Bác sỹ bị đánh tại bệnh viện. Cô giáo bị bắt quỳ ngay tại trường học. Hai nghề nghiệp được tôn trọng nhất nước Việt từ thuở xa xưa đến giờ. Hai nghề nghiệp mà nhắc đến chúng ta thường gán cho từ tôn kính, xem như cha mẹ: “lương y như từ mẫu”, “cô giáo như mẹ hiền”… Rồi một ngày mở mạng lên ta thấy người ta lôi “mẹ hiền” ra giữa sàn bắt “mẹ hiền” quỳ gối vì “mẹ hiền” lỡ phạt “quý tử”.
Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, chắc không có hình ảnh nào gây chú ý hơn, lạnh nhân tâm hơn, trực diện hơn, như cú tát thẳng vào những khuôn mặt đòi hỏi nữ quyền bằng hình ảnh một cô giáo bị một gã đàn ông bắt quỳ. Và cô quỳ thật, quỳ như thể rốt cuộc cần phải làm gì đó để cho qua, rằng cô cần hạ mình xuống hứng chịu tất cả để êm xuôi mọi sự.
Hãy tạm quên đi người giáo viên bị bắt quỳ ấy là phụ nữ, hãy chỉ nhìn cô với khía cạnh một người trí thức. Trước cái ngày kinh hoàng nọ, cô đã có mười hai năm học phổ thông, bốn năm học đại học và không ít thời gian đứng trên bục giảng. Trong suốt từng ấy năm trời cô đã được dạy gì, cô đã học được gì để chỉ cần đứng trước một kẻ cuồng nộ với mấy lời đe nẹt đã khiến cô phải quỳ xuống.
Trí thức Việt Nam yếu đi từng ngày từng giờ hẳn là bởi nhiều tác nhân, nhưng khó phủ nhận tác nhân đến từ thời cuộc này, họ đã được/bị đào tạo trong một nền giáo dục có mục tiêu công nghiệp hóa sản xuất ra hàng loạt cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Và bây giờ, thêm một “thành tựu” mới của nền công nghiệp giáo dục nước ta đang ồn ào dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo lắp đặt thành công dây chuyền sản xuất giáo sư để đưa vào mỗi trường, mỗi lớp, mỗi cơ quan hàng hàng giáo sư, khiến không ít người tử tế phải chua chát nghĩ: chắc nhằm hy vọng việc sản xuất đại trà đó sẽ làm hạ giá thành giáo sư trên thị trường mua bán chợ đen!
Hãy thử nghĩ đến một đề nghị nghiêm túc này: bổ sung môn chạy việt dã như là điều kiện tiên quyết để tốt nghiệp các trường sư phạm và y dược!
Chạy đi! Chạy đi! Các thầy cô, các bác sĩ. Chạy đi trước khi bị gia đình bệnh nhân, phụ huynh học sinh hay dư luận xã hội dí đánh.
Để tìm ra từ lúc nào trí thức bị khinh rẻ vậy, chắc phải nhờ các nhà khảo cổ, nhờ các vị ấy khai quật lại cái thời kỳ mà xã hội còn xem trọng chữ nghĩa, cái thời chưa xa mà đã bị chôn vùi nhanh chóng.
Chạy đi! Chạy nhanh hơn nữa, bởi các vị đã mất hết rồi khả năng tự vệ hay phản kháng. Bởi từ lúc các vị đã không còn tin tri thức tích lũy của mình có khả năng phản kháng.
Cả trường dắt díu nhau đi lễ chùa vào ngày học chính quy, ai trách các vị chứ tôi không trách. Các vị biết trông cậy vào ai nữa đây ngoài những thần thánh các vị chưa gặp bao giờ.
Các vị biết trông cậy vào ai khi mà các vị có thể bị bắt quỳ bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, bao lâu cũng không biết, và trong suốt quá trình ấy, những người có chức trách bảo vệ phẩm hạnh nghề nghiệp, những thầy cô, đồng nghiệp của các vị không ai ngăn cản đến cùng, hay chỉ đơn giản là đỡ các vị đứng dậy.
Đó chỉ là hai mẫu hình tiêu biểu cho trí thức Việt Nam, hai mẫu hình được xã hội ví như “cha mẹ”. Vậy còn những trí thức không được ví von thế, chắc còn bi đát đến cỡ nào.
Để tìm ra từ lúc nào trí thức bị khinh rẻ vậy, chắc phải nhờ các nhà khảo cổ, nhờ các vị ấy khai quật lại cái thời kỳ mà xã hội còn xem trọng chữ nghĩa, cái thời chưa xa mà đã bị chôn vùi nhanh chóng.