này (1933) anh Tam lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng Khái Hưng, Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Nguyễn Gia Trí, sau có thêm Nguyễn Cát Tường tức họa sĩ Le Mur.
Sau khi tờ báo đã vững vàng rồi, các anh thấy mẹ tôi ở Cẩm Giàng có chuyện xích mích với bà hàng xóm xấu miệng nên thuê nhà ở đường Quan Thánh gần tòa báo đón mẹ tôi lên ở, cùng với anh Tư, chú Sáu, chú Bẩy và hai vợ chồng tôi.
Tiền nhà anh Tam lo, tiền ăn anh Tư làm quan tham tá lo, lương anh được một trăm mười bốn đồng một tháng. Trại Cẩm Giàng để cho người nhà trông nom.
Nhà thuê có hai từng, phòng khách, phòng ăn và ba phòng ngủ. Đằng trước có vườn hoa, ga-ra. Đằng sau có cây to bóng mát, đầy đủ tiện nghi.
Về ở đây, mấy bà bạn cũ của mẹ tôi lại lui tới thăm hỏi. Trong đó có bà Phán Lợi tỏ vẻ chú ý đặc biệt đến anh Tư chưa vợ. Một hôm bà nói với mẹ tôi là có đám này được lắm, con một nhà giầu, cô ta cũng xinh và nết na lắm. Ý bà muốn đứng ra làm mối. Hai ba lần thúc giục mà mẹ tôi vẫn không tỏ vẻ sốt sắng nên câu chuyện cũng bỏ qua. Nếu không gặp bà nội chắc khó thành, bà lúc nào cũng lo việc dựng vợ gả chồng cho các cháu.
Nghe vậy, bà nhất định bắt bà mối đưa đi coi mặt ngay. Lúc về bà khen đủ thứ, nhà giầu lắm cơ, những hai mươi lăm cái nhà gạch, có nhà nghỉ mát ở Sầm Sơn, trong nhà có bà đầm vén màn (tượng gỗ để vắt màn). Bà nội ưng liền nên giục mẹ tôi đi coi. Hai ba lần thúc bách, mãi về sau mẹ tôi mới đi, có tôi đi cùng.
Đến bấm chuông, thấy một cô gái mặc áo đen, mặt xanh xao, hai mắt trông như lác ra mở cửa mời vào nói là mẹ con đi vắng. Trông dáng người nhanh nhẹn, tiếng nói trong trẻo, chỉ phải cái gầy và xanh quá. Cô ta xin lỗi là vì mẹ đi vắng nên không có chìa khóa lấy trà pha nước. Ngồi một lúc hai mẹ con ra về.
Mẹ tôi chê: “Nhà chỉ có hai mẹ con mà khi đi vắng cũng không dám giao chìa khóa cho con gái giữ, bà mẹ hẳn phải chặt chẽ về tiền bạc lắm. May mình cũng chẳng phải người ham của”. Bà lại chê cô ta gầy yếu quá. Câu chuyện lại bỏ lửng một thời gian lâu.
Ít lâu sau, bà phán lại đến mời anh Tư đến thẳng nhà, nhà cô ta cũng theo lối mới, ông bố hồi còn sống là dân Tây mà. Bà nội bắt anh Tư đi. Cũng là duyên số, vì sau cuộc gặp gỡ, anh tôi bằng lòng cưới.
Mẹ tôi bảo nếu anh thuận thì bà cưới chứ không có ham giàu, thực sự bà ta cũng chỉ có năm cái nhà thôi, bốn cái ở Hà Nội và một ở Sầm Sơn.
Bên nhà gái hiếm hoi nên xin ở rể, mẹ tôi cũng bằng lòng vì bà lại sẽ về Cẩm Giàng ở một mình.
Đám cưới xong, mẹ tôi về quê, vợ chồng tôi thuê một căn nhà nhỏ ở làng Yên Phụ bên Hồ Tây, cảnh rất đẹp và nên thơ, chú Sáu về ở với chúng tôi, còn chú Bẩy học thuốc ở nội trú ngay trong trường.
Thấy căn nhà ở Hồ Tây mát mẻ, mẹ tôi về ở với chúng tôi một năm. Khi đó tôi đã sinh con trai đầu lòng (sau này là Duy Lam). Nhà có hai người làm nên hai mẹ con nhàn nhã, mẹ tôi lại buồn vì nhà không có vườn cây để bà chăm sóc. Tiền các anh đưa biếu cũng eo hẹp phải chi tiêu dè sẻn trong khi trại Cẩm Giàng bỏ không nên mẹ tôi lại trở về quê.
Báo Phong Hóa ngày càng tăng giá và số anh em cộng tác cũng nhiều, nhưng tiền vốn quá ít nên phải tiết kiệm. Lương mỗi người có ba mươi đồng, với vật giá hồi đó phải ăn tiêu dè sẻn. Anh Tam đã có chị Tam buôn bán phụ vào, anh Tư đi làm có lương, chỉ mình chú Sáu là đói và nghèo nhất. Nhà tranh vách đất, thậm chí đến cái mền cũng không có tiền mua. Một hôm sáng sớm, tôi đến kêu chú có việc, thấy chú nằm cái chăn dạ mỏng, vì lạnh quá đắp thêm cả cái khăn giải bàn và áo mưa nữa. Nhà ở ven Hồ Tây mùa đông lạnh giá làm sao chịu nổi.
Tôi hỏi thím Sáu: “Cái mền bông đã đặt tiền cùng với chị đâu không mang ra đắp?”. Thím nói: “Cái mền có ba đồng, đặt trước một đồng rồi, còn lại hai đồng thôi mà em vay không được nên đành bỏ mất, có lấy được đâu”.
Sau mẹ tôi phải mua cho chú ấy cái mền bông khác kẻo sợ lạnh quá sinh bệnh.
Báo bán chạy, các anh về nói với mẹ tôi gọi cổ phần hùn vốn mua nhà in vừa in báo vừa in thuê sẽ lời nhiều. Thế là nhà in Ngày Nay ra đời.
Các anh mải mê sáng tác, soạn bài vở nên giao việc trông nom ấn loát và lấy quảng cáo cho một người bạn, vì quá tin nên không kiểm soát gì cả. Trong hai năm ông ta thụt két mất một số tiền lớn, sau này có người mách các anh xét lại sổ sách mới rõ, thật là chua cay.
Bao nhiêu hy vọng, chịu cực khổ của các anh trở thành vô ích. Mẹ tôi biết chuyện, bà la các anh một trận. Bà bảo có thế các anh mới mở mắt ra, cứ tưởng ai cũng lý tưởng trong sạch như mình.
Cũng vì xảy ra như vậy, về sau tất cả đề nghị anh Tư đứng ra quản lý nhà in, chồng tôi về làm phụ tá, tiền bạc anh Tư giữ. Nhờ đó mấy năm sau được lời nhiều, mua thêm máy lớn, chữ mới. Nhà in trở nên đồ sộ, có thợ làm ngày và làm đêm, giúp cho bao người có công ăn việc làm.
Các anh cư xử với thợ rất tử tế, lương cao nên ai cũng làm việc hết sức mình. Lương các anh cũng tăng thêm, lại lập ra một quỹ cứu cấp để tương trợ ban biên tập hoặc ban trị sự lúc ốm đau, quan hôn tang tế. Tùy theo trường hợp, có khi trừ vào lương một ít, có khi cho không.
Hằng năm chỉ có ngày kỷ niệm báo ra và ngày lễ Noel mẹ tôi mới đến tòa báo. Quanh năm bà ở Cẩm Giàng có một mình, chỉ có ngày giỗ ngày Tết gia đình mới sum họp.
Mẹ tôi muốn lấy Cẩm Giàng làm quê hương nhưng các anh chê cảnh không có đồi núi không đẹp.
Sau lần đi chơi Tam Đảo về, các anh dự định mua ít đất ở chân núi để lập trại Từ Lâm. Đất mua xong, bắt đầu cho vỡ đất, nơi thấp cấy lúa, nơi cao làm nhà và trồng cây. Anh Tam đã phác họa sẵn kiểu nhà. Anh bảo sẽ làm cái nhà lớn ở chính giữa để mẹ tôi ở, các con làm mỗi người một cái nhà ở xung quanh. Nhà cô Năm sẽ ở gần mẹ nhất. Nhà dành cho bạn hữu thì ở rải rác xa xa. Nghe anh nói, lại nhìn hình vẽ, cảnh thật là thần tiên, lòng ai cũng nôn nóng.
Riêng mẹ tôi vẫn thản nhiên, có lẽ vì bà đã nhiều tuổi, hoặc giả thấy nó xa vời quá xem khó đạt thành, mà cho có thành tựu được chắc cũng còn lâu lắm. Mẹ tôi đã già rồi, sống chết chẳng biết lúc nào, trại Cẩm Giàng lập được cũng mất bao công lao khó nhọc, tuy chẳng rộng rãi khang trang, cảnh quê bằng phẳng không có núi cao sông rộng nhưng đối với mẹ tôi cũng đủ để an hưởng tuổi già thảnh thơi rồi. Đó là ý nghĩ của tôi còn mẹ tôi có tâm sự riêng làm sao tôi biết được.
- Xem thêm: Trí thức về đâu?